Sai lầm có thể gây mất mạng nhưng rất nhiều người mắc phải

Thời gian gần đây, Bệnh viện Nội tiết Trung ương tiếp nhận nhiều ca bệnh nặng do không tuân thủ điều trị, trong đó phần lớn là người bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu.

 Bệnh nhân biến chứng do bỏ điều trị.

Bệnh nhân biến chứng do bỏ điều trị.

Đây là thực trạng báo động, có thể dẫn tới biến chứng nghiêm trọng, thậm chí không qua khỏi nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời.

Đối với người bệnh đái tháo đường, việc không tuân thủ điều trị có thể dẫn tới hàng loạt biến chứng cấp tính nguy hiểm như: hôn mê toan ceton (DKA) - thường xảy ra ở bệnh nhân đái tháo đường type 1, có thể diễn tiến nhanh, gây rối loạn ý thức, suy tuần hoàn, đe dọa tính mạng.

Biến chứng tăng áp lực thẩm thấu máu - hay gặp ở người đái tháo đường type 2 lớn tuổi, biểu hiện bằng mất nước nặng, lú lẫn, hôn mê

Biến chứng hạ đường huyết nặng - nếu dùng insulin hoặc thuốc hạ đường huyết không đúng liều hoặc bỏ bữa; Viêm tụy cấp do tăng triglycerid máu - một trong những biến chứng chuyển hóa nghiêm trọng thường gặp ở người mắc đái tháo đường kèm rối loạn mỡ máu.

Những biến chứng trên thường diễn biến nhanh, khó lường và cần xử trí cấp cứu ngay, do đó việc tuân thủ điều trị là yếu tố sống còn với người bệnh đái tháo đường.

Bệnh nhân N.T.B.T. (nữ, 56 tuổi, Hà Nội), được chẩn đoán đái tháo đường type 2 suốt 15 năm, không đi khám định kì, tự ý dùng đơn thuốc cũ, và ngừng hẳn điều trị khi hết thuốc.

Sau 10 ngày không dùng thuốc, người bệnh xuất hiện tình trạng mệt mỏi, yếu chi, buồn nôn, lơ mơ, nhập viện trong tình trạng rối loạn điện giải, tăng áp lực thẩm thấu, đường huyết rất cao. Rất may, sau điều trị tích cực, bệnh nhân đã tỉnh táo trở lại.

Bệnh nhân T.Q.A. (nam, 34 tuổi, Hà Nội), mắc đái tháo đường type 1, nhiều lần nhập viện vì hôn mê toan ceton. Trước khi nhập viện, bệnh nhân uống rượu và bỏ liều insulin buổi tối.

Sáng hôm sau, người nhà phát hiện bệnh nhân kích thích, la hét, lơ mơ, được chuyển viện cấp cứu. Đường huyết đo được lúc đầu là 27.7 mmol/L, chẩn đoán: hôn mê toan ceton, suy thận cấp, tăng kali máu. May mắn được cấp cứu kịp thời, được điều trị tích cực và qua cơn nguy kịch.

Viêm tụy cấp nguy hiểm do tăng triglycerid – hậu quả của uống thuốc không đều

Bệnh nhân T.T.T.H. (nữ, 54 tuổi), tiền sử đái tháo đường type 2, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, đã từng bị viêm tụy cấp do tăng triglycerid máu năm 2023. Trong đợt này, bệnh nhân uống thuốc không đều, nhập viện vì đau bụng dữ dội.

Xét nghiệm cho thấy triglycerid tăng gấp hơn 30 lần giới hạn bình thường, chẩn đoán viêm tụy cấp do tăng triglycerid - một biến chứng nguy hiểm có thể gây suy đa tạng, không qua khỏi nếu chậm trễ xử trí.

Các trường hợp trên đều cho thấy hậu quả nghiêm trọng và hoàn toàn có thể phòng tránh nếu người bệnh tuân thủ điểu trị đầy đủ theo chỉ định của bác sĩ.

Cụ thể: uống thuốc đều đặn, đúng giờ, đúng liều; không tự ý bỏ thuốc, ngắt liều hay trì hoãn điều trị; tái khám đúng hẹn để theo dõi biến chứng, điều chỉnh phác đồ; duy trì chế độ sinh hoạt lành mạnh: ăn uống hợp lí, tránh stress, vận động thường xuyên

Bác sĩ khuyến cáo nếu một bệnh nhân đang sống chung với bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, không được chủ quan. Việc “nghỉ thuốc vài hôm”, “quên tiêm insulin”, hay “uống không đều vì thấy khỏe hơn” có thể là khởi đầu cho những biến chứng đe dọa tính mạng.

Hà Minh / Tiền Phong

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/sai-lam-co-the-gay-mat-mang-nhung-rat-nhieu-nguoi-mac-phai-post1555392.html
Zalo