Nghiên cứu chính sách đột phá riêng cho Khu kinh tế mở Chu Lai

Ban Quản lý các Khu kinh tế và khu công nghiệp tỉnh Quảng Nam xác định mục tiêu xây dựng cơ chế, chính sách đột phá riêng cho Khu kinh tế mở Chu Lai để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.

Cảng Chu Lai mở rộng hệ thống kho bãi phục vụ lưu trữ hàng hóa. Ảnh: BNEWS/TTXVN phát

Cảng Chu Lai mở rộng hệ thống kho bãi phục vụ lưu trữ hàng hóa. Ảnh: BNEWS/TTXVN phát

Năm 2025, Ban Quản lý các Khu kinh tế và khu công nghiệp tỉnh Quảng Nam xác định nhiều mục tiêu nhằm phát huy tối đa những lợi thế; trong đó, đáng chú ý là xây dựng cơ chế, chính sách đột phá riêng cho Khu kinh tế mở Chu Lai để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động có kỹ năng gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động.

Theo đó, Ban Quản lý các Khu kinh tế và khu công nghiệp tỉnh Quảng Nam phát huy lợi thế đối với các ngành trọng điểm về cơ khí, công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng, du lịch, hàng không, cảng biển. Nghiên cứu xây dựng bổ sung các cơ chế khuyến khích, hỗ trợ chung phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh, đảm bảo phù hợp với quy định của Chính phủ về ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, gắn các tiêu chí cụ thể nhằm thu hút các dự án lớn, sử dụng công nghệ tiên tiến, những dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo, các dự án đầu tư gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển bền vững.

Ban Quản lý các Khu kinh tế và khu công nghiệp tỉnh Quảng Nam tiếp tục thúc đẩy hợp tác, liên kết ngành trong phát triển khu công nghiệp, nhất là khu vực doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa, để hình thành nên các cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị trong nội vùng, liên vùng, đóng góp vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế tỉnh. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan để triển khai xây dựng Đề án phát triển và hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh; Đề án phát triển, hình thành trung tâm công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm từ Silica tại Quảng Nam, và Đề án trung tâm hỗ trợ ngành cơ khí trên địa bàn tỉnh.

Năm 2025, Ban Quản lý các Khu kinh tế và khu công nghiệp tỉnh Quảng Nam tập trung hoàn thành công tác điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế mở Chu Lai đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với định hướng của Quy hoạch tỉnh thời kỳ đến năm 2030; đồng thời, tiếp tục triển khai Đề án điều chỉnh ranh giới Khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang theo hướng bố trí các khu chức năng dọc tuyến Quốc lộ 14D, trình Thủ tướng Chính phủ thống nhất, làm cơ sở điều chỉnh quy hoạch chung; tiếp tục triển khai các quy hoạch phân khu làm cơ sở quản lý, thu hút kêu gọi đầu tư.

Ban Quản lý các Khu kinh tế và khu công nghiệp tỉnh Quảng Nam rà soát, đánh giá lại khu công nghiệp nào cần thu hẹp, các khu công nghiệp cần ưu tiên mở rộng, chuẩn bị khu công nghiệp mới; phối hợp với các địa phương, các chủ đầu tư khu công nghiệp đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng, công bố danh sách các khu công nghiệp có quỹ đất sạch, cơ sở hạ tầng tốt,... chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết nắm bắt thời cơ thu hút nguồn lực bên ngoài, đón đầu làn sóng dịch chuyển vốn FDI.

Mặt khác, Ban Quản lý các Khu kinh tế và khu công nghiệp tỉnh Quảng Nam tiếp tục thực hiện các nhóm dự án tại Nghị quyết số 07 của Tỉnh ủy về định hướng phát triển vùng Đông Nam gắn với tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp của 3 đột phá chiến lược. Ban tập trung vốn đầu tư công và huy động vốn xã hội vào các dự án hạ tầng có tính động lực, sức lan tỏa lớn của khu kinh tế, trong đó đầu tư đồng bộ 4 loại hình giao thông: Cảng hàng không Chu Lai, cảng biển Chu Lai và luồng tàu 50.000 tấn gắn với phát triển hạ tầng logicstic; nạo vét sông Trường Giang; đầu tư nâng cấp mở rộng Quốc lộ 14D… phối hợp với huyện Núi Thành trong việc chuẩn bị quỹ đất xây dựng Ga hàng hóa của tuyến đường sắt tốc độ cao.

Ban Quản lý các Khu kinh tế và khu công nghiệp tỉnh Quảng Nam thu hút mạnh các nguồn lực phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, đặc biệt nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các ngành công nghiệp chế biến, cơ khí, điện tử, công nghiệp hỗ trợ…gắn với hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, thân thiện môi trường; tạo nhiều sản phẩm xuất khẩu, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước.

Năm 2024, Ban Quản lý các khu kinh tế và khu công nghiệp tỉnh Quảng Nam cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 21 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 7.767 tỷ đồng; trong đó, có 9 dự án FDI với tổng vốn đầu tư khoảng 134 triệu USD. Đồng thời, cấp điều chỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư và điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 41 dự án; thực hiện thủ tục ngừng hoạt động 3 dự án và chấm dứt hoạt động 6 dự án.

Ông Nguyễn Hồng Quang, Trưởng Ban Quản lý các Khu kinh tế và khu công nghiệp tỉnh Quảng Nam cho biết, năm 2024, đơn vị đã tập trung cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trên địa bàn tỉnh Quảng Nam năm 2024. Theo đó, triển khai toàn diện, hiệu quả công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số và hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn ISO 2015.

Ban chủ động kết nối, làm việc với doanh nghiệp tìm hiểu nắm bắt tình hình kịp thời tháo gỡ vướng mắc khó khăn. Đồng thời, rà soát các quy định chưa rõ ràng hoặc không còn phù hợp với thực tiễn hiện nay trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để đề xuất các giải pháp hoàn thiện thủ tục và đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đầu tư kinh doanh.

Dựa trên nghiên cứu, đánh giá tiềm năng, lợi thế, Ban Quản lý các khu kinh tế và khu công nghiệp tỉnh Quảng Nam đã xây dựng danh mục dự án ưu tiên thu hút đầu tư giai đoạn 2024- 2025 thuộc lĩnh vực hạ tầng, đô thị, thương mại và dịch vụ, khu công nghiệp và đã được UBND tỉnh phê duyệt; Lập đề xuất danh mục nghiên cứu dự án đầu tư tại Tiểu khu I Khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang, huyện Nam Giang giai đoạn 2024 – 2025; thực hiện các thủ tục lập đề xuất Dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trong Khu kinh tế mở Chu Lai.

Năm 2024, Ban Quản lý các khu kinh tế và khu công nghiệp tỉnh Quảng Nam đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư trong và nước ngoài như: tổ chức đoàn đại biểu tỉnh Quảng Nam thăm quan nhà máy sản xuất nam châm từ tính và làm việc với Công ty SGI tại Hàn Quốc; tham gia đoàn xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản, Trung Quốc; thông tin các chương trình xúc tiến đầu tư của các địa phương, hiệp hội tại nước ngoài để các doanh nghiệp đăng ký tham gia.

Ban Quản lý các khu kinh tế và khu công nghiệp tỉnh Quảng Nam phối hợp các đơn vị liên quan tiếp đón và làm việc với các nhà đầu tư đến tìm hiểu đầu tư vào các khu công nghiệp như: đoàn các nhà đầu tư của tỉnh Jeollanam-do (Hàn Quốc), đoàn Cam Túc (Trung Quốc), các Tập đoàn: BIN, TMT, Điện khí Quốc Quang, Liên đoàn Doanh nghiệp Singapore và Công ty Chaodai Textile PTE...; giới thiệu tiềm năng thế mạnh của các khu kinh tế và khu công nghiệp tỉnh...

Trần Tĩnh/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nghien-cuu-chinh-sach-dot-pha-rieng-cho-khu-kinh-te-mo-chu-lai/359342.html
Zalo