Ngành hàng cà phê Việt đang phải lướt qua những 'con sóng' lớn?

Việc thị trường giá cà phê bất ngờ lao dốc trong một hai ngày qua từ thị trường toàn cầu được ví như 'sóng lớn' tác động đến ngành hàng cà phê Việt. Để lướt qua những con sóng lớn đang đòi hỏi ngành hàng này cần có những giải pháp chiến lược mang tính bền vững, đổi mới và thích ứng nhằm giảm rủi ro và chống chọi với áp lực trong nước lẫn ngoài nước.

Ghi nhận giá cà phê hôm 3/12 trên các sàn giao dịch quốc tế cho thấy đã lao dốc từ mức cao nhất nhiều thập kỷ với Robusta giảm mạnh 575 USD/tấn xuống chỉ còn 4.834 USD/tấn và Arabica mất 22 UScent/pound. Như tên sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 3/2025 giảm 22 cent/lb, ở mức 296,05 cent/lb, giao tháng 5/2025 giảm 21,25 cent/lb, ở mức 294,25 cent/lb.

Giá cả biến động khó lường

Và theo ví von của giới quan sát, khi giá cà phê trên thế giới rớt giá như “bong bóng vỡ” thì giá trong nước cũng quay đầu giảm mạnh, thậm chí là “rơi tự do”. Đơn cử là giá cà phê tại Tây Nguyên và Đông Nam bộ trong ngày 3/12 ghi nhận ở mức 125.800-126.500 đồng/kg, giảm 4.000-4.300 đồng/kg so với ngày 2/12. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái giá cà phê hiện đã tăng gấp đôi.

Các sản phẩm cà phê đặc sản và cà phê hữu cơ củaViệt Nam đang được chú ý hơn bởi những sản phẩm này ngày càng trở nên phổ biến trên toàn cầu.

Trong khi giá cà phê lao dốc như vậy thì hiện tại ở một số địa phương của Tây Nguyên - được xem là “thủ phủ” cà phê của Việt Nam, đang thu hoạch vụ mới đạt khoảng 20 - 30% do một phần diện tích đã chuyển sang trồng giống chín muộn. Trước đó, với tâm lý không lo giá giảm và không lo thiếu tiền chi phí nên nhiều hộ nông dân đã không vội thu hoạch sớm.

Còn trước khi giá cà phê lao dốc, đối với các DN chế biến cà phê chất lượng cao hay nhắm vào phân khúc cà phê đặc sản, do mức giá cà phê tăng cao từ đầu niên vụ 2024 – 2025 đến tháng 11/2024 đã tạo một áp lực đáng kể cho hoạt động chế biến của họ. Bởi vì giá nguyên liệu đầu vào (cà phê tươi chín 100%) vào khoảng 33.000 – 50.000 đồng/kg (tùy vào vùng nguyên liệu), tăng gần gấp ba lần so với niên vụ năm 2023 - 2024.

Tại Hội nghị Cà phê Quốc tế Châu Á (AICC) lần thứ 27 quy tụ các nhà sản xuất kinh doanh hàng đầu châu Á diễn ra vào ngày 3/12 ở Tp.HCM, bà Judy Ganes, Chủ tịch Công ty tư vấn J Ganes, đã lưu ý vấn đề biến động giá cả cà phê trên thế giới trong bối cảnh hiện nay, cũng như đưa ra các dự báo dài hạn về giá cà phê, tình hình cung cầu, quy mô thị trường và nêu bật các chính sách khuyến nông dành cho người nông dân trồng cà phê.

Những dự báo mới nhất trong niên vụ 2024-2025 cho thấy sản lượng cà phê toàn cầu đạt khoảng 169 triệu bao (thấp hơn so với nhu cầu tiêu thụ 171 triệu bao). Thị trường cà phê toàn cầu trong thời gian tới có thể tiếp tục đối mặt với những biến động khó lường về giá cả. Đáng lưu ý là yếu tố đầu cơ vẫn đóng vai trò chi phối.

Trong khi đó, ở Việt Nam, tình hình sản xuất cà phê cũng không khả quan hơn khi nông dân luôn có tâm lý chờ giá cao mới bán ra. Sản lượng cà phê của Việt Nam dự kiến đạt khoảng 26 đến 27 triệu bao trong niên vụ 2024-2025, trong đó có 24 đến 25 triệu bao robusta.

Nên nhắc thêm, tình hình xuất khẩu (XK) cà phê của Việt Nam trong 11 tháng của năm 2024 đã đạt 1,25 triệu tấn, kim ngạch đạt kỷ lục 4,92 tỷ USD, giảm 8% về khối lượng, nhưng tăng 40,5% giá trị so với cùng kỳ năm trước.

Trong lúc “sóng lớn” từ thị trường toàn cầu tác động ngành cà phê Việt, bàn về giải pháp chiến lược để chống chọi với áp lực trong nước lẫn ngoài nước, Ts. Majo George, chuyên gia Quản trị chuỗi cung ứng và logistics, cho rằng các bên liên quan trong ngành cà phê có thể điều hướng môi trường đầy biến động này và trang bị để thành công lâu dài bằng cách áp dụng các phương pháp tiếp cận chiến lược. Nông dân, doanh nghiệp xuất khẩu và nhà đầu tư phải linh hoạt, chủ động trong chiến lược của mình để phát triển mạnh mẽ trên thị trường cà phê đầy biến động.

Đổi mới và thích ứng để giảm rủi ro

Theo Ts. George, ưu tiên hàng đầu là thúc đẩy các hoạt động và sáng kiến canh tác bền vững. XK cà phê đặc sản và cà phê hữu cơ đang được chú ý hơn bởi các sản phẩm này ngày càng trở nên phổ biến trên toàn cầu. Ngoài ra, việc áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng và quy trình chứng nhận nghiêm ngặt liên quan đến chế biến cà phê là rất quan trọng.

Cũng tại hội nghị AICC lần thứ 27, giới chuyên gia đã nêu bật thách thức của ngành cà phê trước Quy định Ngăn chặn Phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR). Một loạt vấn đề được đặt ra như tương lai ngành cà phê sẽ như thế nào dưới tác động của EUDR? Tác động của EUDR tới thị trường hiện tại và giá cà phê Việt Nam? Khách mua hàng hay nông dân sẽ là người chi trả cho các chi phí phát sinh? Bên cạnh đó, các chủ thể tham gia vào chuỗi giá trị ngành phê rất cần được hướng dẫn cụ thể về cách đáp ứng EUDR.

Bàn thêm về canh tác bền vững tại hội nghị này, ông Nguyễn Văn Thiết, Giám đốc Quốc gia của Văn phòng đại diện Rainforest Alliance tại Việt Nam, đã khuyến khích mô hình trồng cà phê xen canh. Điều này mang lại lợi ích cho thu nhập của người nông dân trồng cà phê từ việc đa dạng hóa cây trồng, sẽ cải thiện dòng tiền trong thời gian ngắn và tạo động lực khi chuyển đổi sang mô hình nông - lâm kết hợp.

Ông Thiết cũng gợi mở vấn đề về thị trường các loại cây trồng xen canh này có mức độ bền vững như thế nào. Rồi tác động của nhu cầu về sầu riêng đến các nông trại cà phê tại Việt Nam trong bối cảnh hiện nay sẽ ra sao? Điều đó đòi hỏi cần giải pháp cân bằng về quy mô giữa nhu cầu sầu riêng và cà phê. Tuy vậy, cần thấy mô hình xen canh mang lại lợi ích cho hệ sinh thái đang phát triển bằng cách bảo vệ các cây trồng lân cận và tăng cường tính bền vững.

Ngoài ra, giới chuyên gia khuyến nghị nên có các chương trình đào tạo cho nông dân về các biện pháp canh tác tốt nhất, cũng như cách quản lý chất lượng và quy trình chứng nhận có thể thôi thúc họ sản xuất cà phê chất lượng cao, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.

Như chia sẻ của Ts.Devmali Perera (Đại học RMIT), các chương trình đào tạo rất cần thiết để trang bị cho nông dân kiến thức và kỹ năng cần có nhằm nâng cao năng suất và chất lượng cây cà phê. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh đầy thách thức của chuỗi cung ứng cà phê Việt Nam, trong đó việc duy trì chất lượng hạt trong quá trình sản xuất là một vấn đề lớn.

Theo ông Perera, chính phủ cũng có thể tìm cách thu hút thêm đầu tư trực tiếp nước ngoài để chuyển giao công nghệ tiên tiến từ các nước khác. Điều này có thể giúp hiện đại hóa quy trình sản xuất, nâng cao hiệu quả và chất lượng tổng thể của cà phê Việt Nam.

“Ngành cà phê Việt phải tiếp tục đổi mới và thích ứng để giảm thiểu rủi ro. Khả năng phục hồi và thích ứng của các nhà sản xuất cà phê Việt Nam, cùng với sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ và các biện pháp đổi mới, sẽ là chìa khóa để vượt qua khó khăn hiện tại và đảm bảo thành công lâu dài trên thị trường cà phê toàn cầu”, vị chuyên gia của RMIT nói.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/nganh-hang-ca-phe-viet-dang-phai-luot-qua-nhung-con-song-lon-1103964.html
Zalo