Ngành gỗ Đông Nam bộ: Linh hoạt ứng phó thuế đối ứng từ Mỹ

Mỹ đang tạm hoãn áp thuế đối ứng và Chính phủ cũng đang thúc đẩy các cuộc đàm phán. Tuy nhiên, cộng đồng các doanh nghiệp ngành gỗ khu vực Đông Nam bộ đã chủ động kế hoạch ứng phó linh hoạt, có chiến lược sản xuất, chuyển hướng thị trường phù hợp để hạn chế ảnh hưởng bởi thị trường xuất khẩu chủ lực là Mỹ.

Tác động nặng nề

Năm 2025, ngành gỗ và lâm sản cả nước được giao kế hoạch xuất khẩu đạt trên 18 tỷ USD, cao hơn gần 2 tỷ USD so với mức 16,25 tỷ USD năm 2024. Riêng ngành gỗ tỉnh Bình Dương đóng góp khoảng 50% vào kim ngạch xuất khẩu gỗ, nhưng đang đứng trước nhiều thách thức lớn.

Cụ thể, chỉ 3 ngày sau khi Mỹ thông báo áp thuế đối ứng (từ ngày 5-4 đến 8-4), Bình Dương ghi nhận 44 tờ khai xuất khẩu trị giá hơn 708 triệu USD bị hủy, 273 đơn hàng bị khách hàng Mỹ hủy hoặc tạm dừng, trong đó có nhiều đơn hàng ngành gỗ.

 Công nhân Công ty nội thất gỗ Mê Kông (TP Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) trong dây chuyền sản xuất. Ảnh: XUÂN TRUNG

Công nhân Công ty nội thất gỗ Mê Kông (TP Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) trong dây chuyền sản xuất. Ảnh: XUÂN TRUNG

Theo Hiệp hội Gỗ Bình Dương (BIFA), năm 2024, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang thị trường Mỹ đạt 9,1 tỷ USD, trong đó Bình Dương chiếm tỷ trọng lớn. Tuy nhiên, trước việc Mỹ công bố thuế đối ứng đã ảnh hưởng sâu rộng và gần như ngay lập tức đến tâm lý chủ doanh nghiệp và sau đó là quá trình sản xuất, thị trường, mức độ cạnh tranh…, làm đảo lộn hầu hết kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch BIFA, nhận định: Bình Dương hiện xuất khẩu sang thị trường Mỹ hơn 6 tỷ USD mỗi năm, dự tính mức thuế cao nhất ngành gỗ có thể chịu đựng là 10%, và nếu vượt ngưỡng này, sức cạnh tranh sẽ suy giảm từ 30%-40%.

Tại Đồng Nai, các doanh nghiệp gỗ lo ngại mức thuế mà Mỹ công bố 49% sẽ làm giảm sức cạnh tranh, đội chi phí, khiến đơn hàng từ Mỹ sụt giảm. Để ứng phó, nhiều doanh nghiệp đang tối ưu quy trình, tìm nguyên liệu thay thế, chuyển đổi sang mô hình sản xuất thông minh, đầu tư công nghệ và phát triển sản phẩm gỗ tái tạo nhằm giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ.

Nỗ lực đàm phán với đối tác

Trong bối cảnh Mỹ áp mức thuế đối ứng đối với hàng hóa của nhiều nước, Việt Nam đã có nhiều phản ứng kịp thời, linh hoạt và có hiệu quả. Trong thời gian tạm hoãn áp thuế đối ứng 90 ngày và áp dụng mức thuế 10%, Chính phủ đang tích cực thúc đẩy các cuộc đàm phán.

Ông Điền Quang Hiệp, Giám đốc Công ty gỗ Minh Phát (TP Thuận An, tỉnh Bình Dương), chia sẻ: Cộng đồng doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp gỗ nói riêng đang chờ đợi và kỳ vọng vào kết quả tốt đẹp từ các cuộc đàm phán cấp cao của Chính phủ để ít nhất kéo giãn thời gian áp dụng, kéo giảm mức thuế, giúp doanh nghiệp có thêm thời gian ứng phó, xoay chuyển tình thế.

“Đối với mỗi doanh nghiệp, khi đón nhận thông tin về chính sách mới liên quan đều phải có giải pháp trước mắt và lâu dài để duy trì sản xuất, tăng sức cạnh tranh. Riêng Công ty Minh Phát đã dự phòng tất cả tình huống và có ứng biến phù hợp”, ông Hiệp cho biết.

Trong khi đó, theo lãnh đạo Công ty CP Lâm Việt (TP Tân Uyên, tỉnh Bình Dương), hiện thị trường Mỹ chiếm 50% doanh thu và đã nhận đơn hàng đến tháng 9-2025. Trong thời gian tới, công ty nỗ lực đàm phán với khách hàng, đối tác để đi đến thống nhất cùng chia sẻ rủi ro.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Bùi Minh Trí cho biết, bài toán lớn hiện nay là cán cân thương mại, khi Việt Nam chủ yếu nhập khẩu từ Mỹ các sản phẩm công nghệ cao, thì lại xuất khẩu sang thị trường này các mặt hàng sử dụng nhiều lao động.

Trước tình hình trên, lãnh đạo tỉnh Bình Dương đề nghị các doanh nghiệp chủ động giữ ổn định lực lượng lao động, kịp thời phản ánh khó khăn đến tỉnh để các tổ công tác phản ứng nhanh từ các sở, ban, ngành có thể hỗ trợ. Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh cho biết sẽ kiến nghị tạm giảm các hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp từ nay đến hết tháng 6 nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định sản xuất.

Mặc dù Mỹ không phải là thị trường xuất khẩu chủ lực của tỉnh, nhưng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn đang lên phương án làm việc với các cơ quan liên quan để tìm giải pháp tối ưu cho các doanh nghiệp có hợp đồng xuất khẩu sang thị trường này.

Các doanh nghiệp như China Steel & Nippon Steel Việt Nam cũng đã bắt đầu chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường mới như Mexico, Ấn Độ, Đông Nam Á. Một số ngành hàng khác như giày da, thủy sản cũng lựa chọn giải pháp tương tự; riêng các doanh nghiệp thủ công nhỏ lẻ thì thu hẹp sản xuất, chờ đàm phán thuế.

XUÂN TRUNG - NÔNG NGÂN - HOÀNG BẮC

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nganh-go-dong-nam-bo-linh-hoat-ung-pho-thue-doi-ung-tu-my-post796128.html
Zalo