Ngành nông nghiệp: Thích ứng với yêu cầu mới từ các thị trường

Trước những yêu cầu khắt khe từ thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong năm 2025 toàn ngành sẽ cần phản ứng nhanh hơn trước những quy định mới từ các thị trường.

Yêu cầu ngày càng khắt khe

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) trong tháng 1/2025 đà tăng trưởng của các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp duy trì tương đối tốt. Theo đó, sản xuất lúa đạt 2,5 triệu tấn, tăng 23,8%. Chăn nuôi quy mô đàn lợn trên 31 triệu con, tăng 3,7% và giá tương đối tốt, từ 63.000 - 68.000 đồng/kg thịt lợn hơi. Đàn gia cầm với quy mô 568 triệu con, tăng trưởng 1,7%. Sản lượng gỗ khai thác tăng trên 8%; sản lượng thủy sản tăng 0,7%...Tuy nhiên xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm 2024.

Bưởi Diễn Yên Thủy, Hòa Bình xuất khẩu sang Anh. Ảnh: Anh Dũng

Bưởi Diễn Yên Thủy, Hòa Bình xuất khẩu sang Anh. Ảnh: Anh Dũng

Cụ thể, ước giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 1 đạt 5,08 tỷ USD; giảm 4,9% so với cùng kỳ năm 2024. Với kết quả này Bộ NNPTNT đánh giá mục tiêu xuất khẩu của ngành đạt từ 64 - 65 tỷ USD sẽ có những khó khăn, thách thức. Lý giải nguyên nhân, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết, một số mặt hàng có sản lượng xuất khẩu tăng, nhưng giá giảm; một số sản phẩm vừa giảm về lượng vừa giảm về giá. Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu của một số thị trường cũng giảm.

Đơn cử, giá gạo xuất khẩu bình quân năm 2024 đạt 627 USD/tấn, tăng 9,1% so với năm 2023 nhưng hiện giá gạo chỉ còn khoảng 440 USD/tấn. Rau quả cũng giảm do một số mặt hàng phải tạm dừng xuất khẩu vì thị trường nhập khẩu nông sản, thực phẩm liên tục có những thay đổi quy định về an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật (SPS) với mục tiêu bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và sức khỏe động thực vật.

Tương tự, ngành thủy sản cũng đối diện nhiều thách thức. Các quy định khắt khe về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm... đòi hỏi nhiều doanh nghiệp phải đầu tư cải tiến công nghệ và quy trình sản xuất để đáp ứng yêu cầu.

Ông Ngô Xuân Nam - Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về Vệ sinh Dịch tễ và Kiểm dịch động thực vật (SPS) Việt Nam, cho biết, các cảnh báo từ các thị trường quốc tế gửi về SPS Việt Nam ngày càng nhiều. Riêng thị trường châu Âu (EU), năm 2024 Việt Nam đã nhận 114 cảnh báo.

Bên cạnh đó, nhiều thị trường đã tăng tần suất kiểm tra đối với nông sản đến từ Việt Nam. Đặc biệt, sầu riêng Việt Nam xuất khẩu vào EU sẽ phải chịu tăng tần suất kiểm tra tại biên giới từ 10% lên 20%...

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng

Trước yêu cầu khắt khe từ các thị trường, theo ông Nam, hầu hết doanh nghiệp (DN) xuất khẩu lớn, đặc biệt là các DN FDI đều đã có các bộ phận kỹ thuật rất chuyên nghiệp để nhanh chóng tiếp cận với các thông tin thay đổi thị trường của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, vẫn còn số lượng lớn DN nhỏ chưa tiếp cận tốt và thích ứng chậm nên dẫn đến những hệ lụy về việc buộc dừng xuất khẩu...

Ông Nam cho biết thêm, Văn phòng SPS Việt Nam có trách nhiệm gửi thông tin cảnh báo về kiểm dịch thực vật đến các cục, vụ thuộc Bộ NNPTNT và 63 tỉnh, thành nhưng từ các sở của các tỉnh thành mà đến được với các DN cũng là vấn đề. Chính vì vậy, trong thời gian tới cần sớm khắc phục bất cập này để DN sớm nắm bắt được các quy định, yêu cầu để từ đó thích ứng với yêu cầu từ thị trường.

Ông Nguyễn Quang Hiếu - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) nhận định, sau nhiều năm tăng trưởng mạnh về xuất khẩu nông sản, cũng cho thấy nguy cơ vi phạm quy định đang hiện hữu khi mà các DN đua nhau mở rộng quy mô sản xuất, tăng số lượng sản lượng xuất khẩu song buông lỏng kiểm soát chất lượng. Trong khi chỉ một vài vi phạm nhỏ có thể ảnh hưởng tới cả lô hàng.

Xuất phát từ thực tế trên, để thích ứng với yêu cầu của thị trường, ngành nông nghiệp đang có xu hướng chú trọng tăng cường sức khỏe của ngành; tìm kiếm các giải pháp phát triển bền vững, nâng cao chất lượng. Bộ NNPTNT đã yêu cầu các địa phương tăng cường giám sát vùng trồng và cơ sở đóng gói, đồng thời siết chặt kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng và truy xuất nguồn gốc.

Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan, năm 2025 đang đặt ra cho xuất khẩu nông sản Việt Nam những thách thức chưa từng có. Tuy nhiên, đi kèm với thách thức là những cơ hội to lớn để tái cơ cấu, đổi mới và phát triển mạnh mẽ hơn.

Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT, không gian phát triển của ngành nông nghiệp vẫn rộng mở nếu kết hợp được với những tiến bộ về khoa học, công nghệ của nhân loại. Không gian DN còn rộng mở nếu có sự liên kết rộng mở, thực chất và đổi mới trong tư duy từ đơn giá trị sang đa giá trị. Chính vì vậy, trong năm 2025 toàn ngành sẽ cần phản ứng nhanh hơn với chính sách; mạnh dạn đưa ra những kiến nghị về thay đổi chính sách với mục tiêu lớn nhất là đem lại lợi ích cho người nông dân, phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Khanh Lê

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nganh-nong-nghiep-thich-ung-voi-yeu-cau-moi-tu-cac-thi-truong-10299887.html
Zalo