Xóa bỏ 'biên chế suốt đời' để thu hút cán bộ có năng lực vào bộ máy hành chính

Theo đại biểu Quốc hội, đề xuất bỏ chế độ 'biên chế suốt đời' trong sửa Luật Cán bộ, Công chức sẽ tạo cơ hội để lựa chọn, thu hút những người thực sự tâm huyết, có năng lực và trách nhiệm cao vào bộ máy hành chính Nhà nước.

Người dân thực hiện các thủ tục hành chính. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Người dân thực hiện các thủ tục hành chính. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Trao quyền lựa chọn cán bộ cho người đứng đầu

Chia sẻ bên hành lang Quốc hội, đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn tỉnh Đắk Nông) đánh giá cao những nội dung đột phá trong dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), đặc biệt là đề xuất bỏ chế độ “biên chế suốt đời” và trao quyền lựa chọn cán bộ cho người đứng đầu cơ quan hành chính.

Đại biểu cho rằng những quy định trong dự án luật là bước đột phá, thể hiện tư duy đổi mới mạnh mẽ trong công tác cán bộ, phù hợp với tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" và Nghị quyết 60-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII.

Ông Mai nêu rõ, lựa chọn mang tính thời đại của đất nước lúc này là thực hiện tinh giản song phải bảo đảm hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy Nhà nước. Theo đó, các cán bộ, công chức phải bảo đảm được những yêu cầu nhiệm vụ mới, phải là những người thực sự có năng lực, tâm huyết, trách nhiệm cao mới có thể đáp ứng các yêu cầu trong giai đoạn này.

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn tỉnh Đắk Nông). (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn tỉnh Đắk Nông). (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Cũng theo ông Mai, việc bỏ chế độ công chức "suốt đời" là một chủ trương lớn, mang tính cách mạng, tạo sự linh hoạt trong tuyển dụng, sử dụng cán bộ, công chức.

“Thay vì ‘giữ chỗ’ cho những người không đáp ứng yêu cầu, chúng ta sẽ có cơ hội lựa chọn, thu hút những người thực sự tâm huyết, có năng lực và trách nhiệm cao vào bộ máy hành chính Nhà nước”, đại biểu cho biết.

Để thu hút người tài, đại biểu Dương Khắc Mai nhấn mạnh, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó việc tìm kiếm, lựa chọn, sử dụng, trọng dụng và đãi ngộ là những khâu then chốt.

“Chúng ta cần xây dựng cơ chế tuyển dụng, đánh giá công khai, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh để lựa chọn được những ứng viên xuất sắc nhất. Sau khi tuyển dụng, cần bố trí công việc phù hợp với năng lực, sở trường của từng người, đồng thời xây dựng chế độ đãi ngộ thỏa đáng, tạo điều kiện để họ yên tâm công tác, cống hiến”, ông Mai nêu rõ.

Đặc biệt, đại biểu cũng kiến nghị cần trao quyền lựa chọn cộng sự cho người đứng đầu đơn vị hành chính ở một mức độ nhất định để xây dựng được đội ngũ cộng sự phù hợp, đáp ứng yêu cầu công việc.

Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm trong công tác tuyển dụng và đánh giá cán bộ. Việc đánh giá năng lực cần được định lượng hóa, tránh chung chung, cảm tính, bảo đảm tính khách quan, toàn diện, loại bỏ tình trạng "cả nể" và "duy tình".

Cán bộ phải giải quyết công việc đúng hạn

Đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang).

Đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang).

Chung nhận định, đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn Bắc Giang) cho rằng, việc không còn áp dụng chế độ “biên chế suốt đời” là một trong những định hướng quan trọng nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức.

Để thực hiện hiệu quả chủ trương này, đại biểu nêu rõ, cần đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc đổi mới chính sách tuyển dụng, đánh giá đầu vào, bảo đảm chọn đúng người, đúng việc.

“Chẳng hạn như vấn đề tuyển dụng, chế độ, chính sách tuyển dụng, đánh giá khâu đầu vào như thế nào để lựa chọn được đúng người phù hợp với vị trí yêu cầu, với nhiệm vụ ở từng vị trí việc làm. Đây cũng là một trong những yếu tố để chúng ta xác định lựa chọn 'vì việc mà chọn người'”, đại biểu nhấn mạnh.

Trao đổi về các quy định của dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Hải Dũng (Đoàn Nam Định) nhấn mạnh yêu cầu nâng cao kỷ luật hành chính và ứng dụng mạnh mẽ chuyển đổi số trong hoạt động công vụ.

Theo đại biểu, cần bổ sung một nguyên tắc rõ ràng đối với cán bộ, công chức là phải giải quyết công việc đúng thời gian, nhất là với các thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân và doanh nghiệp.

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng cũng cho rằng, quá trình tinh giản biên chế phải gắn liền với nâng cấp hạ tầng công nghệ, chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước. Đặc biệt, cần chú trọng nâng cao năng lực số cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, cấp cơ sở - nơi gần dân nhất.

Đại biểu cũng đánh giá việc triển khai dịch vụ công trực tuyến sẽ giúp lãnh đạo dễ dàng theo dõi tiến độ xử lý công việc của cán bộ, công chức. Qua đó, việc đánh giá, sàng lọc đội ngũ sẽ sát thực hơn, đúng với nguyên lý “có vào, có ra; có lên, có xuống”, góp phần xây dựng nền công vụ hiện đại, minh bạch và hiệu quả.

TRUNG HƯNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/xoa-bo-tu-tuong-giu-cho-de-thu-hut-can-bo-co-nang-luc-vao-bo-may-hanh-chinh-post880684.html
Zalo