Nghe hiện vật kể chuyện chiến tranh

Nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày đất nước trọn niềm vui thống nhất, những kỷ vật từng gắn bó với người lính nơi chiến trường vẫn lặng lẽ hiện diện giữa đời thường trên vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Chương (ngụ phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa) bên cuốn nhật ký thời chiến. Ảnh: HUY ANH

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Chương (ngụ phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa) bên cuốn nhật ký thời chiến. Ảnh: HUY ANH

Từ những cuốn nhật ký, những dòng thư tay, đến những tấm ảnh hay chiếc ba lô nhuốm màu thời gian…, tất cả đã và đang lặng lẽ kể chuyện về một thời hoa lửa, về ý chí quật cường và tình yêu nước nồng nàn của các thế hệ cha ông.

“Nhân chứng sống” của thời hoa lửa

Trong căn nhà nhỏ ở khu phố 4A, phường Tân Phong (thành phố Biên Hòa), ông Nguyễn Văn Chương - cựu chiến binh từng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, vẫn cẩn thận lưu giữ cuốn nhật ký ố vàng, nhiều trang bị rách nát, nhòe mực, cùng album ảnh ghi lại những khoảnh khắc của một thời hoa lửa. Mỗi lần xem lại các kỷ vật, những dòng hồi tưởng về quá khứ hào hùng lại sống dậy trong ông. Hơn ai hết, ông càng trân trọng quá khứ, quý trọng những điều may mắn mà cuộc sống dành cho mình.

Ông Chương cho biết, ông quê ở Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ, sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo nhưng giàu truyền thống cách mạng. Năm 18 tuổi, ông tình nguyện đứng vào hàng ngũ quân đội, trở thành người lính đặc công đóng quân tại Hà Tây (nay là Hà Nội). Năm 1972, đơn vị của ông được lệnh chuyển vào Nam chiến đấu.

Ông Chương nhớ lại, thời điểm tháng 3-1975, đơn vị của ông nhận nhiệm vụ bảo vệ cầu Ghềnh - một trong những cứ điểm quan trọng của quân ta. Trước khi diễn ra Chiến dịch Hồ Chí Minh, suốt ngày đêm, đặc biệt là ở khu rừng ông đóng quân vang vọng tiếng gầm rú của xe tăng, xe kéo pháo. Tiếng súng của quân địch nổ liên hồi. Trong những giây phút ác liệt ấy, ông cùng đồng đội đã chuẩn bị tinh thần “một đi không trở lại”.

Phó giám đốc Bảo tàng Đồng Nai PHẠM VĂN MINH chia sẻ: “Hiện nay, Bảo tàng Đồng Nai đã và đang tiến hành số hóa các hiện vật bảo tàng, trong đó tập trung vào các hiện vật tiêu biểu, các kỷ vật thời kháng chiến. Sau khi số hóa, bảo tàng sẽ tiếp tục xây dựng không gian trưng bày ảo theo 14 phòng trưng bày chuyên đề. Việc làm này không chỉ giúp lưu giữ, bảo tồn hiện vật một cách bền vững, mà còn mở rộng khả năng tiếp cận cho công chúng thông qua nền tảng trực tuyến”.

“Cuộc tổng tiến công lần này được xác định là phải toàn thắng nên tôi cũng xác định có thể đây là lần cuối cùng đồng đội chiến đấu. Tôi và bộ 3 bạn thân rủ nhau đi chôn đồ đạc và dặn “còn sống về lấy, nếu chết thì người sống có trách nhiệm báo tin cho gia đình. Đêm 29-4, Biên Hòa dậy lên trong ánh chớp, pháo của quân ta dội vào, hướng Hố Nai súng rền sáng rực. Đơn vị của tôi triển khai đội hình còn lại, địch rút chạy khỏi cầu Ghềnh. 12h trưa 30-4, những ổ quân địch cuối cùng tại Biên Hòa đã rút lui” - ông Chương xúc động kể.

Không chỉ có ông Chương, nhiều cựu chiến binh trên địa bàn tỉnh đã và đang lưu giữ những kỷ vật thời chiến với sự trân trọng và yêu thương đặc biệt. Dù thời gian có phôi pha, những kỷ vật ấy vẫn nguyên vẹn giá trị lịch sử và tình cảm thiêng liêng. Nhiều kỷ vật vô giá được các cựu chiến binh trao tặng lại cho hệ thống bảo tàng, để từ đây những câu chuyện lại được tiếp tục kể và lan tỏa về một thời hoa lửa của cha ông…

Trong đó có chiếc cà men của ông Nguyễn Văn Tiếp (ngụ phường Suối Tre, thành phố Long Khánh) được các chiến sĩ Tiểu đoàn 28 Đặc công, Sư đoàn 5 tặng lại chiến trường Long Khánh vào năm 1968. Chiếc cà men được ông Tiếp sử dụng để đựng thức ăn, nước uống, nấu cơm… đảm bảo sức khỏe, thực hiện nhiệm vụ ở đơn vị lực lượng Huyện đội Đồn Điền (1968-1971) và sau này là Ban Kinh tài của huyện Đồn Điền, Long Khánh từ năm 1971 đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Ký ức được tiếp nối từ những kỷ vật thầm lặng

Tại Bảo tàng Đồng Nai trưng bày và giới thiệu hơn 2 ngàn hiện vật, kỷ vật thời chiến, từ máy camera quay trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đèn dầu tự tạo, cà men, la bàn, đến những vật dụng hàng ngày như hũ gạo nuôi quân, cối giã gạo, tấm áo thêu, những lá thư... Có hiện vật được các cựu chiến binh, gia đình của họ trực tiếp trao tặng, cũng có những hiện vật, kỷ vật thời chiến do cán bộ bảo tàng đi sưu tầm. Tất cả được trưng bày trang trọng, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân và du khách.

Hiện nay, nhiều lá thư thời chiến được Bảo tàng Đồng Nai phục dựng, phóng to và trưng bày trong các không gian triển lãm chuyên đề. Mỗi lá thư là một mảnh ghép xúc động về những năm tháng bom đạn, về tình yêu quê hương, nỗi nhớ gia đình và khát vọng hòa bình. Trong thư gửi thăm cha mẹ, cô gái tên M. viết: “Ba má nhớ! Con đi làm cách mạng, đây là lòng căm thù giặc Mỹ đã cướp đi một người chú kính thương, thì con gái cũng có trách nhiệm trả thù cho các chú, sau cùng các anh chiến đấu để giải phóng quê hương. Trong đó có gia đình mình nữa ba má à!”.

Trong thư Vũ Trường Sơn gửi về thăm chị hai ngày 22-11-1969 viết: “Càng nhớ về gia đình, nhớ về các anh của em, em lại càng nung sôi thêm bầu nhiệt huyết, tăng thêm sức mạnh, đem hết tài trai phụng sự non sông, đất nước để sớm đem lại độc lập, tự do cho dân tộc, để chị em mình cùng mau đoàn tụ. Em tin tưởng và chị cũng tin tưởng những ước mơ đó nó sẽ đến trong nay mai…”. Hay thư anh Thanh Dân gửi em Hồng viết: “… Còn với anh là người tha phương, 9 cái xuân dài phiêu bạt, cầm súng đi chiến đấu. Anh sẽ hẹn em khi đất nước an lành thì mình sẽ gặp lại nhau với tất cả niềm hy vọng”.

Phó giám đốc Bảo tàng Đồng Nai Phạm Văn Minh cho biết, thời gian qua, bảo tàng đã đẩy mạnh hoạt động trưng bày, giới thiệu và lan tỏa hiện vật thời chiến, đặc biệt tập trung giới thiệu những bức thư của các chiến sĩ gửi cho người thân và ngược lại. Các bức thư đã thể hiện tinh thần lạc quan của các chiến sĩ về ngày thống nhất, về những khó khăn gian khổ gặp phải trong quá trình sống và chiến đấu. Qua đó, giáo dục truyền thống cách mạng cho người trẻ.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng những kỷ vật của một thời hoa lửa vẫn ở trong Bảo tàng Đồng Nai hay ở trong gia đình các cựu chiến binh, lặng lẽ, bền bỉ như những nhân chứng sống động của lịch sử. Chúng không chỉ nhắc nhớ về một quá khứ oai hùng, mà còn thắp lên trong lòng mỗi người Việt Nam hôm nay nói chung, Đồng Nai nói riêng niềm tự hào, biết ơn và trách nhiệm giữ gìn hòa bình, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Cũng theo ông Phạm Văn Minh, thời gian tới, Bảo tàng Đồng Nai sẽ đưa các kỷ vật thời chiến đến hệ thống trường học trên địa bàn tỉnh và triển lãm theo từng chuyên đề như: triển lãm về thi tướng Huỳnh Văn Nghệ, về đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang Trần Công An, hay triển lãm về thư kháng chiến… Qua đó, giúp thế hệ trẻ hôm nay hiểu hơn về lịch sử, về đời sống của cán bộ, chiến sĩ cũng như tình cảm của hậu phương đối với tiền tuyến.

Ly Na

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202504/nghe-hien-vat-ke-chuyen-chien-tranh-e5e1903/
Zalo