Nghị quyết 68: 'Đánh thức' hiệu quả khai thác tài sản công

Nghị quyết 68 tạo đột phá khi mở hướng cho các mô hình PPP linh hoạt, giúp doanh nghiệp tư nhân tham gia 'đánh thức' hiệu quả khai thác tài sản công, tạo không gian phát triển mới.

Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị, một cú hích lịch sử, đang mở ra chương mới đầy tươi sáng cho kinh tế tư nhân (KTTN). Những đột phá then chốt như chuẩn mực quốc tế, mô hình PPP (hình thức đối tác công tư) linh hoạt và chiến lược “đánh thức” tài sản công sẽ được ông Trần Thanh Hải (ảnh), chuyên gia kinh tế, Hiệu trưởng Trường CĐ Viễn Đông, phân tích. Qua đó, quyết tâm chính trị, lộ trình thực thi cùng các giải pháp nền tảng sẽ được làm rõ, nhằm thắp lên niềm tin, khơi dậy sức sáng tạo, chắp cánh cho doanh nghiệp (DN) tư nhân vững vàng bứt phá.

Đột phá chính sách, doanh nghiệp an tâm đầu tư

. Phóng viên: Nghị quyết 68 định vị KTTN là động lực quan trọng nhất cho phát triển. Theo ông, tuyên bố chiến lược này có ý nghĩa gì trong việc định hình tương lai kinh tế Việt Nam?

+ Ông Trần Thanh Hải: Nghị quyết 68 xác định KTTN là động lực quan trọng nhất, là văn kiện chiến lược hứa hẹn tạo chuyển biến mạnh mẽ cho khu vực này. Nghị quyết thể hiện sự thấu hiểu khó khăn và tiềm năng của DN, cùng quyết tâm của Nhà nước trong việc xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi.

Nghị quyết 68 là bước chuyển quan trọng trong cách nhìn nhận về KTTN từ chưa được đánh giá đúng mức đến được trân trọng, khẳng định vai trò doanh nhân là “lính tiên phong” kinh tế.

Việc định vị này không chỉ là ghi nhận, mà còn là cam kết chính trị, tạo nền tảng chính sách rõ ràng, giải phóng tiềm năng khu vực tư nhân. Điều đó có ý nghĩa lớn trong việc định hình nền kinh tế Việt Nam năng động, cạnh tranh, bền vững, nơi tinh thần sáng tạo và dám nghĩ, dám làm được phát huy. Đồng thời, gửi thông điệp Nhà nước coi trọng, đồng hành cùng DN tư nhân.

 Ông Trần Thanh Hải.

Ông Trần Thanh Hải.

. Nghị quyết 68 được đánh giá cao nhờ nhiều điểm mới đột phá. Ông có thể phân tích cụ thể hơn?

+ Nghị quyết 68 thể hiện tư duy đổi mới với ba điểm đột phá rõ nét. Thứ nhất, lần đầu tiên Đảng đưa ra bốn tiêu chí cốt lõi đánh giá DN tư nhân theo chuẩn quốc tế: Tuân thủ pháp luật; giải quyết việc làm; đóng góp ngân sách; tham gia an sinh xã hội.

Đây là bước tiến quan trọng, giúp đánh giá khách quan, cụ thể hơn, thay vì chung chung, qua đó tôn vinh DN, doanh nhân làm ăn chân chính, đóng góp thực chất.

Thứ hai, tinh thần “không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự” được quán triệt mạnh mẽ. Nghị quyết nêu rõ: “Với sai phạm dân sự, kinh tế, ưu tiên biện pháp dân sự, hành chính, kinh tế trước; cho phép DN khắc phục sai phạm, thiệt hại. Nếu có thể xử lý hình sự hoặc không thì kiên quyết không xử lý hình sự. Trường hợp phải xử lý hình sự thì ưu tiên khắc phục thiệt hại kinh tế trước, coi đó là căn cứ xem xét tiếp theo”. Đây là thay đổi tư duy pháp lý quan trọng, tạo lá chắn bảo vệ DN, giúp họ yên tâm đầu tư, kinh doanh.

Thứ ba, nghị quyết mở hướng mới mô hình PPP theo hướng đa dạng, linh hoạt, hiệu quả. Các mô hình như “lãnh đạo công - quản trị tư”, “đầu tư công - quản lý tư”, “đầu tư tư - sử dụng công” cho thấy tư duy cởi mở, huy động tối đa nguồn lực tư nhân. Điều này giúp khai thác hiệu quả tài sản công như đất công, trụ sở bỏ hoang, đồng thời giảm chi phí bảo trì và tạo điều kiện mặt bằng sản xuất, kinh doanh cho DN.

Nghị quyết yêu cầu phân định rõ ràng giữa trách nhiệm hình sự và hành chính, dân sự; giữa pháp nhân và cá nhân - yếu tố rất quan trọng để doanh nhân yên tâm đầu tư. Sự vào cuộc nhanh chóng, quyết liệt của hệ thống chính trị là tín hiệu tích cực, thể hiện quyết tâm đưa nghị quyết vào cuộc sống hiệu quả.

. Ông đánh giá thế nào về sự phối hợp đồng bộ giữa Đảng và các cơ quan nhà nước trong việc ban hành Nghị quyết 68?

+ Thời điểm ban hành Nghị quyết 68 (ngày 4-5-2025) là dấu mốc quan trọng, phản ánh sự phối hợp đồng bộ, quyết tâm cao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ.

Việc nghị quyết yêu cầu Đảng ủy Chính phủ chỉ đạo xây dựng cơ chế đặc thù trình Quốc hội ngay tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5-2025) cho thấy sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Sự phối hợp này thể hiện chuyển hóa liền mạch từ chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật cụ thể - yếu tố then chốt để kiến tạo hành lang pháp lý ổn định, minh bạch, bình đẳng cho khu vực tư nhân phát triển.

 Nghị quyết 68 là bước chuyển quan trọng trong cách nhìn nhận về kinh tế tư nhân. Ảnh: QH

Nghị quyết 68 là bước chuyển quan trọng trong cách nhìn nhận về kinh tế tư nhân. Ảnh: QH

Xây khung pháp lý, thúc đẩy hợp tác công tư dài hạn

. Với những định hướng và mục tiêu rõ ràng trong Nghị quyết 68, nhằm nâng tầm KTTN, theo ông thì “bàn đạp” mới này hứa hẹn tạo ra chuyển biến nào?

+ Các số liệu trong Nghị quyết 68 là “con số biết nói”, phản ánh thực trạng và kỳ vọng với KTTN. Sau gần 40 năm đổi mới, khu vực này có hơn 940.000 DN, hơn 5 triệu hộ kinh doanh, đóng góp khoảng 50% GDP, hơn 30% tổng thu ngân sách, sử dụng khoảng 82% lao động. Những con số này khẳng định vị thế quan trọng của khu vực tư nhân.

Tuy nhiên, các mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, cần cân nhắc kỹ. KTTN được kỳ vọng đóng góp 55%-58% GDP vào năm 2030 và trên 60% vào năm 2045. Tức là trong 15 năm mức tăng chỉ vài phần trăm. Như vậy, đặt ra câu hỏi về tốc độ tăng trưởng có tương xứng tiềm năng và yêu cầu mới hay là lộ trình cần thận trọng trước các bất định toàn cầu?

Ngoài ra, tỉ trọng đóng góp GDP và ngân sách của khu vực tư nhân vẫn chênh lệch. Mặc dù mục tiêu GDP là 55%-58%, đóng góp ngân sách chỉ 35%-40%. Điều này cho thấy cần hoàn thiện chính sách thuế, tạo điều kiện phát triển nhưng cũng đảm bảo nghĩa vụ ngân sách công bằng.

“Bàn đạp” của nghị quyết là quan trọng nhưng chuyển biến lớn chỉ đến nếu các mục tiêu được cụ thể hóa và thực thi hiệu quả.

. Niềm tin giữa Nhà nước và KTTN đang được nhấn mạnh. Theo ông, cần giải pháp nào để củng cố?

+ Nghị quyết 68 đề cập rõ việc củng cố lòng tin - yếu tố nền tảng. Niềm tin phải được thể chế hóa. Ví dụ, với dự án PPP, thiết lập quỹ đối ứng thể hiện cam kết của Nhà nước, giúp tư nhân yên tâm. Ngược lại, DN cũng phải minh bạch, có trách nhiệm giải trình.

Việc tiếp cận tài sản công cần tiêu chí rõ ràng, thay vì dựa vào quan hệ không chính thức. Cần minh bạch trong quy hoạch, đất đai, tín dụng. Đồng thời, khuyến khích mô hình đầu tư công - quản trị tư: Nhà nước đầu tư hạ tầng, tư nhân vận hành hiệu quả.

Ngoài ra, nên sửa Luật Công chức, viên chức để thu hút người giỏi từ khu vực tư nhân vào quản lý nhà nước. Cuối cùng, xử lý nghiêm tiêu cực từ cả hai phía sẽ là nền tảng vững chắc để xây dựng niềm tin và thúc đẩy phát triển bền vững.

. Xin cảm ơn ông.

Tháo bỏ những rào cản chứ không chỉ là cải tiến

Thủ tục, quy định rõ ràng là cần thiết nhưng điều cốt lõi là phải giải phóng môi trường kinh doanh khỏi những rào cản thực sự.

Đó chính là những rào cản về thủ tục phức tạp, các loại chi phí (tài chính, thời gian, cơ hội bị bỏ lỡ) đang gây khó khăn cho DN. Gốc rễ của vấn đề nằm ở chỗ thị trường chưa thực sự là yếu tố quyết định, cơ chế “xin-cho” vẫn còn, cạnh tranh bình đẳng chưa được bảo đảm. Mọi nỗ lực tháo gỡ đều phải nhắm trúng vào những điểm này.

Việc gỡ bỏ những rào cản là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu, bởi nếu không thực hiện sẽ cản trở sự phát triển. Tuy nhiên, nếu chúng ta vẫn giải quyết vấn đề theo lối mòn, chỉ đơn thuần tháo gỡ, nới lỏng, hay chỉnh sửa bề mặt thì sẽ không thể mang lại hiệu quả đột phá.

Cách thức gỡ bỏ cần phải khác biệt căn bản: Đó là thay thế, loại bỏ những hệ thống cũ kỹ, chứ không chỉ là cải tiến, nâng cao hiệu quả của chúng. Chúng ta đã nỗ lực theo hướng cải tiến rất nhiều nhưng kết quả vẫn chưa được như kỳ vọng. Tinh thần chủ đạo ở đây phải là sửa đổi để thay thế triệt để chứ không phải sửa đổi để tân trang cái cũ.

PGS-TS TRẦN ĐÌNH THIÊN, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam,
thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng

QUANG HUY - PHƯƠNG MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/nghi-quyet-68-danh-thuc-hieu-qua-khai-thac-tai-san-cong-post849384.html
Zalo