Sắc xuân tháng Giêng quanh vịnh Xuân Đài
Vịnh Xuân Đài (TX Sông Cầu) là danh thắng cấp quốc gia. Vịnh có diện tích mặt nước khoảng 13.000ha, trải dài từ các phường Xuân Đài, Xuân Thành, Xuân Phú, Xuân Yên qua xã Xuân Phương. Người dân sống ven vịnh làm nghề nuôi tôm hùm, cá mú, nhắc đến vui xuân không quên tục cúng cầu ngư, mở cửa biển của ngư dân.

Múa lân sư rồng mở màn đêm khai mạc lễ hội vịnh Xuân Đài năm 2025. Ảnh: THÁI THỤY
Sau tết Nguyên đán, vịnh Xuân Đài còn lưu lại cổng chào, đường hoa dẫn vào các khu phố. Dọc các tuyến đường nông thôn rực rỡ màu vạn thọ và nhiều loài hoa khoe sắc, không chỉ làm đẹp xóm làng mà còn mang ý nghĩa của sự may mắn và trường tồn khi mọi người trở lại với cuộc sống thường nhật trong những ngày đầu xuân mới.
Hoa tết khoe sắc tháng Giêng
Những ngày qua, nhiều du khách đến cầu Tam Giang (phường Xuân Phú) qua cầu Thị Thạc (phường Xuân Yên) ven vịnh Xuân Đài dừng lại check-in. Hai bên thành cầu được trang trí tiểu cảnh.
Ông Nguyễn Văn Long ở xã Xuân Sơn Nam (huyện Đồng Xuân) chụp cảnh thành cầu Thị Thạc, cho biết: Đi qua đây thấy cảnh đẹp quá, tôi dừng lại chụp hình làm kỷ niệm. Phía trên thành cầu kết hình trái tim với nhiều loại hoa rực rỡ. Phía dưới là hàng rào tre được kết bởi nhiều khúc tre bằng gang tay người lớn chẻ làm hai sơn màu xanh, đỏ, vàng dựng phía ngoài làm hàng rào, bên trong vàng rực màu vàng vạn thọ tháng Giêng bắt mắt.

Đường hoa bên cầu Thị Thạc, phường Xuân Yên (TX Sông Cầu). Ảnh: MẠNH HOÀI NAM
Từ quốc lộ 1 rẽ ngã ba Trung Trinh đi qua Vũng Mắm, Vũng Dông, Vũng Chào, tiếp nữa là Vũng Sứ rồi đến Vũng La thuộc xã Xuân Phương (ven vịnh Xuân Đài), những chậu hoa vạn thọ lùn nở rộ hai bên đường thu hút sự chú ý của nhiều người. Có nhà đơm vạn thọ trên trụ hàng rào, có nhà trang trí chậu vạn thọ làm tiểu cảnh ôm thềm giếng, gốc cây lộc vừng, xoài, ổi… nhìn rất đẹp mắt.
“Vừa rồi vợ chồng tôi đi từ nhà xuống Vũng Dông rồi xuống Vũng Chào. Chồng tôi lái xe máy, tôi ngồi sau nhìn hai bên đường rực rỡ màu vàng vạn thọ tháng Giêng. Quất, cúc cũng được trưng trước nhà cạnh hàng ba, trên trụ rào cổng cửa ngõ. Hoa tết khoe sắc khắp nẻo đường xuân”, bà Bùi Thị Nga ở xã Xuân Phương chia sẻ.
Cũng theo bà Nga, hoa tết khoe sắc tháng Giêng không chỉ làm đẹp xóm làng mà còn mang ý nghĩa của sự may mắn và trường tồn khi mọi người trở lại với cuộc sống thường nhật trong những ngày đầu xuân mới.
Đậm đà bản sắc làng biển
Người dân sống ven vịnh Xuân Đài làm nghề nuôi tôm hùm, cá mú, nhắc đến vui xuân không quên tục cúng cầu ngư, mở cửa biển của ngư dân. Đây là nét văn hóa của ngư dân các miền quê sông nước, với mục đích cầu mong cho tàu thuyền ra khơi luôn thuận buồm xuôi gió, nhiều cá, tôm, được mùa, được giá...
Không có quy mô với sự tham gia của cả cộng đồng làng, xã như lễ cầu ngư hay các nghi lễ khác ở đây, tục cúng mở cửa biển diễn ra một cách gọn nhẹ. Tuy nhiên, tục cúng mở cửa biển vẫn có ý nghĩa rất riêng, được lưu giữ và truyền lại từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Đường xuống Vũng Chào, Vũng Dông thuộc xã Xuân Phương (TX Sông Cầu). Ảnh: MẠNH HOÀI NAM
Ông Bùi Văn Thái, Trưởng thôn Phú Mỹ (xã Xuân Phương) cho biết: Từ tháng Giêng đến tháng hai âm lịch, ngư dân vùng biển TX Sông Cầu tổ chức lễ hội cầu ngư. Riêng thôn Phú Mỹ, năm nay, với sự đồng lòng góp sức của bà con ngư dân làng biển nuôi tôm hùm, cá mú, lễ hội cầu ngư được tổ chức tại lăng Ông để tỏ lòng tri ân thần Nam Hải đã cứu giúp ngư dân qua các cơn hoạn nạn trên biển, cũng như tưởng nhớ các vị Thành hoàng, tiền hiền đã có công lập làng, giữ nghề.
Đây là lễ hội thường niên, mỗi năm tổ chức một lần, năm nay lăng Ông, năm sau lăng Bà (thôn Phú Mỹ). Buổi sáng tổ chức lễ, buổi chiều hát án là vở tuồng hát bội. Ngư dân nuôi tôm ven vịnh Xuân Đài, từ Vũng Sứ, Vũng Chào, Vũng Dông, Vũng Mắm (thuộc xã Xuân Phương) tham gia lễ hội này.
Cũng theo ông Thái, ngày thường tay thúng tay ghe, sống trên lồng bè, nhưng đến ngày lễ, ngư dân mặc quần áo truyền thống đóng vai rước sắc thần trong lễ hội cầu ngư của thôn. Lễ hội cầu ngư gồm hai phần chính: lễ và hội. Phần lễ được tổ chức với các nghi thức truyền thống. Năm nay, sắc thần được bà con rước về nhập lăng Ông (thôn Phú Mỹ) để hành lễ. Trước, trong và sau lễ hội cầu ngư, cờ hoa trang trí rực rỡ...
Dịp xuân Ất Tỵ, tại phường Xuân Phú, UBND TX Sông Cầu tổ chức lễ hội vịnh Xuân Đài với các trò chơi truyền thống, gắn liền với phong tục tập quán của cư dân vùng biển như các hội thi Duyên dáng Xuân Đài, Người đan lưới giỏi và các trò chơi dân gian: Kéo co, đẩy gậy, đua thuyền, bơi thúng chai, bơi lội, leo cột.
Ông Nguyễn Văn Trung, một ngư dân có thâm niên bám biển ở phường Xuân Phú, chia sẻ: Sáng sớm, tôi cùng mấy người trong xóm tranh thủ lắc thúng chai ra giữa vịnh Xuân Đài cho tôm hùm, cá mú ăn rồi về tắm rửa đến tham gia lễ hội vịnh Xuân Đài. Đây là một trong những lễ hội truyền thống được tổ chức thường niên khi tết đến xuân về. Lễ hội này có từ lâu đời, mang đậm nét đẹp văn hóa dân gian, tình làng nghĩa xóm, đồng thời là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa, của ngư dân.
Theo nhiều người dân ở phường Xuân Phú, lễ hội gắn liền với phong tục tập quán của cư dân vùng biển, mong ước cho những mùa biển thuận buồm xuôi gió. Vùng này ngoài nuôi tôm hùm, cá mú, trai tráng có sức thì đi bắt tôm hùm giống, thả lưới mùa cá trích, cá hố... Việc tham gia lễ hội, ngoài tiệc tùng, hát hò thắt chặt tinh thần đoàn kết xóm làng, còn tiếp thêm sức mạnh cho những ngư dân ngày đêm bám biển, nuôi tôm hùm, cá mú.
Theo ông Phan Trần Vạn Huy, Chủ tịch UBND TX Sông Cầu, lễ hội truyền thống vịnh Xuân Đài được tổ chức thường niên mỗi dịp tết đến xuân về. Lễ hội thể hiện sự gắn kết của cộng đồng, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, có tính lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân.
Tất cả nội dung của lễ hội đều hướng đến một năm mưa thuận gió hòa, người dân được an lành, ấm no, hạnh phúc; là cơ hội để kết nối, phát huy giá trị kinh tế biển; cũng là một trong những sản phẩm văn hóa - du lịch độc đáo, mang thương hiệu riêng của TX Sông Cầu, hướng đến mục tiêu quảng bá tiềm năng, thế mạnh và hình ảnh của địa phương đến với du khách trong và ngoài tỉnh.
Sáng sớm, tôi cùng mấy người trong xóm tranh thủ lắc thúng chai ra giữa vịnh Xuân Đài cho tôm hùm, cá mú ăn rồi về tắm rửa đến tham gia lễ hội vịnh Xuân Đài. Đây là một trong những lễ hội truyền thống được tổ chức thường niên khi tết đến xuân về. Lễ hội này có từ lâu đời mang đậm nét đẹp văn hóa dân gian, tình làng nghĩa xóm, đồng thời là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của ngư dân.
Ông Nguyễn Văn Trung ở phường Xuân Phú, TX Sông Cầu