Những bức thư vượt bom đạn và chuyện tình người lính giữa chiến tranh
Hơn nửa thế kỷ trôi qua, bà Trần Thị Hồng (huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) vẫn nâng niu những lá thư tay của người chồng gửi về từ chiến trận. Đó không chỉ là kỷ vật thời chiến mà còn là chứng nhân về mối tình son sắt vượt bom đạn của người lính nơi tiền tuyến.
Những bức thư vượt bom đạn
Trong căn nhà nhỏ nằm bên đường tàu ở thị trấn Đức Thọ, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh), hơn 50 năm qua, vợ chồng Đại úy Trần Dân (70 tuổi) cán bộ Trung đoàn 273, Sư đoàn 341 và bà Trần Thị Hồng (68 tuổi) vẫn lưu giữ những kỷ vật của một thời chiến tranh. Hàng chục bức thư dù đã ngả màu theo năm tháng, nhưng đó là minh chứng cho tình yêu sắt son giữa người lính giữa chiến trường và cô gái ở hậu phương.
“Lá thư nào anh Dân gửi về tôi đều cất giữ. Đến nay đã hơn 50 năm rồi, có bức thư đã nhòe mực đọc không còn rõ chữ, nhưng tôi vẫn nhớ nội dung bên trong”, bà Hồng chầm chậm mở đầu câu chuyện.
Nhẹ nhàng lật lại những bức thư được gói kín trong túi nilon, ánh mắt bà Hồng ánh lên niềm xúc động. Ký ức tuổi trẻ dần hiện về qua những dòng chữ viết vội nơi chiến trường. Qua lời kể của bà, hai người cùng lớn lên tại mảnh đất Sơn Thọ, nay là xã Thọ Điền (huyện Vũ Quang).

Đại úy Trần Dân cùng vợ đọc lại lá thư gửi về từ chiến trường vào 50 năm trước.
Sống gần nhà, học chung trường, tình yêu của cô gái Hồng và chàng trai Dân dần lớn theo năm tháng. Tháng 12/1974, khi chiến tranh đang diễn ra ác liệt, chàng trai Dân tình nguyện viết đơn vào nhập ngũ. Trước ngày lên đường, gia đình hai bên quyết định “bỏ trầu” - nghi thức gắn kết tình yêu, như một lời hứa người ra trận, người ở nhà đợi chờ không thay lòng.
Khoảnh khắc tiễn người yêu vác balô lên đường, cô gái 18 tuổi giấu đi những giọt nước mắt rồi động viên - “Anh cố gắng chiến đấu rồi trở về, yên tâm em vẫn chờ”. Còn chàng trai tuổi đôi mươi vững tâm với lời hứa - “Anh sẽ trở về để cưới em”.
Chuyến xe lăn bánh rời làng, chàng thanh niên mang theo khí thế rạo rực, gác lại chuyện vợ con, gia đình, một lòng hướng về Tổ quốc. Sau gần 1 tháng huấn luyện tại Đoàn 22 (ở Hương Sơn), anh Dân được biên chế vào Trung đoàn 273, Sư đoàn 341, trực tiếp tham gia chiến đấu tại Quảng Trị. Cùng đồng đội hành quân xuyên dọc Trường Sơn, anh Dân còn đón cái Tết đầu tiên trong đời lính tại một làng nhỏ của đồng bào Vân Kiều (Quảng Trị). Đùm cơm nắm cùng đĩa thịt sẻ chia, những người lính trẻ thắp lên niềm tin trong bữa cơm giản dị giữa núi rừng.
Từng dấu chân anh đi đều mang theo hình bóng người con gái tên Hồng. Để tình yêu không bị lạc nhịp giữa bom rơi, đạn nổ, ngày 3/2/1975, người lính trẻ nắn nót từng chữ viết bức thư đầu tiên gửi về cho người con gái mình yêu. Anh gọi người yêu bằng cái tên tha thiết: “Hồng em thương!”.
Những dòng chữ thấm đẫm cả bụi đường hành quân, băng qua lửa đạn để đến tay người thương ở hậu phương.

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, bà Trần Thị Hồng (huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) vẫn nâng niu những lá thư tay của người chồng gửi về từ chiến trận như báu vật.
“Người thanh niên của thời đại này phải sẵn sàng đi chiến đấu để bảo vệ quê hương, bảo vệ Tổ quốc, đồng thời để bảo vệ hạnh phúc của anh và em. Điều đó em phải thông cảm cho anh nhé. Biết nói sao cho thỏa tấm lòng của anh lúc này, lòng nhớ thương em, nhớ quê hương một cách xao xuyến. Nhưng bắt buộc anh phải ghìm lại nỗi nhớ thương để làm tròn nhiệm vụ cách mạng…",người lính trẻ Trần Dân viết trong thư.
Mỗi lần đọc thư người yêu gửi, bà Hồng lại bật khóc. Có lúc vì quá nhớ, có lúc vì sợ hãi lo lắng đó sẽ là lá thư cuối cùng. “Ngày đó không có thư thì háo hức, nhận được thư khóc nhiều lắm vì thương anh nhiều hơn. Mỗi tấm thư về, tôi lại biên thư ngắn gửi vào thông tin về tình hình sức khỏe gia đình, mong anh vững chắc tay súng để giữ vững lời hứa sớm trở về tổ chức đám cưới”, bà Hồng chia sẻ.
Sau khi tham gia chiến trường Quảng Trị, ông Dân cùng các đồng đội Sư đoàn 341 liên tiếp lập nhiều chiến công, góp phần cùng các đơn vị khác giải phóng các địa bàn Dầu Tiếng, Bến Cát, Bàu Bàng (Bình Dương), thị xã Xuân Lộc (Đồng Nai)... Đặc biệt người lính trẻ còn trực tiếp tham gia trong Chiến dịch Hồ Chí Minh (26/4-30/4/1975). Dấu ấn trong chiến dịch này, Sư đoàn 341 cùng với Quân đoàn 4 chiến đấu anh dũng, tiến thẳng vào nội đô, giải phóng Sài Gòn.
Trong giờ phút lịch sử ấy, ông Dân cũng là một trong những người lính của Sư đoàn 341 ngồi trên xe tăng và có mặt tại Dinh Độc Lập vào đầu giờ chiều 30/4/1975. Khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông cùng đơn vị tiếp nhận nhiệm vụ quân quản tại Sài Gòn.
"Khi đất nước giải phóng sẽ về cưới em.."
Sau giải phóng, những lá thư nối liền tiền tuyến với hậu phương trở nên dễ dàng hơn. Trong thư gửi về cho người yêu vào tháng 5/1975, anh Dân bày tỏ: "Hồng em thương! Miền Nam đã hoàn toàn giải phóng nhưng nhiệm vụ của chúng ta vẫn còn nhiều. Em phải xác định rằng, anh có thể còn phải xa em 5-6 năm nữa, thì liệu em có thể chờ đợi được anh không?", một đoạn trong lá thư ông Dân viết vào tháng 5/1975.
Cho đến tháng 9/1975, giữa nhịp sống tưng bừng của thành phố khi giải phóng, anh Dân viết tiếp:
"… Hồng em thương yêu của anh!. Trong không khí tưng bừng nhộn nhịp của thành phố Sài Gòn, hòa lẫn niềm vui riêng của bản thân anh. Đó là anh đã nhận được thư của em từ hậu phương xa xôi gửi tới. Lá thư đã gợi lên hình ảnh đẹp đẽ, chung thủy của em và gửi gắm, hiến dâng cả cuộc đời cho anh không cần do dự. Hồng em ơi! Hai đứa mình đã xa nhau gần một năm nhưng hình ảnh của em anh vẫn hồi tưởng, đọng lại trong đầu rất rõ ràng. Anh nhớ từng bước đi và nụ cười duyên dáng của em…".

Ông Dân chỉ tay về bức ảnh có mình ngồi trên xe tăng và có mặt tại Dinh Độc Lập vào đầu giờ chiều 30/4/1975.
Dù nhiệm vụ sau giải phóng còn kéo dài, song tình yêu của ông Dân và bà Hồng vẫn không bao giờ phai. Hai năm sau khi hoàn thành nghĩa vụ tại chiến trường biên giới Tây Nam, anh lính trở về thực hiện đúng lời hứa: “Giải phóng về, anh cưới em”.
Đầu năm 1978, đám cưới giữa hai người được diễn ra. Tuy nhiên, sau khi cưới ít ngày, anh Dân lại tiếp tục nhận lệnh lên đường thực hiện nhiệm vụ. Dù cuộc sống nơi biên ải khắc nghiệt, nhưng tình yêu giữa người lính và vợ vẫn sắt son.
“Sức khỏe anh tốt, đơn vị chuyển đi làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới. Cuộc sống bình thường, nhưng xóm làng nơi đây bị tàn phá, dân cư chạy loạn hết. Cảnh tượng thật thê lương”, trong bức thư tay gửi về cho người vợ, anh Dân bày tỏ.
Cuối tháng 7/1978, khi tham gia chiến đấu, ông Dân bị thương nặng và được chuyển về hậu phương. Kể từ thời điểm đó đến cuối năm 1979, bà Hồng không nhận thông tin nào từ chồng. Mỗi lá thư gửi đi đều không có hồi âm. Cho đến khi người lính cùng quê trở về và mang theo ba lô, giấy tờ, thư từ và nhật ký của ông Dân về gửi cho gia đình. Nhận những kỷ vật này, người vợ lính nghĩ rằng chồng đã hy sinh. Suốt ba tháng, bà khóc thương chồng đến rụng tóc, ở nhà cũng lập bàn thờ vọng.

Những lá thư tay gửi về từ chiến trường được cất giữ trong 50 năm qua.
“Lúc đó tuyệt vọng, vì nghĩ đã mất anh. Nhưng bố mẹ chồng động viên tôi là chưa có giấy báo tử của Dân, hãy sống để chờ đợi. Lời động viên đó là động lực để tôi gượng dậy, tin rằng chồng sẽ trở về”, bà Hồng nhớ lại.
Sau đó, bà Hồng nhận tin ông Dân còn sống, vừa được điều từ chiến trường về Thành phố Hồ Chí Minh học trường Quân chính. Mùa hè năm 1980, được đơn vị tạo điều kiện, bà khăn gói vào Nam thăm chồng.
Trước mắt bà là hình ảnh người chồng xanh xao, gầy guộc, họ ôm nhau khóc sau những năm tháng xa cách. “Tóc tôi rụng gần hết vì sầu thương, tưởng anh đã hy sinh. Nhưng khi gặp, nghe anh kể do thực hiện nhiệm vụ đặc biệt nên phải bỏ lại toàn bộ giấy tờ, không thể liên lạc. Giờ nghĩ lại khoảnh khắc gặp chồng, đến giờ tôi vẫn rưng rưng”, bà Hồng xúc động kể.

Ông Dân cùng vợ chăm sóc vườn rau.
Sau ngày cưới, họ có ba người con, con trai đầu sinh năm 1981, con gái thứ hai sinh năm 1984 và con trai út năm 1992. Đến năm 1991, ông Dân rời quân ngũ, trở về với cuộc sống đời thường. Ngày nay, ông bà vẫn giữ những bức thư cũ, vẫn kể cho con cháu nghe chuyện tình một thời bom đạn.
Trong những ngày lịch sử này, ông Dân cầm tấm ảnh trước Dinh Độc Lập bồi hồi tâm sự: “Giữa bom đạn, chúng tôi đã với nhau giữa bom đạn là sẽ cùng sống, cùng chờ. Và chúng tôi đã giữ được lời hứa ấy… Nhưng còn có những đồng đội không kịp chứng kiến giây phút thiêng liêng của tự do, đã hy sinh, trước giờ phút đất nước giải phóng”.