Làm chủ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp

Sản xuất theo hướng nông nghiệp xanh, không chỉ đem lại năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh tế cao, còn giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, góp phần tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân huyện Mai Sơn.

Nông dân xã Mường Bon, huyện Mai Sơn ứng dụng điều khiển tưới nước tiết kiệm bằng điện thoại thông minh.

Nông dân xã Mường Bon, huyện Mai Sơn ứng dụng điều khiển tưới nước tiết kiệm bằng điện thoại thông minh.

HTX Nông nghiệp Tiên Sơn, bản Mai Tiên, xã Mường Bon, có 21 thành viên đã liên kết trồng gần 7 ha rau màu, sản lượng trên 600 tấn/năm. Ông Phạm Văn Đấu, Phó Giám đốc HTX, cho biết: Trồng rau theo quy trình VietGAP, thành viên tuân thủ nghiêm yêu cầu kỹ thuật đối với giống, nguồn nước, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, phân bón hữu cơ, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”, nên sản phẩm đảm bảo đầu ra ổn định, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Thu nhập của các thành viên đạt 300-400 triệu đồng/năm.

Cây na là cây chủ lực của huyện Mai Sơn với 890 ha, trong đó, gần 335 ha sản xuất theo công nghệ cao, tập trung ở các xã: Cò Nòi, Nà Bó, Mường Bon và thị trấn Hát Lót, sản lượng khoảng trên 12.000 tấn quả/năm, phục vụ thị trường trong nước, xuất khẩu.

Tại xã Cò Nòi, diện tích trồng na lớn nhất huyện với 762 ha, trong đó, gần 300 ha trồng theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, năng suất đạt 20 tấn quả/ha. Ông Nguyễn Anh Thu, Chủ tịch UBND xã Cò Nòi, cho biết: Xã tập trung tuyên truyền, vận động người dân thay đổi tập quán canh tác, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, khuyến khích phát triển các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. Phối hợp với cơ quan chuyên môn, rà soát diện tích đất, quy hoạch, hình thành các vùng trồng quy mô lớn, chất lượng cao.

Nông dân xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn thực hiện kỹ thuật bao quả na.

Nông dân xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn thực hiện kỹ thuật bao quả na.

Trước xu hướng thị trường, nhu cầu của người tiêu dùng về sản phẩm nông sản sạch, huyện Mai Sơn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng vùng tập trung chuyên canh, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thực hành nông nghiệp tốt, tạo sản phẩm an toàn. Nông dân huyện Mai Sơn còn thay đổi phương thức canh tác đối với cây cà phê theo hướng ứng dụng khoa học, kỹ thuật áp dụng vào sản xuất để cây cà phê mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong tổng số diện tích 9.169 ha cây cà phê, có 1.143 ha cà phê ứng dụng công nghệ cao, với trên 1.600 hộ tham gia, tập trung tại 18 bản của các xã Chiềng Ban, Chiềng Chung, Chiềng Dong…

Ông Nguyễn Khắc Hào, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Mai Sơn, cho biết: Huyện chỉ đạo các xã vận động nhân dân phối hợp với các doanh nghiệp, HTX liên doanh liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo hướng nông nghiệp xanh, không gây ô nhiễm môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị cà phê trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Trong vùng sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao, đang có 876 hộ gia đình, cá nhân liên kết sản xuất 671,4 ha cà phê với Công ty cổ phần Phúc Sinh Sơn La; 679 hộ gia đình, cá nhân liên kết sản xuất 368,1 ha cà phê với Công ty cổ phần chế biến cà phê Sơn La.

Mai Sơn có 11.500 ha cây ăn quả; trong đó, 1.143 ha được cấp chứng nhận VietGAP, 5.400 ha cây ăn quả thực hiện theo mô hình ứng dụng công nghệ cao, 2.700 ha sản xuất theo hướng hữu cơ. Toàn huyện duy trì 46 mã số vùng trồng, với trên 1.217 ha; 5 cơ sở đóng gói; 4 vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao, tổng diện tích trên 1.773 ha, với 2.333 hộ tham gia.

Nông dân xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, chia sẻ kỹ thuật chăm sóc cây bí đao.

Nông dân xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, chia sẻ kỹ thuật chăm sóc cây bí đao.

Các HTX đóng vai trò làm đầu mối chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các thành viên, tổ chức sản xuất nông nghiệp xanh theo chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, giải quyết tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao cuộc sống hội viên. Năm 2024, các doanh nghiệp, HTX đã tiêu thụ trong nước hơn 80.000 tấn quả tươi các loại, giá trị ước đạt trên 1.000 tỷ đồng; xuất khẩu hơn 15.000 tấn quả thanh long, chanh leo, xoài,... sang thị trường Ấn Độ, Trung Quốc và các nước châu Âu, tổng giá trị gần 100 tỷ đồng.

Bà Cầm Thị Khay, Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn, cho biết: Hầu hết các loại cây trồng chủ lực của huyện được trồng quy mô tập trung theo vùng phù hợp với đất đai, khí hậu, đem lại năng suất, chất lượng phục vụ thị trường trong nước và chế biến, xuất khẩu. Toàn huyện có 20 sản phẩm OCOP, trong đó, 10 sản phẩm OCOP 4 sao, 10 sản phẩm OCOP 3 sao.

Thời gian tới, huyện Mai Sơn tiếp tục tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ nông dân áp dụng các tiến bộ khoa học vào đầu tư thâm canh; khuyến khích phát triển các chuỗi liên kết, hình thành các vùng nguyên liệu tập trung có diện tích phù hợp, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, tăng giá trị sản xuất trên diện tích canh tác, đảm bảo năng suất, chất lượng cạnh tranh trên thị trường, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững.

Sự thay đổi về tư duy trong sản xuất, nông dân huyện Mai Sơn đang làm chủ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, tiếp tục khai thác tiềm năng, lợi thế, phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, đem lại những sản phẩm nông sản an toàn, chất lượng cao.

Bài, ảnh: Minh Tuấn

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/nong-nghiep/lam-chu-khoa-hoc-ky-thuat-trong-san-xuat-nong-nghiep-NRlF3laNg.html
Zalo