Hà Nam: Triển khai quyết liệt, hiệu quả 3 khâu đột phá chiến lược

Năm 2025, tỉnh Hà Nam phấn đấu thu cân đối ngân sách đạt 25.865 tỷ đồng, tăng 52,5% so với năm 2024.

Tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Hà Nam có những chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng.

Tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Hà Nam có những chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng.

Năm 2024, GRDP tỉnh Hà Nam ước đạt hơn 56.116 tỷ đồng, tăng 10,93% so với năm 2023. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 0,04%; khu vực công nghiệp – xây dựng tăng 13,72%; khu vực dịch vụ tăng 7,77%.

Tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước năm 2024 trên địa bàn đạt gần 17.000 tỷ đồng, tăng 20,1% so với năm 2023, đạt 107% dự toán trung ương giao và 105% so dự toán HĐND tỉnh giao. Trong đó, thu nội địa đạt 15.273,118 tỷ đồng, đạt 105% dự toán địa HĐND tỉnh giao, tăng 21,8% so với năm 2023; Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 1.685 tỷ đồng, đạt 100% dự toán trung ương và HĐND tỉnh giao...

Vốn đầu tư toàn xã hội cả năm ước đạt hơn 45.678 tỷ đồng, tăng 7,2% so với năm 2023; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 1,51%, giảm 0,6% so với năm 2023. Công tác an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh được giữ vững.

Giá trị sản xuất công nghiệp trong các khu công nghiệp ước đạt 202.500 tỷ đồng, bằng 106,86% chỉ tiêu kế hoạch năm; giá trị xuất khẩu hàng hóa ước đạt 8,05 tỷ USD, bằng 116,15% chỉ tiêu kế hoạch năm. Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp nộp ngân sách Nhà nước ước đạt 5.500 tỷ đồng, tăng trên 5,7% so với năm 2023.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng toàn tỉnh trong năm ước đạt trên 54.500 tỷ đồng, tăng 15,4% so với năm 2023. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt trên 44.500 tỷ đồng, chiếm gần 82% tổng doanh thu bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn (tăng 13,5% so với năm 2023). Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân của tỉnh trong năm 2024 tăng 3,52% so với bình quân năm 2023. Hầu hết các nhóm hàng đều đạt mức tăng trưởng dương.

Năm 2025, tỉnh Hà Nam phấn đấu thu cân đối ngân sách đạt 25.865 tỷ đồng, tăng 52,5% so với cùng kỳ năm 2024. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm; đặc biệt là triển khai quyết liệt, hiệu quả 3 khâu đột phá:

Xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, chính quyền địa phương tập trung hoàn thiện thủ tục đầu tư, huy động nguồn lực đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại. Triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án giao thông liên kết vùng…

Đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là hiện đại hóa nền hành chính, cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Tập trung chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử tiến tới chính quyền số.

Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, nâng cao năng suất lao động. Thu hút cơ sở đào tạo, dạy nghề chất lượng cao, tạo dựng chuỗi liên kết lao động sau đào tạo với doanh nghiệp, gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu, đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động. Hình thành và phát triển Khu Công nghệ cao Hà Nam tạo động lực tăng trưởng mới. Thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn...

THÙY LÊ

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/ha-nam-trien-khai-quyet-liet-hieu-qua-3-khau-dot-pha-chien-luoc-37869.html
Zalo