Thu nhập bền vững từ sản phẩm OCOP

Triển khai chương trình OCOP, đến nay, tỉnh Sơn La xây dựng 204 sản phẩm. Những sản phẩm mang lại nguồn lợi về kinh tế, thu nhập bền vững cho người dân. Đồng thời, góp phần chuyển dịch nền sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, trở thành nguồn nội lực quan trọng trong phong trào xây dựng nông thôn mới.

Sản phẩm OCOP của HTX Aratay Coffee được công nhận sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2024.

Sản phẩm OCOP của HTX Aratay Coffee được công nhận sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2024.

Ông Dương Gia Định, Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh, cho biết: Trên cơ sở nghiên cứu, học tập kinh nghiệm thực hiện chương trình OCOP tại các địa phương trên toàn quốc, tỉnh ta đã triển khai, bám sát tiêu chí “Kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Việc phát triển sản xuất, tạo việc làm cho lao động nông thôn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương.

Sau hơn 6 năm triển khai, toàn tỉnh có 204 sản phẩm OCOP, gồm 1 sản phẩm 5 sao, 62 sản phẩm 4 sao, 141 sản phẩm 3 sao. Từ năm 2023, việc đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP được thực hiện từ cấp xã, thay cho cấp huyện trước đây; sản phẩm 3 sao do cấp huyện công nhận thay vì tỉnh, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, tạo điều kiện cho địa phương chủ động lựa chọn sản phẩm tiêu biểu.

Sản phẩm mận Ruby của HTX Nông sản bản địa Noọng Piêu, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, áp dụng trình sản xuất VietGAP, hữu cơ từ năm 2019. Đến nay, sản phẩm nhận được sự đánh giá cao về chất lượng của các đối tác và khách hàng. HTX đã xây dựng sản phẩm OCOP gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Gian trưng bày sản phẩm OCOP của huyện Sông Mã.

Gian trưng bày sản phẩm OCOP của huyện Sông Mã.

Bà Nguyễn Phương Thanh, Phó Giám đốc HTX, cho biết: Năm 2023, sản phẩm mận được công nhận đạt OCOP 4 sao. Hiện nay, HTX có 30,5 ha mận được cấp mã số vùng trồng, trong đó, 12 ha đang sản xuất theo hướng hữu cơ. Chứng nhận sản phẩm OCOP không chỉ là danh hiệu cho chất lượng sản phẩm, còn là tấm vé thông hành đưa sản phẩm của HTX có mặt tại những siêu thị lớn trong nước.

HTX Dịch vụ nông nghiệp Làng Chếu, xã Làng Chếu, huyện Bắc Yên, xác định OCOP là chương trình phát triển sản phẩm đặc trưng địa phương từ nguyên liệu và lao động tại chỗ. Tận dụng lợi thế có vùng nguyên liệu dong riềng, HTX chọn phát triển miến dong. Ông Sồng A Mang, Giám đốc HTX, cho biết: Tham gia OCOP, HTX được hỗ trợ cải tiến bao bì, quảng bá sản phẩm qua các hội chợ, tuần hàng thương mại. Sau hơn 2 năm đạt chuẩn OCOP, 2 sản phẩm miến dong tươi và khô đã mở rộng quy mô sản xuất, tăng sức tiêu thụ, giá trị sản phẩm tăng khoảng 20%. Năm 2024, doanh thu HTX đạt trên 800 triệu đồng.

Quảng bá các sản phẩm OCOP, tỉnh đã hỗ trợ xây dựng 12 điểm giới thiệu các sản phẩm OCOP tại các huyện, thị xã, thành phố và đưa các sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử. Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh phối hợp với Ban Xây dựng nông thôn mới các tỉnh Quảng Ninh, Đà Nẵng ký kết biên bản ghi nhớ, thiết lập mối quan hệ hợp tác, thống nhất phát huy thế mạnh, nhằm tuyên truyền, quảng bá kết nối tiêu thụ các sản phẩm OCOP đến với thị trường...

Sản phẩm miến dong của HTX Dịch vụ nông nghiệp Làng Chếu được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

Sản phẩm miến dong của HTX Dịch vụ nông nghiệp Làng Chếu được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

Đồng thời, tăng cường các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm ra phạm vi ngoài tỉnh; hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX tham gia các hội chợ, tuần hàng tại các tỉnh, thành phố, tăng cơ hội giao dịch trực tiếp với các doanh nghiệp. Qua đó, nhiều sản phẩm được hỗ trợ, thúc đẩy liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh ký kết các hợp đồng tiêu thụ.

Chị Cầm Thị Mòn, Giám đốc HTX Aratay Coffee, xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn, chia sẻ: Năm 2022, HTX đưa thương hiệu Ara Tay Coffee tham gia chương trình OCOP, đưa các sản phẩm cà phê lên sàn thương mại điện tử, như Portmart, Shopee... để quảng bá sản phẩm của HTX với tiêu chí sạch, chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn của khách hàng. Vì vậy, việc tiêu thụ sản phẩm của HTX khá thuận lợi, ngày một mở rộng.

Chương trình OCOP đang khai thác tiềm năng, thế mạnh địa phương, thúc đẩy xây dựng thương hiệu, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tạo động lực phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.

Bài, ảnh: Nguyễn Yến

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/kinh-te/thu-nhap-ben-vung-tu-san-pham-ocop-bl64qlaNR.html
Zalo