Nghệ thuật múa Việt Nam không ngừng đổi mới và phát triển
Tọa đàm '50 năm nghệ thuật múa Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất – Thành tựu và phát triển' vừa được Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam tổ chức, thu hút đông đảo các chuyên gia, nhà nghiên cứu, giảng viên và biên đạo múa đến từ khắp các tỉnh thành trong cả nước.
Tọa đàm không chỉ là dịp để nhìn lại chặng đường phát triển của nghệ thuật múa Việt Nam từ sau năm 1975, mà còn là cơ hội để các đại biểu chia sẻ những thành tựu đáng tự hào mà nghệ thuật múa đã đạt được trong nửa thế kỷ qua.
Từ những bước đầu còn nhiều khó khăn, nghệ thuật múa Việt Nam đã dần khẳng định vị thế của mình, đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào và phát triển mạnh mẽ trong nhiều thập kỷ qua.
Nhiều ý kiến tại tọa đàm đã nhấn mạnh, nghệ thuật múa không chuyên đang tiến sát nghệ thuật múa chuyên nghiệp.
Điều đó cho thấy sức lan tỏa của nghệ thuật múa trong đời sống xã hội, không chỉ dừng lại ở các sân khấu lớn mà còn len lỏi vào cộng đồng, góp phần nâng cao ý thức và thẩm mỹ của người dân.
Tọa đàm cũng ghi nhận nhiều ý kiến bày tỏ sự trăn trở về việc gìn giữ và phát huy giá trị tuyệt vời của múa dân tộc. NGND Phùng Hồng Quỳ phát biểu: “Múa dân tộc chứa đựng những giá trị văn hóa tuyệt vời, nhưng các tác phẩm múa dân tộc chưa thực sự hấp dẫn nên chưa thu hút được công chúng, đặc biệt là giới trẻ.
Hiện nay có nhiều chương trình giải trí quay lại sử dụng chất liệu dân tộc nhưng rất thu hút khán giả, như “Anh trai vượt ngàn chông gai”, “Anh trai say Hi”… Có lẽ đã đến lúc chúng ta cần có những cách làm mới mẻ, đột phá hơn nữa. Tuy nhiên, đừng làm theo kiểu “ẩm ương”, đã làm thì phải làm cho tới và phải tính đến yếu tố căn cốt nhất là yếu tố dân tộc. Đừng đánh mất bản sắc đặc trưng của dân tộc trong quá trình làm mới đó".
Cùng quan điểm, NSND Vũ Hoài cho biết, nghệ thuật múa có 4 chức năng cơ bản là: chức năng phản ánh, chức năng thẩm mỹ, chức năng giáo dục và chức năng giải trí.
Cần kết hợp hài hòa cả 4 chức năng này trong quá trình xây dựng tác phẩm. Tuy nhiên, tùy từng giai đoạn, thời điểm mà chức năng nào được chú trọng nhiều hơn nhằm thu hút khán giả.
Ngoài ra, nhiều đại biểu cũng bày tỏ những lo ngại về các rào cản trong cơ chế và chính sách đối với văn hóa nghệ thuật nói chung và nghệ thuật múa nói riêng.
Đào tạo múa là đào tạo nghệ thuật đỉnh cao và mang tính đặc thù, tuy nhiên chính sách cho nghệ thuật múa vẫn là bài toán hóc búa khiến không ít các nhà hát, các cơ sở đào tạo múa phải đau đầu loay hoay cân đối, tính toán sao cho phù hợp.
Có thể nói, văn hóa nghệ thuật trong những năm qua đã có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, vẫn có đó nhiều rào cản mà các nghệ sĩ cần nỗ lực để thích ứng và vượt qua.
NSND Ứng Duy Thịnh khẳng định: “Các nghệ sĩ cần cống hiến nhiều hơn trước khi mong muốn được ghi nhận. Hãy đi đến tận cùng của sự sáng tạo và cống hiến, nghệ sĩ sẽ gặp công chúng".
Buổi tọa đàm khép lại trong không khí phấn khởi và đoàn kết, với nhiều hy vọng vào tương lai tươi sáng của nghệ thuật múa Việt Nam.
Những ý kiến và đề xuất tại tọa đàm sẽ là cơ sở quan trọng để các cơ quan chức năng, các nhà quản lý văn hóa và nghệ thuật tiếp tục nghiên cứu và triển khai những chính sách, chương trình hành động cụ thể, nhằm đưa nghệ thuật múa Việt Nam ngày càng phát triển và hội nhập sâu rộng hơn với thế giới.