Ngành Công Thương: Tạo đột phá thể chế thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ

Chương trình hành động của ngành Công Thương đề ra nhiệm vụ xây dựng giải pháp đột phá về thể chế, cơ chế chính sách ưu đãi để làm chủ công nghệ mới, tiên tiến.

Khẩn trương, quyết liệt hoàn thiện thể chế

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa ký Quyết định số 337/QĐ-BCT về việc ban hành Chương trình hành động của ngành Công Thương thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 8/1/2025 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2025.

Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ ngành Công Thương

Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ ngành Công Thương

Chương trình hành động của ngành Công Thương đề ra 7 nhiệm vụ và giải pháp cụ thể. Một trong 7 nhiệm vụ, giải pháp đó là tháo gỡ các điểm nghẽn, xây dựng giải pháp đột phá về thể chế, cơ chế chính sách ưu đãi để thu hút, chuyển giao, làm chủ công nghệ cao, công nghệ mới, tiên tiến trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đã ban hành Quyết định số 116/QĐ-BCT về Kế hoạch hành động của Bộ Công Thương thực hiện Nghị quyết số 03/NQ-CP ngày 9/1/2025 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Trong đó, nhấn mạnh việc xóa bỏ mọi tư tưởng, quan niệm, rào cản đang cản trở sự phát triển; đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Quyết định số 116/QĐ-BCT nêu rõ, Vụ Khoa học và Công nghệ là đầu mối tổng hợp, tham mưu: Báo cáo lãnh đạo Bộ có ý kiến về nội dung của Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo và các luật có liên quan trong dự án xây dựng Luật để: Tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thuận lợi thúc đẩy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong công tác quản lý nhà nước.

Đồng thời, tập trung nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước, thu hút đầu tư ngoài ngân sách cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; chấp nhận rủi ro, đầu tư mạo hiểm và độ trễ trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo; giao quyền tự chủ trong sử dụng kinh phí nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ; chính sách bảo hộ sở hữu trí tuệ gắn với cơ chế chia sẻ lợi ích từ kết quả nghiên cứu, ứng dụng;

Kiện toàn Hội đồng Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo của Bộ; hoàn thiện Quy chế hoạt động của Hội đồng và đơn vị giúp việc của Hội đồng; tiếp tục rà soát, hoàn thiện để trình Lãnh đạo Bộ ban hành Quy chế quản lý hoạt động khoa học và công nghệ của Bộ Công Thương.

Phối hợp với Văn phòng Bộ rà soát, tổ chức hướng dẫn áp dụng hồ sơ, thủ tục quản lý sử dụng và thanh quyết toán đối với hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và chuyển đổi số.

Xây dựng và đề xuất lãnh đạo Bộ cơ cấu nguồn ngân sách chi sự nghiệp khoa học và công nghệ bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải; tập trung vào nghiên cứu phục vụ quản lý nhà nước của Bộ và phát triển và ứng dụng công nghệ trong các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên; phát triển các công nghệ lõi, công nghệ chiến lược.

Đánh giá tình hình hoạt động của các Viện trực thuộc Bộ; xây dựng và đề xuất lộ trình phát triển, phương án sắp xếp các Viện giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050; hướng dẫn các Viện xây dựng, triển khai Kế hoạch phát triển các Viện giai đoạn 2026 - 2030, trong đó, tập trung triển khai các nhiệm vụ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số gắn với các ngành, lĩnh vực ưu tiên, chiến lược của Bộ; đồng thời tổ chức, sắp xếp các Viện theo hướng tinh gọn, hiệu quả.

Vụ Kế hoạch - Tài chính là đầu mối tổng hợp, tham mưu đối với việc xây dựng, ban hành cơ chế đặc thù về đầu tư, đầu tư công, mua sắm công các sản phẩm là kết quả của nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, sản phẩm, dịch vụ số để đẩy nhanh chuyển đổi số quốc gia.

Hướng dẫn, tổ chức đánh giá hiệu quả tổng thể doanh nghiệp nhà nước thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và đổi mới doanh nghiệp; quy định về phân cấp, giao quyền tự chủ cho các tổ chức khoa học công nghệ, cơ sở giáo dục đại học công lập trong sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam theo hướng.

Chủ động nghiên cứu và sớm có hướng dẫn về trình tự, thủ tục xây dựng, phê duyệt chi sự nghiệp khoa học và công nghệ cho các nhiệm vụ về: Duy trì, bảo dưỡng hệ thống thông tin khoa học và công nghệ, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ hoạt động V; nâng cấp, cải tạo, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình; mua sắm tài sản, trang thiết bị đối với các tổ chức khoa học và công nghệ… theo quy định về cơ chế tài chính và đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Hướng dẫn các Viện về thực hiện cơ chế tự chủ tài chính; sử dụng tài sản hữu hình và trí tuệ để liên kết, hợp tác khoa học và công nghệ với các tổ chức, doanh nghiệp.

Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số chủ trì phối hợp với các đơn vị chuyên ngành: Rà soát, báo cáo Lãnh đạo Bộ để đề xuất cấp có thẩm quyền Đề án cơ chế thí điểm để doanh nghiệp thử nghiệm công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới có sự giám sát của Nhà nước trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương.

Rà soát, đề xuất hoàn thiện hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động số hóa và chuyển đổi số cho doanh nghiệp, đặc biệt là thương mại điện tử xuyên biên giới; nghiên cứu, thí điểm các sáng kiến về chuyển đối số hoạt động kết nỗi chuỗi giá trị toàn cầu, các hoạt động thương mại xuyên biên giới không giấy tờ, thanh toán điện tử, giao dịch điện tử…trên các nền tảng số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Tổng hợp, tham mưu để báo cáo Lãnh đạo Bộ có ý kiến đối với việc bổ sung các chính sách tháo gỡ điểm nghẽn và hoàn thiện Luật Công nghiệp công nghệ số trình Quốc hội ban hành.

Vụ Tổ chức Cán bộ đầu mối, phối hợp với các đơn vị trong Bộ: Chỉ đạo, hướng dẫn các trường đại học thuộc Bộ thực hiện đánh giá hoạt động của các trường, công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong các trường giai đoạn 2021 - 2025 và xây dựng và triển khai các kế hoạch, chương trình nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ, chuyển đổi số giai đoạn 2026 - 2030, trong đó gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo; xây dựng các chỉ tiêu cụ thể để đo lường, đánh giá kết quả thực hiện.

Chủ động phối hợp với các đơn vị trong Bộ, các Trường đại học rà soát, đánh giá để phối hợp, có ý kiến đối với phương án giao Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý trực tiếp các cơ sở giáo dục đại học đa ngành, đa lĩnh vực khi có yêu cầu.

Vụ Pháp chế đầu mối, phối hợp với các đơn vị trong Bộ rà soát các quy định pháp luật chuyên ngành để đảm bảo sự thống nhất, tháo gỡ kịp thời các điểm nghẽn phục vụ hoạt động phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; đề xuất việc hoàn thiện quy định pháp luật để đảm bảo hành lang pháp lý cho hoạt động của mọi ngành, lĩnh vực trên môi trường số.

Tạo môi trường thuận lợi cho nghiên cứu, sáng tạo

Thực tiễn thời gian qua, đối với ngành Công Thương, việc cụ thể hóa, thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về khoa học và công nghệ đã được triển khai một cách tích cực và toàn diện.

Hoạt động ứng dụng khoa học và công nghệ trong ngành Điện lực

Hoạt động ứng dụng khoa học và công nghệ trong ngành Điện lực

Các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được triển khai thực hiện đồng bộ: Từ hoàn thiện cơ chế chính sách, tái cơ cấu các tổ chức khoa học và công nghệ, tăng cường đầu tư cho khoa học và công nghệ, chú trọng phát triển nguồn nhân lực, hợp tác quốc tế và truyền thông. Đây là những định hướng hết sức quan trọng để các đơn vị trong ngành Công Thương bám sát các giải pháp, nhiệm vụ trong quá trình triển khai hoạt động khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng, đổi mới công nghệ trong ngành Công Thương đã có những bước điều chỉnh nhanh chóng về định hướng cũng như cách thức tổ chức thực hiện, gắn với nhu cầu của doanh nghiệp; hướng tới tiếp thu và làm chủ các công nghệ tiên tiến của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Công tác quản lý nhà nước về hoạt động khoa học và công nghệ được đổi mới, hoàn thiện theo hướng thực chất, hiệu quả; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình tổ chức, giám sát thực hiện; tạo môi trường thuận lợi và cạnh tranh lành mạnh trong nghiên cứu, sáng tạo. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về khoa học và công nghệ ngành Công Thương thường xuyên được rà soát, sửa đổi, bổ sung để phù hợp hơn với yêu cầu thực tiễn trong tình hình mới.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương tiếp tục rà soát, sắp xếp lại hệ thống các tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc Bộ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, gắn với yêu cầu phát triển ngành và doanh nghiệp; khuyến khích các đơn vị thành lập doanh nghiệp khoa học và công nghệ trực thuộc; tạo cơ chế chủ động tìm kiếm thị trường, thực hiện nhiều hợp đồng nghiên cứu, dịch vụ tư vấn cho doanh nghiệp trong ngành, qua đó tăng cường tính gắn kết giữa tổ chức khoa học và công nghệ và doanh nghiệp.

Với phương châm “Khoa học và công nghệ phải gắn với thực tiễn, xuất phát từ nhu cầu của thực tiễn và quay trở lại giải quyết hiệu quả các vấn đề của thực tiễn, trên nền tảng khoa học và công nghệ hiện đại”, các nhiệm vụ khoa học và công nghệ do Bộ Công Thương quản lý và tổ chức thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, định hướng rõ ràng, đóng vai trò là đòn bẩy quan trọng khuyến khích hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tại các doanh nghiệp.

Các nghiên cứu tập trung vào hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ, quản trị sản xuất, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp; phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị để tạo ra sản phẩm, hàng hóa mang nhãn hiệu Việt Nam, có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao trên thị trường, nâng cao năng suất, chất lượng.

Nhờ đó, đã thúc đẩy sự tham gia mạnh mẽ, có hiệu quả của khối doanh nghiệp, được minh chứng thông qua tỷ lệ nguồn vốn đối ứng của các đơn vị tham gia nhiệm vụ khoa học và công nghệ, đặc biệt là từ các doanh nghiệp được ứng dụng, chuyển giao công nghệ ngày càng tăng. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đã thành lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ để đẩy mạnh các hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ thông qua đầu tư chiều sâu, tăng cường trang thiết bị và đào tạo nguồn nhân lực khoa học và công nghệ.

Ông Lý Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) cho biết, trong thời gian qua, các kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã được ứng dụng trong nhiều ngành, lĩnh vực của Bộ Công Thương, mang lại hiệu quả tích cực cho các doanh nghiệp.

Đơn cử, trong lĩnh vực thăm dò, khai thác và chế biến dầu khí, nhiều công nghệ mới, tiên tiến nhất trong lĩnh vực dầu khí của thế giới đã được áp dụng, đem lại sự phát triển mạnh mẽ cho ngành. Không những ứng dụng và làm chủ được công nghệ hiện đại trên thế giới, cùng với các đơn vị nghiên cứu, tư vấn có năng lực trong nước, nhiều doanh nghiệp dầu khí Việt Nam đã nghiên cứu, chế tạo và triển khai thành công những công trình mang lại hiệu quả kinh tế và ý nghĩa mang tầm khu vực và thế giới.

Trong lĩnh vực năng lượng điện, các doanh nghiệp đã đặc biệt chú trọng đổi mới công nghệ, thiết bị thông qua nhập khẩu, làm chủ công nghệ mới, tiên tiến của nước ngoài để phục vụ phát triển nguồn điện, lưới điện, hệ thống điều khiển - điều độ - thông tin - viễn thông điện lực trong nước. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã hoàn thành việc triển khai nhiều chương trình/dự án đầu tư, ứng dụng đổi mới công nghệ hiện đại, giúp việc vận hành hệ thống điện của Việt Nam tiếp cận trình độ các nước tiên tiến trên thế giới…

Hay trong lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản, việc nghiên cứu, đầu tư đổi mới công nghệ đã góp phần tăng sản lượng than toàn ngành bình quân 9,4%/năm; đặc biệt, tỷ lệ khai thác bằng cơ giới tăng vượt bậc, từ 3,3% năm 2010 lên 13,1% năm 2018. Trong khai thác hầm lò, mức độ cơ giới hóa và hiện đại hóa được nâng cao thông qua việc ứng dụng các công nghệ mới: Sử dụng vì chống tiên tiến giá khung, giá xích, giàn chống tự hành; khấu than bằng máy khấu, máy bào; đào lò bằng máy khoan tự hành kết hợp với xúc bốc, máy đào lò liên hợp, các loại vì neo bê tông cốt thép, bê tông phun, neo chất dẻo, neo cáp trong đào và chống giữ đường lò...

Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, ông Lý Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) khẳng định, về mặt cơ chế, chính sách, trong thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục tăng cường tham gia, phối hợp hiệu quả với các bộ, ngành liên quan để sửa đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật về khoa học công nghệ và các luật liên quan phù hợp với những yêu cầu mới đặt ra theo hướng trao quyền tự chủ cho tổ chức, cá nhân chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ nhằm giải phóng tiềm năng, phát huy tính chủ động, sáng tạo trong nghiên cứu, đi đôi với cơ chế đánh giá độc lập và giám sát xã hội, công khai kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ...; tạo dựng khuôn khổ pháp lý triển khai các cơ chế thí điểm, thử nghiệm và đặc thù đối với các sản phẩm, công nghệ, mô hình kinh doanh mới dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nganh-cong-thuong-tao-dot-pha-the-che-thuc-day-phat-trien-khoa-hoc-cong-nghe-372956.html
Zalo