Ngày thơ Việt Nam 2025: 'Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân'

Nhà thơ, liệt sĩ, anh hùng Lê Anh Xuân hy sinh tại mặt trận Sài Gòn ngày 24/5/1968, trước đó 2 tháng ông viết bài thơ cuối cùng 'Dáng đứng Việt Nam', rồi gửi cho Tạp chí Văn nghệ Giải phóng trước lúc lên đường đi chiến đấu và hy sinh, khi mới 28 tuổi. Và sau 57 năm, Ngày thơ Việt Nam năm 2025, Hội Nhà văn đã lấy câu thơ 'Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân' trong bài thơ này làm chủ đề.

“Dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ”

Có thể nói, bài thơ “Dáng đứng Việt Nam” là một tượng đài thơ bất tử của thi ca yêu nước trong hơn nửa thế kỷ qua. Đây là một bài thơ bi hùng mang tính tráng ca và âm hưởng sử thi. Bài thơ dựng lên một bức tranh bi tráng và khốc liệt trong cuộc chiến sinh tử giải phóng đất nước với hình tượng lẫm liệt, oai hùng của người chiến sĩ. Trong bài thơ, người chiến sĩ vô danh khi hy sinh trên đường băng Tân Sơn Nhứt đã được nhà thơ Lê Anh Xuân khắc tạc dáng đứng đi vào lịch sử dựng nước và giữ nước ngàn năm của dân tộc ta:

Anh ngã xuống đường băng Tân Sơn Nhứt
Nhưng Anh gượng đứng lên tì súng trên xác trực thăng
Và Anh chết trong khi đang đứng bắn
Máu Anh phun theo lửa đạn cầu vồng.
Chợt thấy Anh, giặc hốt hoảng xin hàng
Có thằng sụp xuống chân Anh tránh đạn
Bởi Anh chết rồi nhưng lòng dũng cảm
Vẫn đứng đàng hoàng nổ súng tiến công.

Anh tên gì hỡi Anh yêu quý
Anh vẫn đứng lặng im như bức thành đồng
Như đôi dép dưới chân Anh giẫm lên bao xác Mỹ
Mà vẫn một màu bình dị, sáng trong.
Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ
Anh chẳng để lại gì cho riêng Anh trước lúc lên đường
Chỉ để lại cái dáng-đứng-Việt-Nam tạc vào thế kỷ:
Anh là chiến sĩ Giải phóng quân.
Tên Anh đã thành tên đất nước
Ôi anh Giải phóng quân!
Từ dáng đứng của Anh giữa đường băng Tân Sơn Nhứt
Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân

Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 (năm 2024) được tổ chức tại Hoàng thành Thăng long (Hà Nội).

Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 (năm 2024) được tổ chức tại Hoàng thành Thăng long (Hà Nội).

Theo nhà thơ Giang Nam cho biết, bài thơ trên được Lê Anh Xuân viết sau buổi nói chuyện của ông với anh em trong tòa soạn báo Văn nghệ Giải phóng về chuyến đi thực tế vào Sài Gòn trong đợt 1 chiến dịch Mậu Thân năm 1968. Trong đó, ông có kể về tấm gương của một chiến sĩ giải phóng quân đã chiến đấu đến phút cuối cùng với địch và đã dũng cảm hy sinh trên đường băng Tân Sơn Nhứt với tư thế đang đứng bắn.

Nghe câu chuyện này, Lê Anh Xuân đã khóc và thức suốt đêm để viết bài thơ “Anh giải phóng quân” sau đó được nhà văn Anh Đức đổi thành “Dáng đứng Việt Nam” in trên báo Văn nghệ Giải phóng. Lê Anh Xuân không được đọc bài thơ của mình in trên báo vì ông đã tình nguyện xung phong vào Sài Gòn đợt 2 chiến dịch Mậu Thân 1968 và đã hy sinh ở chiến trường.

Lê Anh Xuân tên thật là Ca Lê Hiến, sinh ngày 5/6/1940 tại quê hương Đồng Khởi-Bến Tre, trong một gia đình trí thức yêu nước, thân phụ là giáo sư văn chương Ca Văn Thỉnh. Thuở nhỏ, Ca Lê Hiến cùng gia đình lên rừng theo kháng chiến chống thực dân Pháp. Năm 1954, ông tập kết ra miền Bắc theo học trong Trường học sinh miền Nam. Sau đó ông học ở Khoa Sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Học giỏi, ông được giữ lại Trường làm cán bộ giảng dạy và chọn đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài. Nhưng ông đã tình nguyện trở lại quê hương chiến đấu và công tác ở Ban Tuyên huấn, Trung ương Cục miền Nam.

Trong đợt 2 cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân (1968), Lê Anh Xuân từ căn cứ theo giao liên về thẳng Mặt trận Sài Gòn. Nhà thơ Giang Nam kể: “Lê Anh Xuân nói: Tụi em về Nam là để chiến đấu với đồng bào, với anh em. Nếu về chỉ để đứng xem và viết thì về làm gì”. Mặc dù được cấp trên khuyên nhủ nên ở lại căn cứ vì tình hình Mặt trận đang phức tạp nhưng trước lý lẽ của nhà thơ, cấp trên phải nhượng bộ cho anh đến gần Sài Gòn hơn.

Nhà thơ Giang Nam nhớ lại: “Lê Anh Xuân đi rồi, chúng tôi nhận được điện của anh Trần Bạch Đằng yêu cầu không để Lê Anh Xuân đi. Nhưng đã muộn mất rồi!”. Năm 2001, nhà thơ Lê Anh Xuân đã vinh dự được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật. Năm 2011, ông được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Ngay từ năm 1960, mới 20 tuổi Lê Anh Xuân đã nổi tiếng với bài thơ “Nhớ mưa quê hương” đoạt giải nhì Cuộc thi thơ của Báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam. Khi trở lại quê nhà miền Nam, ông có các tập thơ “Tiếng gà gáy”, “Hoa dừa”, trường ca “Nguyễn Văn Trỗi”, truyện ký “Giữ đất” và bài thơ cuối cùng “Dáng đứng Việt Nam” ông viết tháng 3/1968 trước lúc hy sinh. Câu thơ cuối cùng, ông viết như một lời tiên tri về ngày chiến thắng của dân tộc và đất nước đang đến gần: “Từ dáng đứng của Anh giữa đường băng Tân Sơn Nhứt/ Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân”.

Trách nhiệm xã hội và nghệ thuật là 2 thách thức lớn

Mùa xuân này, sau nửa thế kỷ thống nhất đất nước, bài thơ của anh hùng, liệt sĩ Lê Anh Xuân lại vang lên trầm hùng trong Ngày thơ Việt Nam năm 2025. Chủ đề “Tổ quốc bay lên” của Ngày thơ Việt Nam năm nay được lấy cảm hứng từ câu thơ “Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân” trong bài thơ "Dáng đứng Việt Nam" của nhà thơ, liệt sĩ Lê Anh Xuân.

Tại buổi họp báo thông tin về Ngày thơ Việt Nam năm 2025, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết: “Trong 22 lần tổ chức trước đây, Ngày thơ Việt Nam đều diễn ra tại Thủ đô Hà Nội, tuy nhiên năm nay, Ngày thơ được tổ chức tại tỉnh Ninh Bình để triển khai ý tưởng và chủ trương của Hội Nhà văn Việt Nam đưa Ngày thơ quốc gia đến nhiều vùng miền khác nhau, bởi trên đất nước chúng ta, ở đâu cũng đều có những con người rất yêu thơ ca. Thơ ca là một phần quan trọng trong căn cước văn hóa của người dân Việt Nam, họ có thể không trở thành nhà thơ, nhưng bài thơ của họ luôn bày tỏ khát vọng và giấc mơ của họ”.

Trong Ngày thơ Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam cũng tổ chức tọa đàm “Trách nhiệm và khát vọng của nhà thơ” do nhà thơ Nguyễn Bình Phương, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chủ trì. Nhà thơ Trần Anh Thái cho rằng: "Trách nhiệm đầu tiên của nhà thơ đối với thi ca là trách nhiệm nghệ thuật với khát vọng đổi mới, tìm tòi, thay đổi về hình thức thơ ca về ngôn ngữ, nghệ thuật, tư tưởng. Bên cạnh đó là trách nhiệm với xã hội. Nhà thơ không thể tách ra khỏi đời sống, phải hòa vào khát vọng chung của dân tộc. Các nhà thơ ở thời đại kháng chiến chống Mỹ đã làm rất tốt điều này. Tại thời đại mới, nhiều nhà thơ Việt trong và ngoài nước cũng cất lên tiếng nói quan trọng của thi ca, nhằm đấu tranh, bảo vệ biên giới, hải đảo. Trong tình hình hiện nay, trách nhiệm đó tiếp tục phải được xác định một cách rõ rệt…”.

Cách đây 90 năm, cuộc tranh luận văn chương vang bóng một thời từng được mệnh danh giữa trường phái “nghệ thuật vị nhân sinh” do nhà văn Hải Triều làm chủ soái và trường phái “nghệ thuật vị nghệ thuật” do nhà văn Hoài Thanh làm chủ tướng đã diễn ra trong các năm từ 1935 đến 1939 với nhiều ý kiến trái chiều nhau. Cho đến hôm nay, sau gần một thế kỷ, các nhà văn chúng ta với những cách tân về văn chương vẫn hướng đến sự đổi mới cả về hình thức nghệ thuật và nội dung nhân sinh trong các tác phẩm của mình. Trong đó, trách nhiệm của nhà văn trước đời sống xã hội và trách nhiệm trước văn chương nghệ thuật vẫn đang được đặt ra như một thách thức lớn đối với mỗi người viết.

Tôi cho rằng, các nhà thơ đổi mới đích thực hôm nay đang có những cách tân được dư luận chú ý là những nhà thơ đã biết cách giữ được đặc thù của ngôn- ngữ -thơ trong chuyển động đổi mới của những con chữ với các xu hướng tìm tòi nhằm nâng cao vẻ đẹp của ngôn ngữ thơ bằng những ý tưởng mới, suy tưởng mới.

Có thể nói trong 50 năm qua (1975-2025), các nhà thơ đương đại đã làm chúng ta ngạc nhiên về hệ hình tư duy thẩm mỹ mới và hiện đại. Thơ của họ đã vượt thoát khỏi những khuôn sáo ước lệ của vần điệu để thắp lên những hình tượng thơ mới. Không gian thơ được mở rộng hơn, mở sâu hơn, với tới các chiều kích của những suy tưởng lớn mang tính khái quát cao. Và, trong trường-thẩm-mỹ này, những vấn đề tưởng chừng lớn lao lại được khái quát lên từ những cái rất tầm thường, nhỏ bé của đời sống quê hương máu thịt hàng ngày.

Theo tôi, thơ ca là nền nghệ thuật chia sẻ với con người, là cuộc đối thoại của nhà thơ với thời đại của họ để mang lại hy vọng cho những khổ đau và mất mát mà con người đã phải chịu đựng khi đi qua thế gian này. Theo tôi, một nhà thơ đích thực phải biết cách khắc họa bằng ngôn ngữ của thơ - nỗi đau của những phận người và phải chạm được vào cõi sâu của tâm hồn con người không chỉ bằng sự phá vỡ sắc cạnh của lý trí mà còn bằng cảm xúc của trái tim - những cảm xúc được tái hiện từ cái chất liệu đời thường còn rớm máu và khó nhọc này.

Nguyễn Việt Chiến

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/ngay-tho-viet-nam-2025-to-quoc-bay-len-bat-ngat-mua-xuan-i759081/
Zalo