Nghị định 168 lẽ ra phải ra đời sớm hơn
Kẹt xe và tai nạn giao thông là hệ quả tất yếu của cuộc sống đô thị hóa. Xã hội phát triển, dân số gia tăng gắn liền phương tiện di chuyển cá nhân dẫn đến kẹt xe và tai nạn. Nước nào cũng kẹt xe, tùy mật độ dân số và tỉ lệ đường giao thông. Nước nào cũng có tai nạn giao thông. Có giao thông là có tai nạn. Hàng hóa dù hoàn hảo đến mấy vẫn có sai sót.
Không thể giải quyết hoàn toàn kẹt xe và tai nạn giao thông. Chỉ có thể GIẢM kẹt xe và HẠN CHẾ tai nạn giao thông. Hơn tháng nay, Nghị định (NĐ) 168 trở thành đề tài bàn luận, mổ xẻ muốn sập sàn mạng xã hội. Với không ít người, nhìn đâu cũng thấy tiêu cực, thấy việc gì cũng nghi ngờ. Lâu nay cứ tưởng, chỉ người quản lý mới hay đổ tội.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_5_51443928/1f2f407974379d69c426.jpg)
Nhiều người cho rằng NĐ 168 là căn nguyên của tình trạng gia tăng kẹt xe ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội với nhiều suy diễn tiêu cực. Có người cực đoan đề nghị chính phủ bãi bỏ luôn. Tôi đã dành một buổi đọc toàn văn NĐ 168 (93 trang; 56.615 từ). Đọc xong là hoảng, dù chưa nắm hết nội dung. Không phải vì mức phạt choáng mà vì nhiều việc lâu nay mình không biết, cứ vô tư vi phạm.
Trước đây, nhiều khách nước ngoài đến Việt Nam kết luận “Giao thông Việt Nam hỗn loạn, không có luật lệ gì cả”. Thật ra, có đủ luật nhưng không ai thực hiện. Các nước kẹt xe trật tự, trước sau cũng thông đường. Việt Nam ngược lại. Kẹt xe vì ai cũng muốn lấn đường, không ai nhường ai. Hậu quả là kẹt cứng, “tiến thoái lưỡng nan”, không biết lúc nào thoát kẹt.
Nguyên nhân kẹt xe lẫn tai nạn đều do không tôn trọng luật giao thông. Trách nhiệm từ cả hai phía. Quản lý lỏng lẻo, bất cập, thiếu gương mẫu. Người dân, bao gồm cả cán bộ nhà nước lờn luật, tùy tiện, hầu như không có văn hóa giao thông. Hai bên đổ vấy cho nhau và cứ tưởng vô phương giải quyết. Đùng một phát, NĐ 168 ban hành, hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025, kết quả ngỡ ngàng.
Giao thông đô thị bỗng dưng nền nếp, trật tự. Hầu như không thấy chen lấn leo và giành lề ẩu tả, vượt đèn đỏ nguy hiểm, các ngã tư hỗn loạn giành nhau từng centimet để tất cả cùng kẹt. Nhà tôi ngay ngã tư Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Thị Thập (quận 7), từ ngày có NĐ 168 chưa hề kẹt xe, dù trước đó mỗi ngày vài lần kẹt đến ám ảnh.
Lắm người kêu mức phạt cao quá? Đâu ai bắt mình đóng phạt nếu không vi phạm? Phạt nặng nhưng vẫn có người chưa sợ. Rải rác vẫn còn leo lề, ngược chiều, vượt đèn đỏ… Có người bảo cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ. Hạ tầng bảo vì chưa có luật định, như chuyện con gà và quả trứng. Các nước đều làm như vậy. Ý thức chỉ được hình thành khi luật định nghiêm khắc, mọi người sợ pháp luật, không dám vi phạm. Từ ngày có NĐ 168, tôi điều chỉnh hành vi và ngộ ra mình đàng hoàng hơn khi tham gia giao thông Nếu chưa đồng tình thì hiến kế, góp ý xem, cách nào hay hơn? Tôi tin chắc không ai, kể cả những người đang phê phán, đồng tình việc trở lại giao thông đô thị như trước ngày 1/1/2025? Cuộc sống luôn có hai mặt. Luật định cũng vậy nên mới có chuyện lách luật. NĐ 168 vẫn còn những nội dung cần được tiếp tục điều chỉnh cho sát thực tiễn. Xin phép đề xuất mấy biện pháp cấp bách.
1/ Cho phép rẽ phải tại các ngã tư. Nơi nào cấm thì dùng bảng hiệu (vừa tiết kiệm vừa không sợ trục trặc lập trình). Kẻ vạch lối rẽ phải. Bổ sung lỗi phạt không nhường đường rẽ phải. Qui đinh tốc độ khi qua các ngã tư, ngã ba và luôn nhường đường cho người đi bộ. Bỏ qui đinh đi bộ qua đường phải vẫy tay.
2/ Trả lại vỉa hè thông thoáng, khuyến khích người dân đi bộ (tới bến xe buýt, tới chỗ làm, chỗ chơi vài ba km) để rèn luyện sức khỏe. NĐ 168 qui định người đi bộ phải đúng luật giao thông. Khuyến khích đi xe đạp. Nếu lề thoáng, khi kẹt xe, xe đạp và gắn máy có thể dắt bộ lên lề.
3/ Cấm các loại xe dừng dưới lòng đường mua hàng. Cấm xe ô tô đậu dưới lòng đường. Chỉ cho phép dừng đậu trong thời gian nhất định (không quá 30 phút) theo khung giờ qui định. Nếu kẹt xe một chiều, có thể cho xe gắn máy qua bớt chiều ngược lại theo sự điều tiết của CSGT và hạn chế tốc độ. Thời lượng đèn giao thông tại các giao lộ cần được tính toán hợp lý hơn.
4/ Mở đợt tuyên truyền tập trung về NĐ 168 và Luật Giao thông Đường bộ đến tất cả những người tham gia giao thông. Hiểu và nhớ Luật mới thực hiện đúng được. Tiền nộp vào kho bạc nhà nước là tài sản quốc gia. Không thể trích thưởng theo tỉ lệ. Nếu cần, tăng lương hoặc dành ngân sách “Dưỡng Liêm”. Càng không thể trích hoa hồng cho người cung cấp thông tin. Chỉ có thể khen thưởng theo luật Thi đua Khen thưởng.
5/ Về lâu dài, phải có qui hoạch lượng xe ra vào thành phố, khống chế lượng xe taxi, grabcar, grabbike theo nhu cầu thực tế. Tổ chức lệch giờ làm việc hành chánh, giờ học, giờ sản xuất, vui chơi; song song với việc giãn dân và mở rộng đường tầng, đường hầm; phát triển giao thông công cộng.
Hòa nhập vào thế giới phẳng, Việt Nam đi sau, có nhiều kinh nghiệm và bài học từ các nước phát triển. Luật Giao thông do ngành giao thông soạn thảo, trình cấp thẩm quyền thông qua. CSGT chỉ là người giám sát và thực thi việc người dân chấp hành.
“Vạn sự khởi đầu nan”, nhất là việc thay đổi triệt để thói quen giao thông tùy tiện. Khi luật giao thông được tôn trọng, tai nạn sẽ giảm thiểu tối đa. Việc này ai cũng có thể tham gia góp phần. Đó là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi công dân.
NĐ 168 đáng lẽ phải ra sớm hơn.