Khó đủ đường

Vụ nuôi tôm đầu năm 2025 tiếp tục là vụ nuôi đầy khó khăn, thách thức và nếu để 'chỉ mặt đặt tên' những khó khăn, thách thức đó là gì thì người nuôi tôm sẽ không ngần ngại nói ngay: 'Thời tiết và dịch bệnh'. Điều này được thể hiện qua lượng con giống cung ứng ra thị trường cao, nhưng lượng thức ăn thì không tương ứng và nguồn cung tôm nguyên liệu đến thời điểm này cũng rất hạn chế.

Trung tuần tháng 5, trên khắp các vùng nuôi tôm ở đồng bằng sông Cửu Long không khí vụ nuôi vẫn khá trầm lắng, dù giá tôm vẫn đang chễm chệ ở mức cao và độ mặn tại các vùng nuôi đều đã đạt ngưỡng cho phép. Tình hình thu hoạch tôm cũng không mấy khả quan hơn, khiến nguồn cung tôm nguyên liệu không đủ đáp ứng nhu cầu chế biến của doanh nghiệp. Cơ hội vàng để người nuôi tôm có thể làm giàu từ việc giá tôm cao cứ chầm chậm trôi qua trong sự tiếc nuối pha lẫn đôi chút thấp thỏm lo âu của người nuôi tôm ở vụ tôm nước lợ năm 2025 này.

Tuy vụ nuôi đang gặp khó, nhưng người nuôi tôm vẫn có niềm tin khả năng giá tôm vẫn sẽ ở mức chấp nhận được.

Tuy vụ nuôi đang gặp khó, nhưng người nuôi tôm vẫn có niềm tin khả năng giá tôm vẫn sẽ ở mức chấp nhận được.

Theo quy luật, từ tháng 5 đến hết tháng 8 hằng năm là thời điểm nguồn cung tôm nguyên liệu khá dồi dào, giá tôm sẽ bớt căng thẳng so với những tháng đầu và cuối năm. Tuy nhiên, điều đó đã không lặp lại trong vụ tôm nước lợ năm 2025 này, khi hiện tại đã vào trung tuần tháng 5, nhưng nguồn cung tôm nguyên liệu vẫn còn thấp, giá tôm vẫn duy trì ở mức cao. Nguyên nhân chủ yếu là do tác động bất lợi từ thời tiết và dịch bệnh khiến tỷ lệ nuôi thành công không như mong đợi. Theo dự báo của ngành Nông nghiệp và Môi trường các tỉnh nuôi tôm vùng đồng bằng sông Cửu Long, những diện tích thả nuôi từ cuối năm 2024 đến tháng 2/2025 gặp phải bất lợi về chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm cao làm tôm chậm lớn, dễ mắc bệnh, còn những diện tích thả nuôi từ tháng 2 đến nay gặp phải nắng nóng gay gắt xen kẽ là những trận mưa trái mùa khá lớn, làm môi trường biến động mạnh, tôm bị stress, nhiều dịch bệnh nguy hiểm có dịp bùng phát gây thiệt hại tôm nuôi.

Trong khi người nuôi đang gồng mình tìm đủ mọi cách vượt qua dịch bệnh để có tôm thu hoạch, thì nỗi lo mới mang tên “thuế đối ứng” lại xuất hiện vào những ngày đầu tháng 4. Ngay sau khi mức thuế trên được công bố, giá tôm một số kích cỡ lập tức giảm mạnh, thậm chí có loại giảm trên 20.000 đồng/kg, khiến người nuôi càng thêm lo. Rất may, việc hoãn thực hiện mức thuế trên cũng đến liền ngay sau đó, cộng thêm nhu cầu tiêu thụ tôm trong nước tăng, nên giá tôm đã phục hồi trở lại cho đến tận tháng 5 này. Con tôm đang "cõng" trên lưng nhiều loại thuế, nhưng suy cho cùng, chỉ có 2 nhóm đối tượng chính gánh gần như toàn bộ các loại thuế này, đó là: người nuôi tôm và người tiêu dùng. Thuế đối ứng tại thị trường Mỹ lần này cũng không là ngoại lệ và đó cũng chính là nỗi lo của tất cả các bên trong chuỗi giá trị con tôm, đặc biệt là người nuôi tôm - mắt xích đầu tiên nhưng yếu thế nhất là dễ bị tổn thương nhất.

Câu chuyện thuế đối ứng lan rất nhanh từ doanh nghiệp xuất khẩu đến người nuôi tôm, nên dù giá tôm lúc này vẫn còn ở mức khá cao, nhưng người nuôi vẫn chưa dám thả hết diện tích vì có quá nhiều rủi ro, từ dịch bệnh cho đến thời tiết… Lo lắng về thuế đối ứng, nhưng người nuôi tôm nhìn chung vẫn bình tĩnh, thường xuyên cập nhật thông tin thị trường để chủ động hơn trong sản xuất và luôn kỳ vọng, sau đàm phán, mức thuế dành cho con tôm Việt Nam sẽ giảm mạnh. Cũng chính nhờ cập nhật thông tin thường xuyên nên người nuôi tôm có thêm chút tự tin trong việc thả nuôi, bởi họ biết rằng, hiện hầu hết các nhà máy đều thiếu tôm, nên giá tôm tới đây chắc cũng không đến nỗi nào. Mặt khác, theo chia sẻ của nhiều nông dân, lo thì họ đã lo nhiều rồi, nhưng nuôi thì vẫn phải nuôi, bởi nếu không nuôi thì lấy gì mà sống. Do đó, thay vì ngồi đó lo lắng, rầu rĩ hay than vãn, người nuôi tôm vẫn chủ động thả nuôi một phần diện tích, hoặc thả thưa lại bán tôm ôxy tiêu thụ nội địa cũng có nguồn thu phục vụ sinh kế.

Để hạn chế tôm nuôi bị thiệt hại, từ đầu vụ, ngành chuyên môn đã khuyến cáo người nuôi thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh như: không thả mật độ dày trong cao điểm nắng nóng; cần xử lý triệt để mầm bệnh trong ao trước khi thả nuôi đợt mới; tăng cường bố trí thêm dàn quạt nước, sục khí thường xuyên để cung cấp đủ ôxy cho tôm nuôi; sử dụng thêm các chế phẩm sinh học, khoáng chất, vi sinh đường ruột, vitamin C để tăng cường sức đề kháng cho tôm và giúp ổn định môi trường ao nuôi. Ngoài ra, ngành chuyên môn còn tăng cường các cuộc hội nghị chuyên đề tại các vùng nuôi tôm trọng điểm, kịp thời thông tin về môi trường nước, thời tiết và dịch bệnh cùng những khuyến cáo về giải pháp kỹ thuật để đảm bảo diện tích nuôi phát triển tốt và hạn chế thiệt hại do dịch bệnh.

TÍCH CHU

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/kinh-te/202505/kho-du-duong-2b43147/
Zalo