'Nghị quyết 68 về kinh tế tư nhân nhưng DN Nhà nước cũng mong chờ'

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho biết các nội dung trong Nghị quyết 68 nói về phát triển kinh tế tư nhân, nhưng thực chất các doanh nghiệp Nhà nước cũng rất mong muốn được áp dụng.

 Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa cho biết Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân nhưng các doanh nghiệp Nhà nước cũng rất mong được áp dụng cơ chế tương tự. Ảnh: Việt Linh.

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa cho biết Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân nhưng các doanh nghiệp Nhà nước cũng rất mong được áp dụng cơ chế tương tự. Ảnh: Việt Linh.

Chia sẻ tại phiên họp tổ chiều 10/5 liên quan dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) đã đề xuất cơ quan soạn thảo xem xét đưa một số quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 68 về phát triển kinh tế tư nhân vào dự án Luật Doanh nghiệp sửa đổi, để trình Quốc hội xem xét thông qua ngay kỳ họp này.

Doanh nghiệp Nhà nước cũng mong chờ Nghị quyết 68

Theo ông Nghĩa, trong bối cảnh kinh tế hiện nay, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp Nhà nước có mối quan hệ mật thiết và “gắn chung số phận” với nhau, nên thực chất Nghị quyết 68 với các quan điểm chỉ đạo khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân nhưng các doanh nghiệp Nhà nước cũng rất mong muốn được áp dụng.

Do đó, để sớm thể chế hóa tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 68 cho các doanh nghiệp nói chung, ông đề xuất bổ sung một số nội dung liên quan vào dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi lần này.

Cụ thể, ông Nghĩa dẫn ví dụ dự thảo Luật hiện có quy định cấm gây chậm trễ, phiền hà, cản trở, sách nhiễu người thành lập doanh nghiệp và hoạt động kinh doanh. Trong khi đó, Nghị quyết 68 cũng nói cấm tham nhũng, trục lợi cá nhân, nên có thể nghiên cứu phương án thêm quan điểm chỉ đạo này vào dự án Luật sửa đổi.

“Nghị quyết 68 cũng không có phép lạm dụng thanh tra, kiểm tra để nhũng nhiễu gây khó khăn cho doanh nghiệp. Như vậy, có nên quy định cấm lạm dụng thanh tra, kiểm tra để nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp hay không”, ông Nghĩa đặt vấn đề.

Đại biểu đoàn TP.HCM dẫn thêm ví dụ Nghị quyết 68 chỉ đạo những vụ việc thiếu chứng cứ, chứng cứ không rõ ràng phải sớm giải quyết có kết quả, tránh ảnh hưởng uy tín, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đảm bảo nguyên tắc suy đoán vô tội trong quá trình điều tra, xét xử các vụ án.

Tương tự, với việc niêm phong, kê biên, tạm giữ, phong tỏa tài sản vụ án phải đúng thẩm quyền, trình tự thủ tục, không xâm phạm quyền lợi, lợi ích của cá nhân tổ chức, đảm bảo giá trị niêm phong, kê biên, tạm giữ tương ứng với hậu quả dự kiến.

Ông Nghĩa cho biết vừa qua có tình trạng niêm phong, phong tỏa phần lớn tài sản của doanh nghiệp liên quan vụ án. Đôi khi vụ án kéo dài 2-3 năm, cuối cùng xét xử chỉ có 1 phần trong đó là phải xử lý, còn lại phải trả doanh nghiệp.

“Nếu trong 2-3 năm đó, chúng ta áp dụng tinh thần của Nghị quyết 68 thì sẽ đỡ lãng phí, thiệt hại rất nhiều tài sản”, ông nói, đồng thời đề xuất bổ sung quy định phân biệt rõ tài sản hình thành hợp pháp với tài sản có được từ hành vi vi phạm pháp luật và tài sản khác.

Chia sẻ thêm, vị đại biểu cho biết hiện pháp luật chưa có điều khoản về chấm dứt hoạt động doanh nghiệp bằng hình thức phá sản mà mới chỉ nói về giải thể, trong khi đã có Luật Phá sản. Do đó, trong dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi hiện có 1 điều về nội dung giải thể thì nên có 1 điều về phá sản.

Nghị quyết 68 cũng đặt ra mục tiêu phá sản thì phải làm nhanh, rút gọn. Tuy nhiên, hiện có những vụ phá sản mất 10 năm chưa xong. Ông Nghĩa đánh giá phá sản là một giải pháp tiến bộ, nhưng ở Việt Nam pháp luật phá sản hầu như không đi vào cuộc sống, doanh nghiệp phá sản cực kỳ lâu.

Lần này Nghị quyết 68 đã có quan điểm chỉ đạo, dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi nên bổ sung luôn điều kiện chấm dứt hoạt động thông qua phá sản. Dù vậy, ông kiến nghị nên bổ sung một câu là quy định chi tiết thì áp dụng theo Luật Phá sản.

 Đại biểu Quốc hội đề xuất thể chế hóa một số tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết 68 vào dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi. Ảnh: Nam Khánh.

Đại biểu Quốc hội đề xuất thể chế hóa một số tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết 68 vào dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi. Ảnh: Nam Khánh.

Ngoài ra, đại biểu cho rằng Nghị quyết 68 có quy định miễn trừ trách nhiệm đối với trường hợp đã thực hiện đầy đủ quy trình, quy định liên quan, không tư lợi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nhưng có thiệt hại do rủi ro khách quan. Ông đề xuất nên thể chế hóa ý này trong dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi tại phần trách nhiệm của người đại diện pháp luật của doanh nghiệp.

“Các quan điểm chỉ đạo mới trong Nghị quyết 68 rất trúng, giúp giới doanh nghiệp phấn khởi, nên nghiên cứu nếu kịp thì bổ sung, áp dụng, đưa ngay vào Luật Doanh nghiệp sửa đổi thì rất tốt”, ông Nghĩa nói.

Tăng trách nhiệm của doanh nghiệp với người lao động

Góp ý thêm về dự án Luật Doanh nghiệp sửa đổi, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề xuất tăng trách nhiệm của doanh nghiệp với các quyền của người lao động.

Ông dẫn ví dụ, vừa qua có nhiều doanh nghiệp vi phạm về BHXH, BHTN, BHYT... cho người lao động, thậm chí có doanh nghiệp vi phạm hàng chục năm, giá trị hàng trăm tỷ đồng, tạo bức xúc rất lớn.

“Theo luật, các khoản bảo hiểm là chi phí doanh nghiệp, là quyền lợi của người lao động và doanh nghiệp phải hoàn thành. Trường hợp không đóng là vi phạm xâm hại quyền lợi của người lao động”, ông nói.

Do đó, ông Nghĩa đề xuất tăng chế tài với các doanh nghiệp trong việc hoàn thiện nghĩa vụ này với người lao động.

Đặc biệt, ông cũng cho biết đã có nhiều tranh luận giữa các cơ quan Nhà nước về việc không khởi tố hình sự hành vi này, tuy nhiên theo quy định của pháp luật thì nợ BHXH hoàn toàn có thể khởi tố hình sự.

Dù vậy, vẫn có những doanh nghiệp nợ bảo hiểm hàng chục năm, số tiền hàng trăm tỷ, khi doanh nghiệp phá sản, người lao động coi như mất trắng. “Vậy mà đến nay hầu như không khởi tố hình sự”, đại biểu Nghĩa chia sẻ.

Quang Thắng

Nguồn Znews: https://znews.vn/nghi-quyet-68-ve-kinh-te-tu-nhan-nhung-dn-nha-nuoc-cung-mong-cho-post1552387.html
Zalo