Truyền thuyết kỳ bí về cây đầu gành gần 700 tuổi ở Quảng Nam

Cây cổ thụ tại làng Trà Tây, xã Tam Mỹ Đông, huyện Núi Thành, được người dân gọi là cây đầu gành, gắn liền với lịch sử tồn tại, phát triển của cư dân làng Trà Tây.

Cây trăm năm

Năm 1716, Thủy tổ họ Phan từ làng Kim Thuyết, Thanh Hóa vào khai khẩn tại cuộc đất Trà Tây ngày nay. Họ chọn nơi này để định cư, là xứ đất Non Trọc, nơi có cây đầu gành tọa lạc. Theo truyền thuyết, ngày ấy đã có cây đầu gành. Cây như chứng nhân của đất và người Trà Tây, cùng tồn tại, phát triển gắn liền với lịch sử của cư dân bản địa.

Đến Trà Tây, nhìn về phía cách đầu làng độ 250 mét, trên một cánh đồng ruộng cạn tên nguyên thủy là Đồng Trại, sừng sững giữa không gian rộng lớn là cây cổ thụ, dân làng gọi là cây đầu gành.

Hình dáng cây đầu gành ở làng Trà Tây.

"Đầu gành" không phải danh xưng chính thức của một loài cây như cây đa, cây bàng, cây lim, cây sến mà là cái tên do người dân bản xứ dựa theo thế đất, thế làng nơi cây đứng để gọi. Có thể ngày xưa nơi đây tồn tại dòng sông chảy ngang, và cây đứng bên bờ ghềnh (gành) của bến đò đầu làng hướng về đường thiên lý Bắc - Nam.

Qua khảo sát cùng những tiếp nhận thông tin từ các cụ lão thành, cán bộ văn hóa xã và trưởng thôn, đây là loài cây rất cứng, chậm lớn, vững chãi trước thử thách của thời gian.

Một cụ sống ở xóm đầu làng cho biết, chục năm nay ông thường xuyên đo thử chu vi gốc cây, mỗi năm cây to thêm 2cm. Như vậy 5 năm chu vi cây mới lớn thêm 1 tấc tây, 50 năm mới được một mét. Chúng tôi đo gốc cây có chu vi 14 mét, đường kính 4 mét. Từ đó suy ra theo nghĩa tương đối, cây đã tồn tại khoảng 600 - 700 năm. Dân làng ở đây cũng khẳng định, cây đã tồn tại khoảng thời gian đó hoặc lâu hơn nữa.

Thân cây trồi lên khỏi mặt đất độ 5 mét, tỏa nhánh. Các nhánh dang rộng, hình tròn với chu vi 40 mét, phủ đám đất khoảng 1.250 mét vuông (2 sào rưỡi Trung Bộ). Vì tỏa nhánh ở độ thấp nên cây không cao lắm, chỉ độ 22-25 mét. Cây đứng thẳng với hệ thống cành tỏa cân đối. Bộ rễ rất sung mãn, ăn rộng trên một sào đất, giữ cho cây vững chãi, trường tồn.

Chứng tích vùng đất

Một cụ ông trong làng kể: "Tôi đi tập kết miền Bắc năm 1954 đã thấy trên cây có một cành khô. Sau 21 năm tôi về quê, cành khô đó vẫn đứng trơ. Lâu quá cành khô đó đã gãy, nhưng đoạn sát gốc của nó vẫn giữ dấu tích".

Cảnh sắc phía tây Núi Thành. Ảnh: H.Đ

Cụ già 90 tuổi chỉ cành cây nứt ngang từ thân, ngọn oằn xuống cách mặt đất 1,5 mét, nói: "Hồi nhỏ đi chăn trâu tôi thường bu cành leo lên thân chính. Anh thấy đó, bây giờ cành cũng chỉ to hơn bắp đùi người thôi, bảy chục năm trời mà cành tươi kia không thay đổi mấy. Điều đó chứng tỏ cây lớn đến mức đường kính hơn 4 mét thì nó đã tồn tại trong thẳm thẳm thời gian? Vài trăm năm là có thể. Đầu gành còn có trước khi ông Tiền hiền của chúng tôi đến định cư ở cuộc đất này đến mấy trăm năm kia chứ".

Đầu gành sừng sững đứng đó đã chứng kiến biết bao thay đổi của thời cuộc trên mảnh đất này. Những câu chuyện của làng liên quan đến cây đầu gành được truyền tụng trong dân làng. Cây tỏa bóng mát giữa cánh đồng, ngay gốc cây tọa lạc ngôi đền thờ thần với những truyền thuyết linh thiêng.

Theo các cụ già ở Trà Tây, đây là nơi rất vắng vẻ nên trước Cách mạng Tháng Tám - 1945, gốc đầu gành là điểm hẹn, nơi bí mật hội họp của những đảng viên Cộng sản, những chiến sĩ hoạt động cách mạng ở vùng này.

Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, máy bay địch thường oanh tạc vùng phía nam đất Tam Kỳ, dường như cây đầu gành vẫn tránh được bom đạn, linh thiêng tồn tại.

Kháng chiến chống Mỹ, cây đầu gành đứng cách ngọn Núi Thành non một cây số - nơi diễn ra trận đầu đánh Mỹ tại chiến trường miền Nam. Có thể, thời đó đoàn quân tiến đánh tiêu diệt Đại đội thủy quân lục chiến Mỹ tại chốt điểm Núi Thành, các chiến sĩ làm nên chiến tích lịch sử ấy đã bí mật xuyên đêm hành quân ngang đây.

Đối với dân làng, bóng mát cây đầu gành là nơi nghỉ trưa của những nông phu cày cuốc trên cánh đồng Gò Trại rộng lớn nằm phía đông nam làng Trà Tây. Đây hẳn là nơi in đậm ký ức tuổi thơ của các thế hệ người Trà Tây.

Đầu Gành chính là thực thể cổ thụ gắn kỷ niệm quê xứ. Người Trà Tây đi đến đâu, ở phương nào thì hình ảnh cổ thụ kia vẫn luôn in đậm trong tâm trí.

Từ xưa đến nay, đền thờ thần bản xứ tọa lạc tại gốc đầu gành luôn là nơi diễn ra lễ cúng đầu năm, cuối năm của làng. Đặc biệt, hằng năm làng Trà Tây có lễ Minh Yên, dân làng tập trung về đây hành lễ. Cuộc đất và cổ thụ đầu gành là địa điểm lịch sử văn hóa, vốn quý trời ban cũng như địa điểm tâm linh của bản xứ, dân làng.

Qua biến thiên của thời gian, cổ thụ đầu gành vẫn tồn tại và phát triển như một chứng tích lịch sử vùng quê. Dân làng Trà Tây nguyện vọng cây đầu gành sẽ được tôn vinh trở thành cây Di sản. Hiện chính quyền địa phương và người dân Trà Tây, Tam Mỹ Đông đang chuẩn bị thủ tục đề nghị Nhà nước các cấp, cơ quan chức năng liên quan khảo sát, xác nhận đầu gành là cây Di sản.

Theo Báo Quảng Nam

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/khoa-hoc-cong-nghe/truyen-thuyet-ky-bi-ve-cay-dau-ganh-gan-700-tuoi-o-quang-nam-2068424.html
Zalo