Nghệ An phát triển vùng nguyên liệu mía
Mấy năm gần đây, giá mía nguyên liệu liên tục tăng, cùng với việc các nhà máy chế biến đường ở Nghệ An có nhiều chính sách hỗ trợ, hàng chục nghìn hộ nông dân trong tỉnh đã tham gia trồng mía có lãi và yên tâm tiếp tục đầu tư cho cây mía.
![Thu hoạch mía bằng cơ giới ở Nhà máy đường Sông Con.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_14_51445123/25248b11bf5f56010f4e.jpg)
Thu hoạch mía bằng cơ giới ở Nhà máy đường Sông Con.
Vụ mía năm 2024-2025 mới bắt đầu, cả nhà máy và người trồng mía Nghệ An đều phấn khởi, bởi diện tích, năng suất và giá mía đều tăng.
Tích cực hỗ trợ người dân
Nghệ An là một trong những trung tâm chế biến đường lớn của cả nước với ba nhà máy sản xuất đường có tổng công suất hơn 15.000 tấn mía cây/ngày. Khoảng bốn năm về trước, do giá đường thấp, các nhà máy sản xuất đường phải thu mua mía với giá thấp, khiến đời sống người trồng mía nguyên liệu gặp nhiều khó khăn, không mặn mà với cây mía. Do đó, nhiều diện tích trồng mía truyền thống đã được người dân chuyển đổi sang trồng ngô, khoai, sắn… Diện tích trồng mía ngày càng thu hẹp, khiến các nhà máy chế biến đường trên địa bàn “đói” nguyên liệu, ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.
![Cân mía và kiểm tra độ đường ở Nhà máy đường Sông Con](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_14_51445123/826129541d1af444ad0b.jpg)
Cân mía và kiểm tra độ đường ở Nhà máy đường Sông Con
Những năm gần đây, giá đường tăng, cho nên giá mía nguyên liệu liên tục tăng; bên cạnh đó, các nhà máy chế biến đường có nhiều chính sách giúp người trồng có lãi tốt, yên tâm đầu tư vùng nguyên liệu.
Trước đây, giá thu mua mía ở mức 800.000-900.000 đồng/tấn, nhưng từ vụ ép 2021-2022 đến nay, các nhà máy đã thu mua mía nguyên liệu với giá hơn một triệu đồng/tấn. Đơn cử như vụ ép 2022-2023, Công ty TNHH Mía đường Nghệ An (NASU Nghệ An) đã thu mua mía với giá 1,16 triệu đồng/tấn.
Với giá thu mua này, người trồng mía đã có lợi nhuận khá, bình quân khoảng 25-35 triệu đồng/ha; nhiều ruộng mía đầu tư thâm canh, ở vùng bãi bồi cho năng suất cao, lợi nhuận 60-70 triệu đồng/ha...
Giám đốc Công ty NASU Nghệ An Ngô Văn Tú cho biết: Vụ ép năm nay, nhà máy vẫn bảo đảm thu mua hết mía cho người trồng, giá mua tại ruộng từ 1,2 triệu đến 1,22 triệu đồng/tấn với mía 10 CCS (độ đường), bao gồm cả tiền thưởng cho nông dân tuân thủ hợp đồng bán toàn bộ mía cho công ty.
Bên cạnh đó, giá thu mua mía còn được điều chỉnh, độ đường CCS cao hơn mức bình quân (10 CCS) sẽ được cộng thêm 60.000 đồng/tấn/CCS… Các nhà máy sản xuất đường khác trên địa bàn Nghệ An cũng thu mua mía ở mức giá cao nhất có thể.
Nhờ làm ăn hiệu quả, các nhà máy có chính sách hỗ trợ tốt, đồng hành với người trồng mía nguyên liệu. Trong ba năm trở lại đây, Công ty NASU Nghệ An đã hỗ trợ không hoàn lại và cho vay lãi suất ưu đãi cho người trồng mía hàng trăm tỷ đồng, giúp họ khai hoang làm đất, chuyển đổi cây trồng khác sang trồng mía; hỗ trợ kỹ thuật trong cả vụ trồng; hỗ trợ giống mới năng suất cao; hỗ trợ kinh phí và máy móc làm giao thông nội vùng mía; lắp hệ thống tưới...
Công ty cổ phần mía đường Sông Con hỗ trợ cho nông dân trồng mới thông qua các hình thức như: Cho mượn máy móc để làm đất, trồng mía bằng cơ giới; cho vay vốn để mua giống mới và phân bón; cung cấp dịch vụ chăm sóc và phun thuốc bảo vệ thực vật, hỗ trợ mùn mía đã qua xử lý. Toàn bộ chi cho vay sẽ được công ty khấu trừ vào tiền mía khi nông dân thu hoạch và bán lại cho công ty.
Công ty NASU Nghệ An luôn là đơn vị đi đầu trong triển khai các loại giống mới cho năng suất cao và kháng dịch bệnh. Doanh nghiệp đã trồng khảo nghiệm thành công giống mía KK3 (giống Thái Lan) ở huyện Nghĩa Đàn cho năng suất 100 tấn/ha và chống chịu với bệnh chồi cỏ.
Chị Hoàng Thị Thủy ở xã Nghĩa Thành (huyện Nghĩa Đàn) cho biết: Giống KK3 ít sâu bệnh, lưu gốc được tới 5 năm với năng suất đạt khá cao so với các giống trồng trước đây, trung bình đạt khoảng 100 tấn/ha/năm, riêng vụ thứ 2 đạt 120 tấn/ha, trữ lượng đường đạt hơn 10 CCS. Hiện, doanh nghiệp đã triển khai trồng giống KK3 ở các vùng nguyên liệu trọng điểm được 4.162 ha.
Gắn bó với cây mía
![Cân mía tại Nhà máy đường Sông Con.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_14_51445123/f34b467e72309b6ec221.jpg)
Cân mía tại Nhà máy đường Sông Con.
Cây mía ở Nghệ An đang dần lấy lại vị thế của mình. Giá thu mua tăng cao, ổn định và các nhà máy có nhiều chính sách quan tâm phát triển vùng nguyên liệu đã tạo động lực cho người trồng mía.
Sau hàng chục năm gắn bó với mía nguyên liệu, người trồng đã từ bỏ tư tưởng đầu tư nhỏ lẻ, manh mún, chuyển sang đầu tư lớn, thâm canh nhiều hơn cho mía. Nhiều hộ nông dân, trong đó có đồng bào vùng sâu, vùng xa đã tự nguyện liên kết đất lại để cùng trồng mía với diện tích lớn qua các hình thức hợp tác. Nhờ đó, các nhà máy đường có điều kiện hỗ trợ một cách hiệu quả, giúp người dân phát triển cây mía và làm giàu từ mía.
Như gia đình ông Lô Văn Vinh cùng các thành viên người dân tộc thiểu số của Hợp tác xã Dịch vụ Nông lâm nghiệp Vinh Dung ở xã miền núi Bắc Sơn, huyện Quỳ Hợp, đã được Công ty NASU Nghệ An hỗ trợ trọn gói, từ cây giống, hướng dẫn quy trình kỹ thuật chăm sóc đến máy móc, kinh phí để nâng cấp, làm giao thông phục vụ sản xuất. Mỗi năm hợp tác xã thu hoạch hàng nghìn tấn mía, lợi nhuận gần một tỷ đồng/năm.
Hay gia đình ông Trần Doãn Lê, xã Thanh Tiên, huyện Thanh Chương mạnh dạn thuê đất, trồng hơn 50 ha mía, với giá thu mua như hiện nay thu lãi khoảng 1,5 tỷ đồng/vụ… Nhiều gia đình ở vùng núi các huyện Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Tân Kỳ, Anh Sơn… nhờ trồng mía mà thoát nghèo, khá giả, xây nhà cao tầng, nuôi con ăn học thành tài.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Nghệ An, vụ mía năm nay, toàn tỉnh trồng được hơn 22.200 ha mía, tăng hơn 1.200 ha so với vụ trước, năng suất dự kiến bình quân đạt 61,63 tấn/ha, sản lượng đạt gần 1,4 triệu tấn mía, đáp ứng đủ năng lực sản xuất của các nhà máy trên địa bàn.
Trong đó, diện tích vùng nguyên liệu mía Công ty NASU Nghệ An được 14.400 ha, Công ty cổ phần mía đường Sông Con 6.500 ha… Sau nhiều năm sụt giảm, diện tích mía nguyên liệu niên vụ 2024-2025 này cao nhất trong hơn 10 năm trở lại đây, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của các nhà máy chế biến đường trên địa bàn Nghệ An.
Tuy nhiên, điều quan trọng lúc này, các địa phương cùng ngành chức năng cần tuyên truyền người dân không vì giá mía tăng cao mà phát triển nóng diện tích; không trồng khi chưa ký hợp đồng với các nhà máy đường trên địa bàn.
Bởi khi ế ẩm, cây mía không thể bán giải cứu như một số cây trồng khác; khi mía già, ra hoa, sản lượng đường giảm nghiêm trọng thì chỉ bán đổ, bán tháo, thậm chí không có ai mua.
Hiện, năng suất mía bình quân ở Nghệ An mới đạt dưới 70 tấn/ha, còn thấp so với nhiều vùng trong tỉnh được đầu tư thâm canh tốt đạt năng suất hơn 100-140 tấn/ha, do vậy cần khuyến cáo người dân tập trung thâm canh để tiếp tục tăng năng suất và chất lượng, thay vì tăng diện tích.