Giữ lửa truyền thống giữa đại ngàn

Đôi vợ chồng Nghệ nhân Ưu tú Ta Dưr Tư và Areel Đời, sinh sống tại huyện A Lưới đã dành cả cuộc đời bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo của các đồng bào dân tộc thiểu số. Với hơn 40 năm miệt mài sưu tầm, nghiên cứu và truyền dạy, họ trở thành những ngọn lửa dẫn đường và gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống cho thế hệ mai sau.

 Đôi vợ chồng nghệ nhân ưu tú Ta Dưr Tư và Areel Đời

Đôi vợ chồng nghệ nhân ưu tú Ta Dưr Tư và Areel Đời

Tận tụy

Nghệ nhân Ta Dưr Tư, hiện là Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện A Lưới, là người tiên phong trong công tác bảo tồn văn hóa dân tộc. Bắt đầu hành trình sưu tầm, nghiên cứu từ khi mới 20 tuổi, bà lặn lội vào các bản làng xa xôi, tìm gặp nghệ nhân lớn tuổi để ghi chép lại từng điệu dân ca, dân vũ, lễ hội truyền thống. “Tôi luôn trăn trở khi thấy những câu chuyện, bài hát của dân tộc mình dần rơi vào quên lãng. Đó là động lực lớn nhất để tôi dấn thân vào công việc này”, bà Tư chia sẻ.

Bà Tư đã biên soạn và xuất bản nhiều tác phẩm nghiên cứu có giá trị, như: Truyện cổ Pa Kô, sưu tầm hàng trăm bài đồng dao, câu đố, ca dao của người Pa Kô và đặc biệt là tập hợp 18 thể loại dân ca của các dân tộc vùng cao, đồng thời chuyển thể 20 ca khúc cách mạng từ tiếng Việt sang tiếng Pa Kô.

Trong khi bà Tư đi sâu nghiên cứu và ghi chép, thì chồng bà, ông Areel Đời, lại chuyên tâm vào việc trình diễn và truyền dạy văn hóa truyền thống. Là chuyên viên của Trung tâm Văn hóa, Thể thao huyện A Lưới, ông Đời thành thạo các điệu múa cổ và là người truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ. Ông Đời kể: “Từ những năm 1980, chúng tôi đã đi khắp các bản làng biểu diễn văn nghệ. Khi thấy bà con háo hức đón chờ từng tiết mục, tôi nhận ra việc mình làm đem lại nhiều ý nghĩa. Văn hóa là một phần của lịch sử và là sợi dây kết nối cộng đồng”.

Ngoài việc sưu tầm và nghiên cứu, vợ chồng nghệ nhân còn biến ngôi nhà sàn của mình thành một bảo tàng văn hóa thu nhỏ. Tại đây, họ lưu giữ hơn 50 hiện vật quý giá, từ nhạc cụ truyền thống như khèn bè, sáo, trống đến các dụng cụ lao động như nỏ, gùi và trang phục của các đồng bào dân tộc. “Ban đầu, chúng tôi sưu tầm được hơn 200 hiện vật. Do điều kiện bảo quản khó khăn, nhiều hiện vật đã được tặng lại cho các tổ chức văn hóa. Hiện, chúng tôi còn giữ khoảng 50 hiện vật tiêu biểu”, ông Đời chia sẻ.

 Các dụng cụ được trưng bày tại ngôi nhà của vợ chồng bà Tư và ông Đời

Các dụng cụ được trưng bày tại ngôi nhà của vợ chồng bà Tư và ông Đời

Ông Đời cho biết, hành trình sưu tầm hiện vật mất hơn 20 năm, nhiều khi phải đổi bằng tiền hoặc đồ dùng cá nhân. Tuy nhiên, việc khó khăn nhất là bảo quản chúng trong điều kiện khí hậu ẩm ướt và khắc nghiệt của A Lưới, nhất là những hiện vật bằng tre, nứa. Chúng tôi phải thường xuyên kiểm tra và khắc phục để giữ được giá trị nguyên bản hiện vật, nếu dùng hóa chất bảo quản thì sẽ ảnh hưởng đến âm thanh gốc.

Ngôi nhà sàn còn là không gian giáo dục văn hóa cho thế hệ trẻ. Hàng năm, hai vợ chồng bà Tư và ông Đời tổ chức các lớp dạy nhạc cụ truyền thống như khèn bè, sáo, trống và các điệu múa cổ như pa dưn ku ru (cúng thầy mo), chật ti rỉa (đâm trâu)... Họ đã thầm lặng truyền dạy kỹ năng, văn nghệ, cả tình yêu và niềm tự hào về di sản văn hóa mà cha ông để lại.

Tiếp lửa cho thế hệ mai sau

Niềm vui lớn nhất của đôi vợ chồng là nhìn thấy các bạn trẻ ngày càng yêu thích và cảm nhận được những nét độc đáo của văn hóa dân tộc, trở thành thế hệ tiếp nối sứ mệnh bảo tồn trong tương lai. “Khi các em hiểu rằng, mỗi nhạc cụ, mỗi điệu múa là nghệ thuật, là văn hóa, là lịch sử của dân tộc, các em sẽ tự giác muốn gìn giữ và phát huy”, bà Tư tâm sự.

Như lời cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói “Văn hóa còn thì dân tộc còn. Văn hóa mất thì dân tộc mất”. Đó là kim chỉ nam giúp đôi vợ chồng xem việc bảo tồn văn hóa là nhiệm vụ thiêng liêng, là trách nhiệm cao cả của người làm công tác văn hóa. “Chúng tôi rất vui khi nhìn thấy nhiều bạn trẻ yêu thích và gắn bó với văn hóa truyền thống. Các em chính là hy vọng để di sản của dân tộc được lan tỏa và trường tồn”, ông Đời chia sẻ. Tuy nhiên, họ cũng trăn trở trước sự mai một của văn hóa truyền thống trong đời sống hiện đại, khi lớp trẻ bị ảnh hưởng nhiều từ lối sống đô thị.

Để tiếp tục sứ mệnh này, ông bà mong muốn chính quyền và các tổ chức quan tâm đầu tư hơn vào việc bảo tồn văn hóa vùng cao. Họ hy vọng ngôi nhà sàn có thể được mở rộng trưng bày thêm nhiều hiện vật và tổ chức các chương trình truyền dạy một cách thường xuyên hơn.

Nghệ nhân Ta Dưr Tư và Areel Đời là tấm gương sáng về tinh thần tận tụy với văn hóa dân tộc. Họ đã biến tình yêu với văn hóa thành hành động, lưu giữ và truyền lửa cho các thế hệ sau. “Ngọn lửa” mà họ thắp lên sẽ tiếp tục gìn giữ giữa đại ngàn, để mỗi bài hát, điệu múa không chỉ sống trong lòng người dân vùng cao mà còn trở thành niềm tự hào chung của văn hóa, dân tộc Việt Nam.

BẠCH CHÂU

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/van-hoa-nghe-thuat/giu-lua-truyen-thong-giua-dai-ngan-149490.html
Zalo