Nghị quyết 68 khơi thông khát vọng lớn mạnh của kinh tế tư nhân

Nghị quyết số 68-NQ/TW đưa ra 5 quan điểm chỉ đạo cốt lõi, thể hiện sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy và nhận thức về vai trò của kinh tế tư nhân. Trong đó, kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia.

Tháo dỡ điểm nghẽn, tăng cường nguồn lực phát triển kinh tế tư nhân

Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, qua đó đặt ra những định hướng chiến lược, mục tiêu cụ thể và các giải pháp đột phá nhằm phát huy tối đa vai trò của khu vực kinh tế tư nhân là "động lực quan trọng nhất" và là "lực lượng tiên phong" của nền kinh tế quốc gia.

Nghị quyết số 68-NQ/TW nêu rõ: Sau gần 40 năm đổi mới, kinh tế tư nhân Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, trở thành một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Với khoảng 940 nghìn doanh nghiệp và hơn 5 triệu hộ kinh doanh, khu vực này đóng góp xấp xỉ 50% GDP, hơn 30% tổng thu ngân sách nhà nước và sử dụng khoảng 82% tổng số lao động.

Kinh tế tư nhân được xác định là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia.

Kinh tế tư nhân được xác định là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia.

Nghị quyết số 68-NQ/TW đưa ra 5 quan điểm chỉ đạo cốt lõi, thể hiện sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy và nhận thức về vai trò của kinh tế tư nhân. Trong đó, kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, là lực lượng tiên phong thúc đẩy tăng trưởng, đổi mới sáng tạo, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tái cấu trúc nền kinh tế.

Bộ Chính trị cũng yêu cầu xóa bỏ triệt để thái độ định kiến về kinh tế tư nhân Việt Nam; đánh giá đúng vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân đối với phát triển đất nước; tôn trọng doanh nghiệp, doanh nhân, xác định doanh nhân là người chiến sĩ trên mặt trận kinh tế. Đồng thời, bảo đảm đầy đủ quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng, được tự do kinh doanh các ngành nghề pháp luật không cấm.

Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị đặt mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động, đạt tỷ lệ 20 doanh nghiệp/1.000 dân; ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 10-12%/năm; đóng góp 55-58% GDP, 35-40% tổng thu ngân sách nhà nước; giải quyết 84-85% tổng số việc làm… Tầm nhìn đến năm 2045, phấn đấu có ít nhất 3 triệu doanh nghiệp hoạt động, đóng góp trên 60% GDP, và có năng lực cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế.

Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, Nghị quyết đề ra 8 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, bao trùm các khía cạnh từ nhận thức, thể chế, nguồn lực đến khoa học, công nghệ và phát triển đội ngũ doanh nhân. Trong đó, nhất quán nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân… về vị trí, vai trò kinh tế tư nhân trong cả hệ thống chính trị và xã hội. Nhà nước kiến tạo, phục vụ, không can thiệp hành chính trái nguyên tắc thị trường. Xây dựng quan hệ chính quyền - doanh nghiệp cởi mở, thân thiện, đồng hành... Đẩy mạnh truyền thông khơi dậy tinh thần kinh doanh. Nghiêm cấm các hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu.

TS. Mạc Quốc Anh - Viện trưởng Viện Kinh tế và Phát triển Doanh nghiệp, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội (HANOISME) cho rằng, đây là bước ngoặt quan trọng trong chính sách đối với khu vực kinh tế tư nhân, sau gần 7 năm kể từ Nghị quyết số 100-NQ/TW năm 2017 về kinh tế tư nhân ra đời.

Trong đó, điểm được cộng đồng doanh nghiệp chú ý nhất là việc Nghị quyết 68-NQ/TW đã xác định quan điểm chỉ đạo "kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia". Việc thêm một chữ "nhất" đã cho thấy thay đổi quan trọng về quan điểm, thể hiện quyết tâm chính trị để phát triển kinh tế tư nhân ngày càng vững mạnh.

TS. Mạc Quốc Anh - Viện trưởng Viện Kinh tế và Phát triển Doanh nghiệp.

TS. Mạc Quốc Anh - Viện trưởng Viện Kinh tế và Phát triển Doanh nghiệp.

Với nhiều nhiệm vụ và giải pháp được đề ra, cộng đồng doanh nghiệp dành nhiều sự quan tâm và trông chờ về giải pháp đẩy mạnh và đa dạng hóa nguồn vốn cho kinh tế tư nhân.

Nghị quyết 68-NQ/TW đã yêu cầu rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách tín dụng cho kinh tế tư nhân. Trong đó, cần có chính sách ưu tiên một phần nguồn tín dụng thương mại để dành cho doanh nghiệp tư nhân, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo…

Nghị quyết cũng chỉ đạo khuyến khích các tổ chức tài chính, tín dụng cho vay dựa trên cơ sở thẩm định phương thức sản xuất kinh doanh, phương án mở rộng thị trường đầu ra, cho vay dựa trên dữ liệu, dòng tiền, chuỗi giá trị, xem xét các tài sản bảo đảm bao gồm cả động sản, tài sản vô hình, tài sản hình thành trong tương lai và hình thức cho vay tín chấp.

Cùng với đó là đẩy mạnh phát triển tín dụng xanh; hoàn thiện mô hình các quỹ bảo lãnh tín dụng; kết nối, chia sẻ thông tin giữa các hệ thống ngân hàng, thuế và các cơ quan có liên quan; sửa đổi khung pháp lý về hoạt động của công ty cho thuê tài chính; ban hành khung pháp lý thử nghiệm có kiểm soát về cho vay ngang hàng, về sàn giao dịch gọi vốn cộng đồng… nhằm tăng cường cho vay.

TS. Mạc Quốc Anh đánh giá, đây là những yêu cầu rất cấp thiết với các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là khối doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bởi hơn 82% lao động làm việc trong khu vực tư nhân nhưng 70% doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn phải dựa vào tài sản thế chấp để vay vốn. Vì thế, việc tháo gỡ những rào cản về đất đai, tín dụng… rất được cộng đồng doanh nghiệp trông đợi.

Kinh tế tư nhân là trụ cột quan trọng nhất của sản xuất kinh doanh nội địa

Dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê, TS. Mạc Quốc Anh cho biết, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 42-43% GDP và chiếm hơn 30% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Đặc biệt trong giai đoạn 2016-2023, tốc độ tăng trưởng của khu vực kinh tế tư nhân thường xuyên duy trì ở mức 6-8%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân của nền kinh tế. So sánh với khu vực kinh tế nhà nước (chiếm khoảng 28% GDP) và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (khoảng 20% GDP), rõ ràng kinh tế tư nhân là trụ cột quan trọng nhất về mặt sản xuất kinh doanh nội địa.

Đáng chú ý, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chiếm 97% tổng số DN, đóng góp hơn 50% việc làm phi nông nghiệp, giúp ổn định thị trường lao động. Kinh tế tư nhân là khu vực năng động nhất trong đổi mới công nghệ, sáng tạo sản phẩm và dịch vụ. Các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tăng nhanh, từ 1.500 startup năm 2015 lên hơn 3.800 startup vào năm 2023. Năng suất lao động trong khu vực kinh tế tư nhân có sự cải thiện mạnh mẽ, tăng trung bình 4-6%/năm trong giai đoạn 2016-2023, đóng góp đáng kể vào mức tăng trưởng năng suất lao động chung của cả nước (4,9% năm 2023).

"Các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam như Vingroup, Masan, Thaco, FPT… đang từng bước khẳng định vị thế trên thị trường khu vực và toàn cầu. Xuất khẩu của khu vực kinh tế tư nhân trong nước chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu (khoảng 110-120 tỷ USD/năm). Đặc biệt, doanh nghiệp tư nhân đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng nội địa, giúp tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) như EVFTA, CPTPP. Các doanh nghiệp tư nhân chiếm hơn 60% tổng kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may (ước đạt 40 tỷ USD năm 2023); Các doanh nghiệp tư nhân như Vinamilk, TH True Milk, PAN Group xuất khẩu mạnh vào thị trường châu Âu, Mỹ", TS. Mạc Quốc Anh đơn cử.

Mặc dù có nhiều đóng góp quan trọng trong nền kinh tế, song những năm qua khu vực kinh tế tư nhân vẫn gặp không ít rào cản, hạn chế phát triển. Theo TS. Mạc Quốc Anh, dù chiếm hơn 97% số doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp vừa và nhỏ chỉ tiếp cận được khoảng 25% tổng dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng. “Thủ tục vay vốn phức tạp, yêu cầu tài sản thế chấp cao, trong khi doanh nghiệp tư nhân có hạn chế về tài sản cố định. Kênh huy động vốn từ thị trường chứng khoán còn thấp, khiến các doanh nghiệp tư nhân chiếm chưa đến 10% tổng vốn hóa thị trường”, TS. Mạc Quốc Anh chỉ ra.

Ngoài ra, những khó khăn về môi trường kinh doanh và thủ tục hành chính thời gian qua cũng khiến các DN chưa đủ động lực bứt phá. Chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam năm 2023 xếp hạng 70/190 quốc gia, thấp hơn một số nước ngay trong khu vực như Thái Lan hay Malaysia. Nhiều doanh nghiệp phản ánh tình trạng thủ tục hành chính phức tạp, thiếu minh bạch, gây khó khăn trong việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ, nhất là các ngành logistics, tài chính, thương mại điện tử…

TS. Mạc Quốc Anh cũng cho rằng, năng suất lao động của khu vực kinh tế tư nhân vẫn thấp hơn so với doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nhà nước. Đặc biệt, quá trình chuyển đổi số ở khu vực này diễn ra chậm, có đến 65% doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa có chiến lược ứng dụng công nghệ số, hạn chế khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Trong khi đó, chỉ có khoảng 21% doanh nghiệp tư nhân Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp FDI.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nghi-quyet-68-khoi-thong-khat-vong-lon-manh-cua-kinh-te-tu-nhan-169250507175440084.htm
Zalo