Đại biểu Quốc hội thảo luận về 3 dự án luật quan trọng liên quan đến doanh nghiệp, quy hoạch và năng lượng

Chiều 10/5, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Tổ 17 gồm các đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) các tỉnh: Quảng Ngãi, Nam Định, Tuyên Quang và Cà Mau, tiến hành thảo luận về 3 dự án luật quan trọng.

Đó là các luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp, Luật Quy hoạch và Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Buổi thảo luận do đại biểu Nguyễn Quốc Hận, Phó trưởng Đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau, chủ trì.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận, Phó trưởng Đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau, chủ trì thảo luận.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận, Phó trưởng Đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau, chủ trì thảo luận.

Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Việt Hà (Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang) nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi các dự án luật nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, khắc phục các bất cập trong thực tiễn, đồng thời phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Đại biểu Nguyễn Việt Hà, Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang, phát biểu.

Đại biểu Nguyễn Việt Hà, Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang, phát biểu.

Về Dự án Luật Doanh nghiệp, đại biểu kiến nghị cần thể chế hóa các nội dung quan trọng từ Nghị quyết số 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân. Cụ thể: bảo đảm quyền kinh doanh, bà đề nghị rà soát toàn bộ hệ thống pháp luật để đảm bảo các ngành nghề cấm kinh doanh phải được quy định rõ ràng trong luật, tránh việc bị giới hạn bằng văn bản dưới luật, gây cản trở quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp; chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, bà kiến nghị quy định nguyên tắc quản lý điều kiện kinh doanh theo hướng công bố công khai và hậu kiểm thay vì yêu cầu cấp phép hoặc chứng nhận. Điều này giúp giảm chi phí và thời gian, loại bỏ các "giấy phép con" không cần thiết – đúng với tinh thần cắt giảm ít nhất 30 % điều kiện kinh doanh theo Nghị quyết 68.

Về trách nhiệm của người đứng đầu, bà đề xuất bổ sung quy định gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính trong giải quyết thủ tục, để nâng cao hiệu quả phục vụ doanh nghiệp, hạn chế tình trạng đùn đẩy hoặc chậm trễ.

Quy định hành vi bị cấm, bà đề nghị luật hóa các hành vi bị nghiêm cấm như lạm dụng quyết định hành chính, bảo hộ sai trái, hoặc đưa tin sai sự thật gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp, theo đúng tinh thần Nghị quyết 68.

Bên cạnh đó, bà cũng góp ý về một số nội dung kỹ thuật trong luật: tình trạng pháp lý của doanh nghiệp, bà đề nghị bổ sung thêm tình trạng “doanh nghiệp hoạt động cầm chừng” vì đây là tình trạng phổ biến hiện nay nhưng chưa được luật đề cập; cải cách thủ tục hành chính, bà kiến nghị bãi bỏ yêu cầu nộp bản sao giấy tờ pháp lý cá nhân khi đăng ký doanh nghiệp (do đã có dữ liệu quốc gia về dân cư); giảm các thủ tục thông báo khi doanh nghiệp thay đổi điều lệ, chữ ký, v.v.; đơn giản hóa quy định về đặt tên doanh nghiệp – vì hiện nay thủ tục đặt tên quá phức tạp, gây khó khăn không cần thiết.

Lược bỏ quy định không thuộc thẩm quyền của Quốc hội, bà đề nghị loại bỏ khỏi luật những nội dung chi tiết mang tính nghiệp vụ như quy định cụ thể về phiếu lấy ý kiến cổ đông, văn bản cử người đại diện theo ủy quyền, biên bản họp hội đồng thành viên… vốn là nội dung nên để hướng dẫn dưới luật.

Đại biểu Nguyễn Duy Thanh, Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau, phát biểu.

Đại biểu Nguyễn Duy Thanh, Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau, phát biểu.

Đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau) phát biểu xoay quanh Luật Doanh nghiệp. Đại biểu phản ánh: Thực tế doanh nghiệp hiện nay chịu nhiều đợt thanh tra, kiểm tra chồng chéo trong một năm, ảnh hưởng hoạt động sản xuất kinh doanh, đại biểu đề nghị bổ sung quy định về quyền của doanh nghiệp trong việc giới hạn số đoàn kiểm tra tiếp nhận mỗi năm.

Phân tích các bất cập trong quy trình thanh quyết toán dự án, khi lỗi thuộc về cơ quan nhà nước nhưng doanh nghiệp vẫn phải chịu trách nhiệm tài chính, đại biểu đề nghị luật cần có quy định bảo vệ doanh nghiệp trong trường hợp này.

Ông đề nghị luật cần ghi nhận rõ quyền của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp không thuộc diện kinh doanh có điều kiện, để tránh bị “siết” bởi các văn bản dưới luật, gây khó khăn không đáng có.

Về Luật Quy hoạch, ông kiến nghị: Nếu đã giao phân cấp, phân quyền cho địa phương thì cần giao đầy đủ, tránh tình trạng "giao mà không giao", ví dụ như việc cấp phép đấu nối giao thông vẫn phải xin ý kiến các bộ, ngành dù đã do địa phương phê duyệt.

Ông cũng đề cập đến thực trạng nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn về quỹ đất để mở nhà xưởng do vướng quy hoạch, đề nghị cho phép cam kết đầu tư, xây dựng ngay khi đủ điều kiện, thay vì chờ điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất hàng năm.

Đại biểu Đinh Ngọc Minh (Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau) bày tỏ lo ngại rằng trong nhiều dự thảo luật gần đây, chưa có văn bản nào thực sự cắt giảm thủ tục hành chính dù Nghị quyết 68 đã đề ra rõ ràng mục tiêu này. Theo ông, đây là rào cản lớn khiến đất nước “mất thời gian, mất cơ hội”.

Đại biểu Đinh Ngọc Minh, Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau, phát biểu.

Đại biểu Đinh Ngọc Minh, Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau, phát biểu.

Về Luật Doanh nghiệp, ông cho rằng tuy có sửa đổi tích cực, nhưng quy định về thủ tục vẫn chưa thay đổi, và quan trọng nhất là quyền của doanh nghiệp chưa được xác lập rõ ràng trong luật.

Ông đề xuất nên phân loại doanh nghiệp: doanh nghiệp thực hiện một số quyền lực công (như thiết kế, giám sát...) cần có tiêu chuẩn riêng; còn doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuần túy nên được tháo gỡ tối đa các điều kiện ràng buộc.

Với Luật Quy hoạch, đại biểu đánh giá hệ thống quy hoạch hiện quá phức tạp, chồng lấn và không hiệu quả. Ông kiến nghị loại bỏ ít nhất 2/3 các loại quy hoạch ngành và quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành, chỉ giữ lại các loại quan trọng như quốc phòng, rừng đặc dụng, cảng biển, đường bộ cao tốc, v.v.

Ông dẫn chứng cụ thể như “quy hoạch phòng chống thiên tai”, “quy hoạch đa dạng sinh học”, “quy hoạch khảo cổ”, “quy hoạch kho số viễn thông” là những loại không thực sự cần thiết và nên được chuyển thành các chiến lược phát triển định hướng, giúp giảm gánh nặng cho hệ thống pháp luật.

Kết luận buổi thảo luận, ông Nguyễn Quốc Hận đánh giá cao các ý kiến thẳng thắn, tâm huyết và thực tiễn của các đại biểu, khẳng định đây là cơ sở quan trọng để các cơ quan có thẩm quyền tiếp thu, hoàn thiện dự thảo luật, đảm bảo tính khả thi và phù hợp với yêu cầu thực tiễn phát triển của đất nước.

Thúy Hằng

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/dai-bieu-quoc-hoi-thao-luan-ve-3-du-an-luat-quan-trong-lien-quan-den-doanh-nghiep-quy-hoach-va-nang-a38894.html
Zalo