Chính phủ ban hành kế hoạch phát triển kinh tế tư nhân

Nhằm khẩn trương triển khai Nghị quyết 198, trong thời gian tới, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cụ thể hóa và quyết liệt tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ để phát triển kinh tế tư nhân.

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 139/NQ-CP về Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 198/2025/QH15 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân (Kế hoạch). Trong đó, giao nhiệm vụ cụ thể với thời hạn cụ thể cho các bộ, cơ quan, địa phương để tập trung triển khai thực hiện, phát huy hiệu quả ngay từ thời điểm ban hành.

Loại bỏ điều kiện cản trở kinh doanh

Cụ thể, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cải thiện môi trường kinh doanh, hoàn thiện cơ chế, chính sách về thanh tra, kiểm tra, cấp phép, chứng nhận, cạnh tranh, phá sản doanh nghiệp.

Chậm nhất ngày 31-12-2025 phải hoàn thành việc rà soát, loại bỏ những điều kiện kinh doanh không cần thiết, quy định chồng chéo, không phù hợp, cản trở sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân; thực hiện giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, ít nhất 30% chi phí tuân thủ pháp luật, ít nhất 30% điều kiện kinh doanh.

Ứng dụng triệt để chuyển đổi số nhằm cắt giảm tối đa thời gian xử lý thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ pháp luật và điều kiện kinh doanh trong các quy định. Triển khai cung cấp dịch vụ công cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh không phụ thuộc vào địa giới hành chính.

Đảm bảo hoàn thành các mục tiêu và lộ trình quy định tại Nghị quyết 66 về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2025-2026.

Khẩn trương rà soát điều kiện đầu tư kinh doanh để sửa đổi hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi nhằm chuyển từ hình thức giấy phép, chứng nhận sang thực hiện công bố điều kiện kinh doanh và nâng cao hiệu quả công tác hậu kiểm (trừ một số ít lĩnh vực bắt buộc), hoàn thành trong năm 2025, 2026.

Chính phủ yêu cầu, các Bộ, ngành, địa phương rà soát, phân loại đối tượng kiểm tra; chấm dứt tình trạng kiểm tra chồng chéo, trùng lắp, kéo dài về cùng một nội dung, lĩnh vực; số lần kiểm tra tại doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh bao gồm cả kiểm tra liên ngành không được quá một lần/năm, trừ trường hợp cần kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm rõ ràng.

Xử lý nghiêm việc lạm dụng kiểm tra để nhũng nhiễu doanh nghiệp

Ngoài ra, Chính phủ yêu cầu đối với cùng một nội dung quản lý nhà nước, trong cùng một năm nếu đã tiến hành thanh tra thì không thực hiện kiểm tra và ngược lại, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm rõ ràng.

Xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng kiểm tra để nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Công bố công khai kế hoạch kiểm tra trên cổng thông tin để cộng đồng doanh nghiệp, hộ kinh doanh biết, phối hợp thực hiện.

Đẩy mạnh hoạt động kiểm tra trực tuyến, từ xa; ưu tiên kiểm tra dựa trên các dữ liệu điện tử, giảm tối đa kiểm tra trực tiếp. Công bố tại trang, cổng thông tin của đơn vị công cụ, giải pháp cảnh báo cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh về các nguy cơ vi phạm pháp luật.

Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị quyết liệt đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, hàng lậu, vi phạm bản quyền để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đúng pháp luật.

 Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cụ thể hóa và quyết liệt tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ để phát triển kinh tế tư nhân. Ảnh: X.Đ

Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cụ thể hóa và quyết liệt tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ để phát triển kinh tế tư nhân. Ảnh: X.Đ

Chính phủ yêu cầu, Bộ Công an hoàn thiện dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Dữ liệu, hoàn thành trong năm 2025.

Bộ Tài chính được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành rà soát danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện quy định tại Luật Đầu tư để nghiên cứu, cắt giảm các ngành nghề kinh doanh có điều kiện không cần thiết, hoàn thành chậm nhất trước ngày 31-12-2026.

Bộ Công Thương được giao đẩy mạnh thực thi Luật Cạnh tranh và các văn bản hướng dẫn thi hành đảm bảo môi trường cạnh tranh công bằng, bình đẳng, minh bạch; xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh, độc quyền và cạnh tranh không lành mạnh.

Hỗ trợ tiếp cận đất đai, thuê nhà, đất là tài sản công

Chính phủ giao Bộ NN&MT rà soát, sửa đổi Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành, bổ sung cơ chế, chính sách.

Trong đó, kiểm soát biến động giá đất, đặc biệt là giá đất sản xuất kinh doanh, phi nông nghiệp; giao các địa phương dành quỹ đất đầu tư kết cấu hạ tầng KCN, cụm công nghiệp, vườn ươm công nghệ để cho các doanh nghiệp thuê; nghiên cứu chính sách hỗ trợ tiền thuê đất, hoàn thành trong năm 2025-2026.

Cùng với đó, hoàn thành xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai và kết nối với Trung tâm Dữ liệu quốc gia và các cơ sở dữ liệu khác; ban hành các quy định về quản lý, vận hành và khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, hoàn thành trong năm 2025.

Giao Bộ Tài chính rà soát, sửa đổi Nghị định 35 quy định về quản lý KCN và khu kinh tế, bổ sung cơ chế, chính sách giao các địa phương dành tối thiểu 20ha/KCN hoặc 5% tổng quỹ đất đã đầu tư kết cấu hạ tầng khu công nghiệp để cho doanh nghiệp công nghệ cao, DNNVV (doanh nghiệp nhỏ và vừa), doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thuê, hoàn thành trong năm 2025.

Rà soát, sửa đổi Nghị định 108 quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất là tài sản công không sử dụng vào mục đích để ở giao cho tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương quản lý, khai thác để hỗ trợ DNNVV, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ĐMST thuê nhà, đất là tài sản công chưa sử dụng hoặc không sử dụng, hoàn thành trong năm 2025.

Bộ Tài chính trình Chính phủ văn bản hướng dẫn chính sách doanh nghiệp công nghệ cao thuộc khu vực kinh tế tư nhân, DNNVV, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được hỗ trợ giảm tối thiểu 30% tiền thuê lại đất trong vòng 5 năm đầu kể từ ngày ký hợp đồng thuê đất. Khoản hỗ trợ tiền thuê đất này được Nhà nước hoàn trả cho chủ đầu tư theo quy định; hoàn thành trong năm 2025.

Bộ Công Thương được giao rà soát, sửa đổi Nghị định 32 về quản lý, phát triển cụm công nghiệp để bổ sung cơ chế, chính sách giao các địa phương dành tối thiểu 20ha/cụm công nghiệp hoặc 5% tổng quỹ đất cho doanh nghiệp công nghệ cao, DNNVV, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thuê, hoàn thành trong năm 2025.

Các địa phương kịp thời công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; tích cực trong công tác giải phóng mặt bằng. Triệt để ứng dụng chuyển đổi số để cung cấp dịch vụ công trực tuyến, giảm tối thiểu 30% thời gian giải quyết thủ tục thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Hỗ trợ tài chính, tín dụng, thuế phí, lệ phí

Chính phủ giao NHNN (Ngân hàng Nhà nước) trình Chính phủ ban hành văn bản hướng dẫn chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm thông qua hệ thống các NHTM cho các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh vay vốn để thực hiện các dự án xanh, tuần hoàn và áp dụng khung tiêu chuẩn môi trường, xã hội, quản trị (ESG); hoàn thành trong năm 2025.

Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành văn bản hướng dẫn chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm thông qua các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách cho các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh vay vốn để thực hiện các dự án xanh, tuần hoàn và áp dụng khung tiêu chuẩn môi trường, xã hội, quản trị (ESG). Hoàn thành trong năm 2025.

Cùng với đó, Bộ Tài chính được giao trình Chính phủ văn bản hướng dẫn triển khai chính sách miễn thuế TNDN trong 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo đối với thu nhập từ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; miễn thuế TNCN, thuế TNDN đối với khoản thu nhập từ chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp, quyền góp vốn, quyền mua cổ phần, quyền mua phần vốn góp vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Miễn thuế TNCN (thu nhập cá nhân) trong 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của chuyên gia, nhà khoa học nhận được từ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm nghiên cứu phát triển...; miễn thuế TNDN (thu nhập doanh nghiệp) cho DNNVV trong 3 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu. Hoàn thành trong năm 2025.

Song song với đó, Bộ Tài chính rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật liên quan về việc hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không áp dụng phương pháp khoán thuế từ ngày 1-1-2026.

Bộ Tài chính trình Chính phủ văn bản hướng dẫn chính sách dành các gói thầu xây lắp, mua sắm hàng hóa, gói thầu hỗn hợp cung cấp hàng hóa và xây lắp sử dụng ngân sách nhà nước có giá gói thầu không quá 20 tỉ đồng cho DNNVV.

Trong đó ưu tiên doanh nghiệp do thanh niên, phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số, người khuyết tật làm chủ, doanh nghiệp ở miền núi, biên giới, hải đảo; hoàn thành trong năm 2025.

MINH TRÚC

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/chinh-phu-ban-hanh-ke-hoach-phat-trien-kinh-te-tu-nhan-post850419.html
Zalo