'Nghệ thuật đàm phán' của ông Trump qua phép thử Gaza và Greenland
Từ Gaza đến Greenland, Tổng thống Donald Trump đã thử nghiệm những chiến lược địa chính trị đầy tham vọng. Dù kết quả mang lại là trái ngược nhau, cả hai đều cho thấy cách ông định hình lại quyền lực của Mỹ trên trường quốc tế.
Trong những tuần đầu tiên của nhiệm kỳ thứ hai, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gây sốc với những đề xuất địa chính trị táo bạo. từ kế hoạch tái định cư người Palestine ở Dải Gaza đến ý tưởng mua Greenland từ Đan Mạch.
Những ý tưởng trên không chỉ thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế mà còn làm dấy lên nhiều câu hỏi về chiến lược địa chính trị của ông. Liệu đây là những bước đi táo bạo nhằm củng cố vị thế của Mỹ trên trường quốc tế, hay chỉ là những ý tưởng ngây thơ, thiếu tính khả thi?
![Những ý tưởng của Tổng thống Trump về Gaza và Greenland là những nước đi táo bạo hay chỉ là ý tưởng ngây thơ? Ảnh minh họa: llustration/Courtney Jones; Greg Nash; Adobe Stock](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_11_51477076/4fea825bb015594b0004.jpg)
Những ý tưởng của Tổng thống Trump về Gaza và Greenland là những nước đi táo bạo hay chỉ là ý tưởng ngây thơ? Ảnh minh họa: llustration/Courtney Jones; Greg Nash; Adobe Stock
“Màn chơi dao” tại Gaza
Ngày 4/2, Tổng thống Trump đã đề xuất một kế hoạch gây sốc liên quan đến Dải Gaza trong cuộc họp với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Theo ông, người Palestine cần phải di tản khỏi Gaza sang các nước láng giềng như Jordan hay Ai Cập, trong khi Mỹ sẽ “tiếp quản” và "tái thiết" khu vực này để biến nó thành "Riviera của Trung Đông".
Đề xuất này ngay lập tức vấp phải làn sóng phản đối từ cộng đồng tế, đặc biệt là thế giới Ả-rập. Theo các nhà phân tích từ Viện Trung Đông NUS, kế hoạch của ông Trump không chỉ trái với luật pháp quốc tế mà còn đe dọa đến sự ổn định của khu vực. Việc cưỡng bức di dời người dân Gaza và ngăn cản họ trở về quê hương đã vi phạm Công ước Geneva, một nguyên tắc cơ bản của luật nhân đạo quốc tế.
Hơn nữa, bất kỳ biến động địa chính trị nào xảy ra ở Dải Gaza còn làm suy yếu lệnh ngừng bắn vốn đã mong manh giữa Israel và Hamas, đồng thời “chôn vùi” hy vọng về một giải pháp hai nhà nước được quốc tế ủng hộ.
Các quốc gia Trung Đông, điển hình là là Jordan và Ai Cập, phản đối kế hoạch của Tổng thống Trump vì những lý do sống còn. Jordan lo ngại làn sóng tị nạn mới sẽ làm trầm trọng thêm căng thẳng xã hội, khi gần một nửa dân số nước này đã là người gốc Palestine. Trong khi đó, Ai Cập e sợ Gaza sẽ trở thành “lò lửa” khủng bố, đe dọa an ninh bán đảo Sinai vốn đã bất ổn.
“Ván bài ngửa” tại Greenland
Trong khi kế hoạch Gaza của Tổng thống Trump bị xem là thiếu tính khả thi và gây tranh cãi, thì đề xuất mua lại Greenland lại được cho là một “kiệt tác” về nghệ thuật đàm phán. Không chỉ là hòn đảo lớn nhất thế giới, Greenland còn có vị trí chiến lược quan trọng ở Bắc Cực, nơi đang trở thành tâm điểm của cạnh tranh địa chính trị giữa các cường quốc.
Ông Trump đã khôi phục ý tưởng mua Greenland từ Đan Mạch - thứ ông từng ấp ủ từ năm 2019, ngay trước khi nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai. Dù ban đầu bị chế giễu là “phi thực tế”, động thái này lại đạt được mục tiêu gián tiếp.
Theo các chuyên gia, việc Tổng thống Trump đề xuất mua Greenland không chỉ là một thỏa thuận bất động sản đơn thuần. Bằng cách khiêu khích Đan Mạch, ông đã buộc nước này phải tăng cường đầu tư vào quốc phòng cho Greenland.
Kết quả, Copenhagen cam kết chi 1,5 tỷ USD để nâng cấp cơ sở hạ tầng an ninh cho hòn đảo này. Điều đó không chỉ phù hợp với lợi ích chiến lược của Mỹ, mà còn đóng vai trò then chốt giúp Washington bảo vệ khu vực Bắc Đại Tây Dương và ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc và Nga ở Bắc Cực.
Táo bạo hay ngây thơ?
Cả hai đề xuất của Tổng thống Trump về Gaza và Greenland đều thể hiện phong cách chính trị đặc trưng của ông: táo bạo, gây tranh cãi, và đôi khi bị xem là “ngây thơ”. Điều đó được thể hiện qua kết quả hoàn toàn trái ngược nhau từ hai phép thử trên.
Với Gaza, Tổng thống Trump làm dấy lên lo ngại về sự suy yếu của trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, khi ông liên tục đe dọa cắt viện trợ và áp đặt các biện pháp trừng phạt lên các quốc gia không đồng ý với chính sách của mình. Ngược lại, trường hợp ở Greenland lại cho thấy khả năng sử dụng lời lẽ hoa mỹ và chiến thuật thương lượng hợp lý để đạt được mục tiêu chiến lược của tác giả cuốn sách "Nghệ thuật đàm phán".
Dù vậy, cả hai sự kiện đều cho thấy ông Trump ưu tiên chủ nghĩa đơn phương, đặt lợi ích của Mỹ lên trên các chuẩn mực quốc tế. Việc rút khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hơp Quốc hay ngừng viện trợ cho người tị nạn Palestine phản ánh xu hướng này. Tuy nhiên, cách làm của ông cũng vô tình làm suy yếu vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ, khiến đồng minh nghi ngờ và đối thủ lợi dụng khoảng trống quyền lực.
Từ đó, một chân lý có thể được rút ra là: Trong thế giới đa cực, việc dựa vào sức mạnh đơn phương không còn hiệu quả. Các quốc gia ngày càng ý thức rõ về chủ quyền và sẵn sàng phản kháng trước những yêu sách phi lý. Bài học từ Tổng thống Trump nhắc nhở rằng, để duy trì ảnh hưởng, Mỹ cần kết hợp giữa sức mạnh cứng và sự tôn trọng luật chơi quốc tế.