Ngành Ngân hàng: Nỗ lực cùng nền kinh tế tăng tốc, bứt phá
Tại Hội nghị Thường trực Chính phủ với các NHTM nhằm đẩy nhanh tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và tạo đột phá cho nền kinh tế, đại diện các ngân hàng đã thể hiện quyết tâm đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng tín dụng (TTTD) toàn ngành ở mức khoảng 16%, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đạt ít nhất ở mức 8% trong năm 2025.
![Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu tham dự hội nghị](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_59_51473573/950d0201334fda11835e.jpg)
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu tham dự hội nghị
Cam kết tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ
Để đóng góp vào mục tiêu này, các ngân hàng đều đưa ra những cam kết TTTD mạnh mẽ: Vietcombank đặt mục tiêu TTTD tối thiểu 16%; VietinBank đặt mục tiêu TTTD ở mức 17-18%; TPBank cam kết triển khai TTTD hiệu quả, bền vững, đảm bảo TTTD tối thiểu 16% và có thể vượt mức tăng trưởng năm 2024 (đạt khoảng 20,25%) nếu điều kiện thuận lợi… Đồng thời, cam kết duy trì mặt bằng lãi suất cho vay ở mức thấp, triển khai các gói tín dụng ưu đãi nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và hộ gia đình.
Để thúc đẩy TTTD, các ngân hàng cho biết, đang và sẽ triển khai nhiều giải pháp, trong đó tiếp tục ưu tiên nguồn vốn cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng của nền kinh tế; tập trung cấp tín dụng đầy đủ, kịp thời cho doanh nghiệp, người dân, các ngành kinh tế chủ lực, các dự án xanh; triển khai hiệu quả các gói tín dụng ưu đãi theo định hướng của Chính phủ và NHNN; tiếp tục triển khai các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số; tăng cường năng lực quản trị…
Không chỉ đưa ra giải pháp nội bộ mà các ngân hàng cũng kiến nghị Chính phủ và NHNN có những chính sách hỗ trợ phù hợp để giúp ngành Ngân hàng đạt được mục tiêu. Theo đó, các đề xuất chính sách hướng đến việc tạo môi trường thuận lợi hơn cho ngân hàng, doanh nghiệp và người dân trong tăng cường năng lực cho vay cũng như tiếp cận nguồn vốn để góp phần thúc đẩy đầu tư, sản xuất kinh doanh và tiêu dùng, qua đó vừa kích thích tăng trưởng vừa kiểm soát lạm phát hiệu quả. Đại diện các ngân hàng cũng kiến nghị Chính phủ nhanh chóng phân định các đầu mối với chức năng, nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng tại các bộ, ngành sau khi sắp xếp, tinh giản theo tinh thần Nghị quyết 18 nhằm tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp khi liên hệ công tác, hạn chế khả năng xảy ra tình trạng ùn tắc công việc do chậm xác định được bộ phận/đầu mối xử lý.
Bên cạnh đó, kiến nghị xem xét cơ chế cho phép các NHTM nhà nước được giữ lại lợi nhuận để tăng vốn nhằm mở rộng khả năng cung cấp tín dụng...
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_59_51473573/27b6b1ba80f469aa30e5.jpg)
Tiên phong và điểm tựa cho sự phát triển
Phát biểu tại hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, toàn ngành Ngân hàng quán triệt sâu sắc và ý thức năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 8% trở lên, NHNN sẽ điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, hỗ trợ tín dụng hiệu quả và đảm bảo ổn định vĩ mô. Theo Thống đốc, tín dụng có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng. NHNN định hướng TTTD năm 2025 ở mức khoảng 16% và sẽ điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với diễn biến thực tế.
Một trong những ưu tiên của NHNN là tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ vì đây là khu vực tạo ra nhiều việc làm và đóng góp lớn vào nền kinh tế. Bên cạnh đó, tín dụng tiêu dùng cũng sẽ được khuyến khích, bởi khi tiêu dùng tăng, doanh nghiệp sẽ có động lực mở rộng sản xuất, từ đó tạo ra hiệu ứng lan tỏa đến toàn nền kinh tế. Một điểm nhấn quan trọng khác là tín dụng xanh, bởi từ năm 2026, nhiều thị trường xuất khẩu sẽ áp dụng tiêu chuẩn môi trường chặt chẽ hơn. Do đó, NHNN khuyến khích các NHTM đẩy mạnh cho vay các dự án thân thiện với môi trường, nhằm chuẩn bị tốt nhất cho doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trong xuất khẩu. Nếu không làm tốt điều này, không chỉ tăng trưởng xuất khẩu bị ảnh hưởng mà còn có nguy cơ gia tăng nợ xấu trong hệ thống ngân hàng.
Với tín dụng nhà ở xã hội, thực tế thời gian qua, hệ thống ngân hàng đã rất trách nhiệm với tinh thần nhân văn, hỗ trợ và tự nguyện giảm lãi suất cho vay nhưng trong quá trình triển khai đang gặp nhiều khó khăn. Để tháo gỡ và thúc đẩy tín dụng nhà ở xã hội, NHNN mong muốn Bộ Xây dựng phối hợp địa phương đánh giá tổng thể nhu cầu về nhà ở, trong đó gồm cả nhu cầu sở hữu và thuê mua, để tín dụng ngân hàng đi vào trọng tâm, phù hợp với đặc điểm của từng nhóm đối tượng.
Về lãi suất và tỷ giá, Thống đốc nhận định đây là nhiệm vụ thách thức trong bối cảnh diễn biến thị trường tài chính, thương mại quốc tế có nhiều biến động. Bản thân các NHTM cần có sự rà soát tiết giảm chi phí để cố gắng giảm lãi suất và trong điều hành, NHNN sẽ có các kênh đưa tiền ra để đảm bảo các ngân hàng không phải gặp khó khăn trong nguồn vốn... Về tỷ giá, NHNN theo dõi sát diễn biến thị trường ngoại hối để điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao đóng góp của ngành Ngân hàng trong thời gian qua, đặc biệt là việc duy trì ổn định kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát, điều hành hiệu quả chính sách tiền tệ và tỷ giá trong năm 2024. Các ngân hàng đã tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, giảm lãi suất cho vay, tham gia chuyển giao bắt buộc một số ngân hàng và kiểm soát nợ xấu tốt hơn so với các năm trước.
Khẳng định quyết tâm thực hiện mạnh mẽ các giải pháp để ngành Ngân hàng phát triển vững chắc hơn, góp phần thực hiện các mục tiêu đặt ra thời gian tới, Thủ tướng cho biết năm 2025, phải giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng đặc biệt là mục tiêu tăng trưởng GDP ít nhất từ 8% trở lên.
Nhấn mạnh quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, làm việc nào ra việc đó, làm việc nào dứt việc đó, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, là điểm tựa cho người dân, doanh nghiệp, sự phát triển của đất nước. Cùng với đó, Thủ tướng giao NHNN khẩn trương xây dựng hồ sơ, trình Quốc hội trong kỳ họp tháng 5 tới để luật hóa Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD; đồng thời sửa đổi quy định liên quan tăng vốn cho các NHTM nhà nước để bảo đảm cạnh tranh lành mạnh với các NHTM cổ phần. Giao các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn xử lý các đề xuất, kiến nghị mà đại diện các ngân hàng đã nêu ra với tinh thần “rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ kết quả”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu 8 nhiệm vụ, giải pháp đối với ngành Ngân hàng
Thứ nhất, tiết giảm chi phí, tổ chức lại hoạt động hiệu quả hơn và đặc biệt là hy sinh một phần lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế, người dân, doanh nghiệp.
Thứ hai, tập trung tín dụng, góp phần làm mới 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Theo đó, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư; có các gói tín dụng tiêu dùng, tín dụng cho các ngành mũi nhọn giải quyết nhiều công ăn việc làm, chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế; tín dụng ưu đãi cho các ngành nghề, lĩnh vực, đối tượng ưu tiên; tín dụng cho các dự án BOT, hợp tác công tư; tín dụng tháo gỡ khó khăn các dự án bất động sản…
Thứ ba, NHNN và các NHTM phải tiên phong trong chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; xây dựng cơ sở dữ liệu, triển khai Đề án 06; triển khai Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; có biện pháp thí điểm triển khai và quản lý ngân hàng ảo.
Thứ tư, đẩy mạnh cắt giảm thủ tục hành chính, không gây phiền hà, sách nhiễu; chống tham nhũng, lãng phí trong hoạt động ngân hàng; giảm nợ xấu, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Thứ năm, thực hiện quản trị thông minh, xây dựng ngân hàng thông minh, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của những người làm ngân hàng vì mục tiêu chung là xây dựng đất nước, góp phần chia sẻ những khó khăn với người dân, doanh nghiệp, đồng thời tăng cường hợp tác, chia sẻ và học tập kinh nghiệm quốc tế.
Thứ sáu, các ngân hàng tham gia tích cực, hiệu quả hơn nữa trong triển khai 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, nhân lực, góp ý cho việc xây dựng luật pháp, tập trung huy động nguồn lực phát triển hạ tầng chiến lược, đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước trong kỷ nguyên phát triển mới.
Thứ bảy, NHNN, các NHTM nghiên cứu, tiếp tục có các gói tín dụng ưu đãi cho cả cung và cầu để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người trẻ từ 35 tuổi trở xuống, nhà ở cho những đối tượng khó khăn; tích cực góp phần xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước.
Thứ tám, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan trong hệ thống chính trị trên tinh thần vì sự phát triển chung, hệ thống ngân hàng phát triển lành mạnh, đoàn kết, chung sức đồng lòng, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của các cơ quan và nhiệm vụ của hệ thống ngân hàng.