Ngân hàng đề xuất thu xếp vốn mở rộng cao tốc trị giá 38.693 tỷ đồng
Dự án đầu tư mở rộng tuyến đường bộ cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận dài 98 km có tổng mức đầu tư lên tới 38.693 tỷ đồng sẽ được đầu tư theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT.
![Một đoạn cao tốc TP.HCM - Trung Lương.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_72_51447527/8867228f17c1fe9fa7d0.jpg)
Một đoạn cao tốc TP.HCM - Trung Lương.
“Chúng tôi đã gửi đề xuất tới Bộ GTVT về việc trở thành ngân hàng thu xếp vốn cho liên danh nhà đầu tư do Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu để thực hiệnDự án đầu tư mở rộng tuyến đường bộ cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận”, ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT TPBank xác nhận tại lễ ký kết hợp đồng tín dụng trị giá 2.500 tỷ đồng cho Dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng hôm 10/2.
Theo ông Đỗ Minh Phú, nếu được cấp có thẩm quyền chấp thuận, TPBank sẽ là đơn vị đầu mối làm việc với các tổ chức tín dụng khác (trên cơ sở thông qua hợp vốn với các tổ chức tín dụng trong nước và quốc tế) để cùng tham gia tài trợ cấp gói tín dụng cho Dự án khi nhà đầu tư liên danh do Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu được chọn làm nhà đầu tư của Dự án đầu tư mở rộng tuyến đường bộ cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận.
Được biết, Tập đoàn Đèo Cả hiện đã được Bộ GTVT chọn là nhà đầu tư đề xuất Dự án đầu tư mở rộng tuyến đường bộ cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận PPP với tổng mức đầu tư dự kiến 38.693 tỷ đồng, trong đó dự kiến vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư khoảng 5.804 tỷ đồng (dự kiến 15% tổng mức đầu tư), vốn vay và vốn huy động hợp pháp khác khoảng 32.889 tỷ đồng (dự kiến 85% tổng mức đầu tư).
Việc đầu tư mở rộng tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận nhằm giảm ùn tắc giao thông và kết hợp với các dự án giao thông khác đang khai thác trong khu vực sẽ thành một mạng lưới giao thông hoàn chỉnh trong khu vực Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Công trình còn góp phần hoàn chỉnh mạng lưới đường cao tốc vùng đồng bằng sông Cửu Long, góp phần đáp ứng nhu cầu vận tải từ các tỉnh Miền Tây đi TP.HCM, vùng Đông Nam Bộ và các tỉnh thành cả nước; tạo dư địa, động lực phát triển không gian vùng với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, kết nối các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế và cảng biển; nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo động lực liên kết, thúc đẩy hợp tác phát triển vùng; góp phần đảm bảo quốc phòng - an ninh, phát triển kinh tế đất nước.
“Nhận thấy ý nghĩa, tầm quan trọng của Dự án, trên cơ sở thành công của Tập đoàn Đèo Cả khi đã tham gia đầu tư, giải cứu Dự án BOT cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (giai đoạn1) bị đình trệ nhiều năm đưa vào khai thác hiệu quả, đồng thời với phương án kết nối đồng bộ mở rộng toàn tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận mà Nhà đầu tư đưa ra TPBank tin tưởng Dự án được triển khai sẽ có tính hiệu quả cao”, người đứng đầu TPBank cho biết.
Tính đến ngày 10/2, TPBank đã tài trợ khoảng 8.000 tỷ đồng vốn tín dụng cho các dự án BOT giao thông, trong đó có 2 dự án đường bộ cao tốc do Tập đoàn Đèo Cả là nhà đầu tư là Hữu Nghị - Chi Lăng và Cam Lâm – Vĩnh Hảo.
“Các dự án BOT đường bộ là lĩnh vực đầu tư có nhiều rủi ro do thời gian hoàn vốn kéo dài, phương án tài chính chịu nhiều tác động bởi yếu tố khách quan khiến các ngân hàng luôn rất ngần ngại khi cho vay. TPBank tham gia tài trợ cho các dự án hạ tầng giao thông, trong đó có cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo và Hữu Nghị - Chi Lăng vừa là trách nhiệm của một doanh nghiệp dân tộc vừa do có một niềm tin lớn vào Tập đoàn Đèo Cả dù mới chỉ gặp trực tiếp ông Hồ Minh Hoàng vỏn vẹn 3 lần”, ông Đỗ Minh Phú cho biết.
Theo đề xuất mới nhất của nhà đầu tư, Dự án PPP đầu tư mở rộng tuyến đường bộ cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận dài 98 km được chia làm 2 dự án thành phần.
Dự án thành phần 1: đầu tư mở rộng đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận theo phương thức PPP, trong đó mở rộng đoạn cao tốc TP.HCM - Trung Lương đạt quy mô 8 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp; mở rộng đoạn cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (bao gồm đoạn cao tốc cầu Mỹ Thuận 2) đạt quy mô 6 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp. Tổng mức đầu tư là 42.063 tỷ đồng.
Dự án thành phần 2: Giải phóng mặt bằng giai đoạn hoàn thiện 10-12 làn xe của đoạn cao tốc TP.HCM – Trung Lương theo phương thức đầu tư công với tổng mức đầu tư là 6.968 tỷ đồng.