Nghiện bàn tán nỗi đau người khác: Coi chừng chính mình bị mất phương hướng
Thời gian qua, mạng xã hội luôn tràn ngập các thông tin drama (chuyện lùm xùm) của người nổi tiếng trong nước với 'thực đơn' đầy đủ các 'món': ly hôn, lừa đảo từ thiện, lao lý, ngoại tình, bóc phốt nhau chia tay… Drama vốn đi liền với chuyện không vui, nhưng người tham gia lại luôn đầy hào hứng!
Thói quen thời hiện đại
“Tôi coi chưa kịp tiêu hóa vụ 2 TikToker nổi tiếng chia tay thì đến vụ quảng cáo sai sự thật, rồi vụ các KOLs (người nổi tiếng trên mạng) bóc phốt nhau... Thậm chí, có khi họ nhắc lại chuyện cũ, tôi lại hì hục đi kiếm lại cái chuyện đó để xem thực hư thế nào. Hóng riết hết tháng hồi nào không hay”, Thanh Thảo (20 tuổi, ngụ TPHCM), một bạn trẻ vốn thích xem các câu chuyện trên mạng, thổ lộ. Thảo cho rằng “nhiều chuyện” một tí để đêm nào cũng có cái vui vui coi xả stress, tìm hiểu các quan điểm xã hội quanh mình, vừa đỡ tốn tiền đi cà phê, hay thu xếp hò hẹn bạn bè.

Bạn trẻ xem các drama trên mạng
Thích cái cách xem người trong cuộc xử lý vấn đề, Mỹ An (21 tuổi, ngụ Bình Dương) thì chia sẻ: “Mình thấy nó lạ và lôi cuốn một phần vì trong cuộc sống cá nhân và những người xung quanh, hầu như ít khi nào xảy ra những chuyện kịch tính quá mức như vậy. Thường có gì bản thân mình và các bạn chỉ hành xử dĩ hòa vi quý cho êm chuyện, nhẹ lòng, nhưng cái cách những người trên mạng họp nhóm livestream, tố cáo lẫn nhau…, cho thấy cuộc sống thật sự nhiều màu sắc, cảm giác mình “mở mang” thêm chút”.
Theo các chuyên gia tâm lý, sự tò mò này một phần đến từ bản năng tâm lý cá nhân. Não người rất muốn biết các thông tin bất thường, đau khổ… do nhu cầu biết những nguy hiểm xung quanh để tự bảo vệ khỏi nguy cơ. Một lý do khác là lòng trắc ẩn, quan tâm các câu chuyện đó khiến ta có cảm giác chia sẻ những nỗi đau của đồng loại. Chính vì vậy, người có lòng trắc ẩn càng cao đôi khi lại càng quan tâm nhiều hơn đến những tranh cãi, lùm xùm, chuyện phức tạp giữa các cá nhân, thường trên mạng xã hội hoặc showbiz.
Drama không vô hại
Xem việc hóng drama hết mình như một thú vui giải trí không thể thiếu trong đời sống hiện đại, để không bị tuột hậu về thông tin…, nhiều nhóm bạn trẻ thức đêm hôm xem livestream, đóng tiền để đặt câu hỏi cho nhân vật. Mổ xẻ nỗi đau của người khác trong nhóm nhỏ, nhóm lớn, bình luận, thêm thắt mắm muối, đào thông tin cũ, chế ảnh, tóm tắt livestream… trở thành nghề chính của các “drama editor” (nghề sáng tạo nội dung, hầu chuyện, biên tập các tin thị phi trên nền tảng mạng xã hội). Ban đầu tìm đến vì những lý do bản năng, nhưng càng dấn sâu, não dễ vào trạng thái nghiện. Lúc này, người dùng mạng xem drama vì quá… hứng thú với nỗi đau của người khác, chứ không để đồng cảm hay tìm cách giúp đỡ.
TS Phạm Thị Thúy (giảng viên Học viện Chính trị khu vực II) phân tích thêm: Người xem cảm thấy mình đang an toàn, sung sướng hơn nhiều so với đau khổ của người trong cuộc. Sinh ra nhu cầu được thỏa mãn khi phán xét “nếu tôi là anh ấy, cô ấy, tôi đã làm khác, tôi đã không để việc đó xảy ra...”. Bởi vậy, quan sát những tình huống đau khổ cũng làm người ngoài cuộc cảm giác mình vượt trội, thông minh hơn, khi “bật nút” phán xét về giải pháp của nhân vật chính.
Phạm Phúc (30 tuổi, ngụ TPHCM) trăn trở: “Theo dõi câu chuyện, tôi hay nghĩ nếu mình trong hoàn cảnh đó sẽ xử lý ra sao, cảm xúc thế nào? Nhưng tôi cũng chỉ dừng ở suy nghĩ đó, còn nhiều người lại xét nét, đưa ra những lời phê phán, thậm chí là hạ nhục người khác. Tôi có cảm giác núp mình sau điện thoại, một số người dễ dàng thể hiện những bản tính không nhân văn của mình”.
Một bạn trẻ khác thì chia sẻ: “Trước đây tôi rất khắt khe với việc chung thủy, và giữ mặt mũi cho nhau trong tình yêu, nhưng khi nghe lập luận của các bạn trẻ cũng coi như có một chút tên tuổi tranh cãi, chế giễu chuyện tình cảm cũ của nhau, không biết tự bao giờ, tôi lại thấy chuyện ngoại tình, hời hợt trong tình yêu là bình thường. Rồi như vấn đề quảng cáo, trước đây tôi cứ đòi mọi thứ phải là sự thật, sau mấy vụ người nổi tiếng bị bắt vì quảng cáo sai, tôi lại thấy “thoáng” hơn, bình thường hóa chuyện KOLs cũng chỉ là con người, cũng lừa dối người khác vì lợi ích..., dần dần có cảm giác mình chẳng còn niềm tin vào điều gì trong cuộc sống nữa”.
TS Phạm Thị Thúy cảnh báo: Nghiện drama không phải thú vui “lành” như ta nghĩ. Nó khiến người xem dần vô cảm, chai lì, xem những câu chuyện bi kịch có thật như những màn kịch, phim ảnh, chỉ nhằm phục vụ giải trí, mua vui… Cuốn theo đám đông và bị lôi kéo bởi quá nhiều luồng ý kiến đôi khi rất ngụy biện, nếu người xem không dừng lại để có chính kiến riêng, về lâu dài dễ bị mất phương hướng trong nhận diện cảm xúc cá nhân và người khác. Cùng với đó, các giá trị cốt lõi của cá nhân cũng bị méo mó, lung lay.