Danh họa Mai Trung Thứ & những cô gái Huế

Trong các năm từ 1930 đến 1937, họa sĩ Mai Trung Thứ được bổ nhiệm dạy vẽ tại trường Quốc Học Huế. Tại đây, tài năng của ông nở rộ. Hàng loạt tác phẩm của ông ra đời mà nhân vật trong tranh ông là những cô gái Huế dịu dàng, những khung cảnh hữu tình của dòng sông Hương, của khu đền đài lăng tẩm. Các tác phẩm sáng tác ở Huế tạo cho ông chỗ đứng vững chắc trong nền hội họa hiện đại Việt Nam.

Thiếu nữ Huế

Thiếu nữ Huế

Những cô gái Huế trong tranh

Hai bức tuyệt tác sơn dầu hiếm hoi vẽ về cô gái Huế là “Chân dung cô Phương” và bức “Người phụ nữ đội nón lá bên sông” cho thấy bút pháp điêu luyện của họa sĩ Mai Trung Thứ. Ở bức “Chân dung cô Phương” (vẽ năm 1930, năm đầu tiên khi đến Huế), họa sĩ Mai Trung Thứ sử dụng gam màu mát dịu, bố cục hình tam giác cân mang đến sự yên bình, tự tại cho khung cảnh và nhân vật. Bức “Người phụ nữ đội nón lá bên sông” được vẽ bằng chất liệu sơn dầu vào năm 1937, năm cuối cùng ông ở Việt Nam. Trong tranh có bóng dáng người phụ nữ Huế mặc áo dài xanh như ngọc bích, gương mặt trái xoan biểu cảm ngọt ngào, đôi mắt to chân thật, lọn tóc rơi trên má đầy gợi cảm mang đến cho người xem cảm giác nhẹ nhàng, rất đỗi bình yên.

Nhà nghiên cứu Nicolas Henni-Trinh Duc nhận xét: "Người phụ nữ đứng bên sông vào lúc giữa trưa, tà áo dài xanh rực rỡ trong ánh mặt trời như thể cô là một nhân vật được tạc từ ngọc bích. Gương mặt cô gieo một điều bí ẩn và được che trong vành nón lá. Hòa sắc và lối miêu tả hình ảnh cô gái một cách ngọt ngào đã mang đến sự thanh bình cho cảnh trí".

Ngoài hai bức tranh trên, Mai Trung Thứ còn vẽ rất nhiều tác phẩm đặc sắc về những cô gái Huế, như “Thiếu nữ chơi đàn Nguyệt”, “Cô gái làm thơ”… Bức “Thiếu nữ Huế” rất đáng được chú ý, với kiểu tóc vấn trần hài hòa với áo dài xanh nền nã, gợi nhớ nét đẹp duyên dáng, gợi cảm, quyến rũ bởi dáng hình mảnh mai thon thả, đặc biệt là đôi mắt buồn vô cớ. Họa sĩ Tô Ngọc Vân đã từng thốt lên: “Bức thiếu nữ ngồi hai mắt ươn ướt như sắp khóc của Mai Thứ đã cuốn hút người xem”.

 Người phụ nữ đội nón lá bên sông Hương

Người phụ nữ đội nón lá bên sông Hương

Trong tranh Mai Trung Thứ, các cô gái thường có vóc dáng mảnh mai, diện áo dài, tóc búi, và đặc biệt đôi mắt mơ mộng, xa xăm lẫn chút u sầu. Họa sĩ Trần Văn Cẩn cho rằng, không ai vẽ mắt đẹp như Mai Trung Thứ, nhất là hình ảnh thiếu nữ có đôi mắt trong như dòng sông Hương nhưng buồn bã, thâm trầm. Đây chính là vẻ đẹp tinh tế, kín đáo với nét trầm lắng của thiếu nữ Huế nơi miền quê thôn Vỹ hay nơi có những khu vườn Kim Long… nền nã, giản dị có sức hút kỳ lạ về vẻ đẹp nội tâm chứ không phải đài các, cành vàng lá ngọc.

Huế một thời qua những gam màu

Mai Trung Thứ có người cha là ông Mai Trung Cát làm quan lớn Triều Nguyễn. Thời thơ ấu, ông có nhiều dịp cùng mẹ theo cha sống ở Huế. Khi trưởng thành, ông là một trong số sinh viên khóa đầu tiên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đến Huế dạy vẽ ở Trường Quốc Học. Cũng như nhiều nghệ sĩ khác, ông bị lôi cuốn không chỉ bởi vẻ đẹp của những thiếu nữ Huế dịu dàng, kín đáo; mà còn không gian Huế với ngọn núi, dòng Hương, những ngôi nhà ẩn kín trong vườn xanh lá, những lăng tẩm trầm mặc, những ngôi chùa cổ kính rêu phong...

Nicolas Henni-Trinh Duc nhấn mạnh: Mai Trung Thứ xuất sắc trong việc tạo cảm giác tự sự cho bức tranh. Qua kỹ năng phối màu, nét vẽ khéo léo, ông khắc họa về cuộc sống Huế hàng ngày thưở xa xưa. Hình ảnh Huế một thời hiện lên qua những bức tranh ông vẽ về một buổi uống trà Huế, thiếu nữ ngồi tựa ghế ôm, phụ nữ qua đò, thiếu nữ Huế cầm sách, bóng những con đò xưa… Bức “Uống trà ở Huế” (1937), ông vẽ ba người đàn ông ngồi uống trà trên manh chiếu dưới gốc cây trong vườn, có đứa con nít ngồi hóng chuyện. Chi tiết để nhận ra nét Huế chính là cái cổng ngõ đơn sơ mà nghiêm ngắn. Hay trong rất nhiều tranh của ông, xuất hiện khá nhiều chiếc gối ôm vuông vắn kiểu hoàng gia Huế.

Trong những năm ở Huế, Mai Trung Thứ bỏ công nghiên cứu và vẽ nhiều về các nhạc công ca Huế, một vài bức sau đó thuộc về sưu tập của vua Bảo Đại và trưng bày ở điện Kiến Trung cùng với tranh của nhiều họa sĩ khác. Những năm từ sau 1930, Mai Trung Thứ đã tham gia triển lãm tranh ở nhiều nước trên thế giới như Ý, Bỉ, Hoa Kỳ… Từ năm 1937, ông sống ở Pháp, tiếp tục cho ra mắt nhiều tác phẩm về đề tài thiếu nữ, trẻ em, làng quê với những mái lá, đền đài gợi nhớ quê hương Việt Nam thanh bình với bao ký ức của một tuổi thơ hồn nhiên, trong trẻo… Ông trở nên một trong “tứ kiệt trời Âu” của nền hội họa Việt Nam: Phổ - Thứ - Lựu - Đàm (Lê Phổ - Mai Trung Thứ - Vũ Cao Đàm - Lê Thị Lựu).

Huế may mắn còn lưu giữ một bức tranh của danh họa Mai Trung Thứ ở Bảo tàng Mỹ thuật Huế. Đó là bức tranh “Cô gái bên lồng chim”, vẽ cô gái khỏa thân đang cho chim ăn, con chim ấy bị nhốt trong lồng. Phía dưới tác phẩm có thêm bút tích: “Thân tặng Cúc Điềm, XII 78 (tháng 12/1978), Mai Trung Thứ”. Ngày còn trẻ, bà Điềm Phùng Thị từng sang pháp và có thời gian học vẽ với danh họa Mai Trung Thứ. Một thời gian sau, danh họa vẽ tác phẩm “Cô gái bên lồng chim” để tặng bà. Bức tranh ấy được bà treo trong không gian phòng riêng của mình một thời gian rất dài. Rồi với những hữu duyên định phận, bức tranh quý hiếm này được lưu giữ lại cho Huế, nơi danh họa Mai Trung Thứ bắt đầu phát tiết tài hoa, nơi tranh ông luôn nhớ về, nơi tranh ông phải thuộc về…

Hạ Nguyên

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/van-hoa-nghe-thuat/danh-hoa-mai-trung-thu-nhung-co-gai-hue-150805.html
Zalo