Cháy rừng tại Los Angeles là vụ cháy đắt đỏ nhất lịch sử nước Mỹ
Ngay từ khi những đám cháy rừng vẫn đang hoành hành trên khắp Los Angeles, đây đã được dự đoán là một trong những thảm họa cháy rừng gây thiệt hại lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế đều sẽ chịu tác động nặng nề.
Vụ cháy rừng “đắt đỏ” bậc nhất lịch sử nước Mỹ
Tính đến ngày Chủ nhật (12-1-2025), các đám cháy bùng phát từ hôm thứ Ba tuần trước đã khiến ít nhất 16 người thiệt mạng và thiêu rụi hơn 12.000 công trình, trong đó, bao gồm những khu phố với những bất động sản trị giá hàng triệu đô la Mỹ.
Hiện vẫn còn quá sớm để có thể thống kê chính xác thiệt hại về mặt tài chính. Tuy nhiên, các ước tính tổn thất cho tới nay có thể đã đủ để khiến những gì diễn ra tại Los Angeles trở thành vụ cháy rừng gây thiệt hại lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Trong một báo cáo mới công bố, Moody’s nhận định đợt cháy rừng lần này sẽ là vụ cháy rừng gây thiệt hại cao kỷ lục tại Mỹ, bởi chúng đã tàn phá các khu vực đông dân cư, tập trung nhiều bất động sản cao cấp.
Các vụ cháy đã phá hủy hàng ngàn bất động sản trên khắp Pacific Palisades và Malibu - nơi sinh sống của nhiều ngôi sao Hollywood và giám đốc điều hành, với những bất động sản trị giá hàng triệu đô la.
“Quy mô và cường độ của các đám cháy, kết hợp với phạm vi địa lý của chúng, cho thấy một tổn thất khổng lồ, xét ở cả chi phí về con người và thiệt hại kinh tế”, các nhà phân tích của Moody’s viết.
Sức ép lớn lên thị trường bảo hiểm
JP Morgan hôm thứ Năm tuần trước (9-1) ước tính tổn thất được bảo hiểm từ các vụ cháy ở Los Angeles hiện đã vượt ngưỡng 20 tỉ đô la Mỹ. Tuy nhiên, theo ông Jonathan Scheneyer, Giám đốc nghiên cứu của Công ty CoreLogic, điều đáng nói là ở chỗ tổn thất được bảo hiểm thường chỉ chiếm khoảng 40% tổng thiệt hại về tài sản.
Một nghiên cứu hồi năm 2023 của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh Philadelphia cho thấy, 42-66% chủ nhà bị ảnh hưởng bởi cháy rừng trong 11 năm qua ở California đã không được bảo hiểm đầy đủ. Và cứ 10 nạn nhân cháy rừng, lại có 4 người nhận được ít tiền bảo hiểm hơn so với mức trong hợp đồng, do các khoản phí khấu trừ.
Vấn đề này càng trở nên tệ hơn nữa khi các vụ cháy rừng trước đó đã khiến mức phí bảo hiểm tăng cao và khiến nhiều người dân không gia hạn hợp đồng bảo hiểm. 14 vụ cháy rừng gây tàn phá nặng nề nhất tại California đã xảy ra kể từ năm 2017.
Ông Adam Rose, Giáo sư tại trường Chính sách công Sol Price của Đại học Nam California, cho biết trong một thập niên trước, 90% số chủ nhà tại đây có bảo hiểm cháy rừng, nhưng giờ tỷ lệ này có thể chỉ còn ở mức 70-80%.
Bloomberg nhận định, các đám cháy rừng ở Los Angeles đã đe dọa đẩy thị trường bảo hiểm mong manh của California đến bờ vực thẳm. 7 trong số 12 công ty bảo hiểm nhà lớn nhất đã hạn chế phạm vi bảo hiểm của họ tại tiểu bang này trong hai năm qua. Còn theo LendingTree, phí bảo hiểm nhà ở của California đã tăng 48% trong năm năm qua, cao hơn so với mức 38% của toàn nước Mỹ.
“Nguy cơ cháy rừng cao ở California đã khiến các công ty bảo hiểm rút khỏi các hợp đồng bảo hiểm ở một số khu vực của tiểu bang hoặc hạn chế phạm vi bảo hiểm cho các rủi ro như cháy rừng, khiến chủ nhà càng khó tìm được các hợp đồng bảo hiểm giá cả phải chăng cung cấp cho họ sự bảo vệ cần thiết”, Divya Sangameshwar, một nhà phân tích bảo hiểm nhà ở của LendingTree, cho biết.
Các ngành kinh tế chịu nhiều thiệt hại
Theo các chuyên gia, nếu số lượng nhà bị phá hủy lên tới 15.000, con số này chỉ chiếm chưa đến một nửa phần trăm trong số 3,7 triệu đơn vị nhà ở của Los Angeles. Tuy nhiên, bên cạnh các thiệt hại về nhà ở, các ngành kinh tế của khu vực đều được dự báo sẽ chịu tác động đáng kể và mất nhiều thời gian để phục hồi.
Theo ước tính sơ bộ của AccuWeather, thiệt hại và tổn thất kinh tế mà các đám cháy gây ra có thể lên tới 135-150 tỉ đô la Mỹ. Để so sánh, thiệt hại kinh tế mà cơn bão Helene gây ra khi quét qua sáu tiểu bang miền Đông Nam nước Mỹ hồi mùa thu năm ngoái, là từ 225-250 tỉ đô la.
AccuWeather đã đưa nhiều biến số vào trong ước tính của mình, bao gồm thiệt hại về nhà cửa, doanh nghiệp, cơ sở hạ tầng, và phương tiện, cũng như chi phí chăm sóc sức khỏe tức thời và dài hạn, tiền lương bị mất và sự gián đoạn chuỗi cung ứng. Các lĩnh vực giải trí, du lịch, bất động sản và chuỗi cung ứng đều sẽ chịu tác động đáng kể.
Theo ông Richard Green, Chủ tịch Trung tâm Bất động sản Lusk của Đại học Nam California, một mức thiệt hại 100 tỉ đô la đã lớn hơn 10% tổng sản lượng kinh tế hàng năm của Los Angeles là 962 tỉ đô la. “Tôi nghĩ con số 10% GDP là rất lớn, và ngay cả khi con số này chỉ là 50 tỉ đô la thì cũng rất tệ. Bởi lẽ một năm tăng trưởng GDP tốt là khoảng 3%. Vì vậy, ít nhất, các đám cháy đã xóa sổ hơn một năm tăng trưởng GDP”.
Theo ông Jonathan Porter, chuyên gia khí tượng học của AccuWeather, “tổng thiệt hại kinh tế từ thảm họa cháy rừng này có thể lên tới gần 4% GDP hàng năm của bang California”. Và có thể phải mất vài tháng nữa mới có thể thống kê cụ thể về thiệt hại tài chính do cháy rừng gây ra. “Chúng ta vẫn đang ở giai đoạn đầu của thảm họa này”.
Theo ông Aris Papadopoulos - nhà sáng lập Quỹ Hành động phục hồi, khi các đám cháy được dập tắt, khoảng một phần ba số chủ sở hữu bất động sản sẽ bán nhà và rời khỏi khu vực này. Gần một nửa số doanh nghiệp nhỏ trong khu vực cũng có khả năng sẽ không mở cửa trở lại, làm cạn kiệt thêm nguồn thu thuế. Tác động kinh tế có thể kéo dài ít nhất năm năm. Trong khi đó, chính phủ sẽ phải gánh chịu thêm chi phí sửa chữa tài sản công và khởi động lại các dịch vụ.
Tiền thuê nhà và có thể là giá nhà đều sẽ tăng khi các hộ gia đình phải di dời sang các khu vực lân cận để tìm nơi trú ẩn. Nhu cầu về phòng khách sạn và nhà cho thuê ngắn hạn cũng sẽ tăng vọt. Chuyên gia Richard Green dự báo, tỷ lệ nhà cho thuê bỏ trống có thể giảm và giá thuê trung bình có thể tăng tới 200-300 đô la mỗi tháng.
Các ngân hàng cũng sẽ lo lắng về việc mọi người không thể thanh toán các khoản vay thế chấp hoặc vỡ nợ hoàn toàn. Nghiên cứu của Fed Philadelphia cho thấy, tỷ lệ nợ quá hạn 90 ngày đối với những người có bất động sản bị cháy rừng phá hủy tại California sẽ tăng hơn 4%.
Ông Jonathan Scheneyer cho biết nhiều chủ nhà sẽ không đủ tiền để trả các khoản vay thế chấp, khi đang phải ưu tiên thanh toán tiền thuê nhà tạm thời và chi phí sinh hoạt. “Hãy thử đặt mình vào vị trí của một người vừa phải sơ tán, và có thể đã mất toàn bộ ngôi nhà của mình. Điều cuối cùng mà bạn muốn nghĩ đến là trả các khoản nợ vay thế chấp”.
Triển vọng phục hồi vẫn còn để ngỏ
Nhiều ý kiến khác kỳ vọng, sau những thiệt hại ban đầu, nền kinh tế có thể phục hồi trở lại, khi người dân bắt đầu các hoạt động tái thiết. Giáo sư Adam Rose tại Đại học Nam California đánh giá “ý thức cộng đồng vốn rất mạnh mẽ ở các khu vực này sẽ thúc đẩy quá trình xây dựng lại nhà cửa. Chính sách của chính phủ và chính quyền địa phương nhằm thúc đẩy hoạt động tái thiết, cắt giảm thủ tục giấy tờ cũng sẽ giúp ích”.
“Những gì bạn thấy trong bối cảnh thảm họa là sự suy giảm hoạt động kinh tế trong thời gian rất ngắn, sau đó là sự phục hồi mạnh mẽ trở lại bình thường”, ông Christopher Thornberg, đối tác sáng lập của Công ty tư vấn Beacon Economics, cho biết. “Mọi người sẽ thức dậy, phủi bụi và tiếp tục cuộc sống của mình”.
Các nỗ lực này sẽ là không hề dễ dàng. Các nhà kinh tế cho biết việc xây dựng lại 10.000 ngôi nhà, tương đương với 41% trong số 24.000 ngôi nhà được xây dựng tại Los Angeles mỗi năm. Nhu cầu đột biến này sẽ làm tăng chi phí xây dựng và gây áp lực cho ngành xây dựng. Những người giàu có thể mất từ 3-5 năm, trong khi những người ít giàu có hơn có thể mất tới một thập niên để xây dựng lại ngôi nhà của mình.
Nguồn: Los Angeles Daily News, AP News, Fortune, Los Angeles Times, Bloomberg