Nguyễn Văn Tám với mô hình chăn nuôi gà tự động
Không chỉ biết phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển chăn nuôi gà theo hướng hàng hóa mà chàng thanh niên 9X Nguyễn Văn Tám ở thôn Minh Phú, xã Y Can, huyện Trấn Yên còn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tự động hóa vào mô hình chăn nuôi của mình, đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.
![Anh Nguyễn Văn Tám (bên phải) ở thôn Minh Phú, xã Y Can, huyện Trấn Yên đã đầu tư hệ thống ứng dụng công nghệ tự động hóa vào mô hình chăn nuôi gà, giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_608_51448875/6eebfa25cf6b26357f7a.jpg)
Anh Nguyễn Văn Tám (bên phải) ở thôn Minh Phú, xã Y Can, huyện Trấn Yên đã đầu tư hệ thống ứng dụng công nghệ tự động hóa vào mô hình chăn nuôi gà, giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Sinh năm 1991, sau khi hoàn thành học chuyên nghiệp, anh Nguyễn Văn Tám đã tự bươn trải kiếm sống với nhiều nghề khác nhau nhưng cuộc sống cũng chẳng mấy khấm khá. Đến năm 2024, anh Tám quyết tâm quay trở về địa phương đầu tư phát triển mô hình chăn nuôi gà dựa trên diện tích đất của gia đình. Tuy nhiên, nếu chăn nuôi theo phương pháp truyền thống thì hiệu quả kinh tế không cao nên anh Tám đã tìm hiểu và quyết định xây dựng chuồng trại theo hướng công nghiệp với thiết kế dây chuyền máng ăn, nước uống tự động; người chăm sóc chỉ cần đổ cám và nước vào máng lớn hệ thống sẽ tự điều chỉnh theo cảm biến.
Cùng với đó, hệ thống quạt, điều hòa không khí được anh Tám lắp đặt cũng đã giúp chuồng trại chăn nuôi của anh luôn ổn định về nhiệt độ, độ ẩm không khí theo từng giai đoạn phát triển của vật nuôi. Nhờ đó, đàn gà của anh Tám luôn phát triển đồng đều, hạn chế được mầm bệnh xâm nhập chuồng trại. Người chăn nuôi ít phải tiếp xúc trực tiếp với vật nuôi nên sức khỏe đảm bảo tốt hơn.
Anh Tám chia sẻ: "Khi mới bắt tay vào thực hiện mô hình chăn nuôi, bản thân tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn do chưa có kinh nghiệm, đầu tư chuồng trại lại tốn kém, không đủ nguồn vốn. Tuy nhiên được sự hỗ trợ giúp đỡ của gia đình, bạn bè và Đoàn Thanh niên xã, từ nuôi nhỏ lẻ, đến nay, mô hình nuôi gà thương của tôi đã duy trì quy mô 45.000 con gà/ lứa. Đặc biệt, là người trẻ lại đam mê công nghệ, tôi đã nghiên cứu và đầu tư toàn bộ hệ thống bạt che tự động; máng ăn, máng nước uống có cảm biến; giàn nóng lạnh, quạt gió kiểm soát nhiệt độ chuồng nuôi; hệ thống camera giám sát được lắp đồng bộ tại các chuồng nuôi gà... Qua đó, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm”.
Bằng sự cần cù, chịu khó và nỗ lực không ngừng, mô hình nuôi gà thương phẩm của anh Nguyễn Văn Tám đến nay đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, chất lượng gà xuất bán đồng đều, được nhiều thương lái đánh giá cao. Trong năm 2024, anh Tám đã xuất bán được 2 lứa gà với giá 55 nghìn đồng/kg, trừ chi phí cho thu nhập trên 300 triệu đồng, giúp gia đình anh có nguồn thu nhập ổn định.
Anh Tám cho biết: "Khác với chăn nuôi truyền thống, ứng dụng công nghệ tự động hóa mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, giải phóng sức lao động, giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, phòng chống dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh môi trường và phù hợp với xu thế thị trường. Hiện nay, trang trại gà của tôi đã xuất bán đi nhiều tỉnh trong cả nước như: Lào Cai, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Lai Châu, Điện Biên, Quảng Nam... Hiện tôi đang tiếp tục tìm kiếm để mở rộng thị trường tiêu thụ và nghiên cứu để có thể ứng dụng nhiều hơn nữa công nghệ tiên tiến vào chăn nuôi nhằm giảm nhân công và tăng chất lượng sản phẩm”.
Anh Triệu Quý Lợi - Bí thư Đoàn xã Y Can khẳng định: "Mô hình chăn nuôi của anh Tám là một trong những điển hình tiến tiến về phát triển kinh tế của đoàn viên thanh niên xã Y Can. Anh Tám không những cần cù, chăm chỉ, chịu khó mà còn rất nhiệt tình, hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển kinh tế tới các bạn đoàn viên thanh niên tại địa phương”.
Sự nhạy bén trong chăn nuôi và tích cực ứng dụng khoa học công nghệ là chìa khóa để anh Nguyễn Văn Tám tiếp tục gặt hái được thêm nhiều thành công trong thời gian tới. Đây cũng là xu hướng phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, mang lại nhiều tiện ích cho người chăn nuôi và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.