Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp gia nhập hoặc rút khỏi thị trường

Các quy định về gia nhập thị trường là một trong những điểm sáng của pháp luật về doanh nghiệp trong thời gian qua. Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng các đề xuất sửa đổi Luật Doanh nghiệp vẫn bảo đảm tinh thần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp gia nhập hoặc rút lui khỏi thị trường.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý Dự thảo Hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra một số góp ý.

Theo VCCI, về cơ bản, các đề xuất liên quan đến chính sách “hoàn thiện khung khổ thể chế gia nhập thị trường và rút khỏi kinh doanh của doanh nghiệp” là phù hợp. Tuy vậy, VCCI cho rằng vẫn cần cân nhắc, xem xét thêm một số vấn đề.

Liên quan tới bổ sung quy định về việc người ủy quyền thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp, dự thảo đề xuất bổ sung quy định về việc người ủy quyền thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp có nghĩa vụ thực hiện xác thực điện tử với cơ quan đăng ký kinh doanh để xác nhận việc ủy quyền thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp.

"Đề xuất này đang không rõ thủ tục này là gì? Có phải là thủ tục “xác thực điện tử” quy định tại Điều 3 Nghị định 69/2024/NĐ-CP? Dự thảo cũng đề xuất hợp nhất tài khoản định danh của cá nhân (Vneid) với tài khoản đăng ký kinh doanh để ký số và nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh. Nếu đã có bước hợp nhất này thì cần thủ tục “xác thực điện tử” có cần thiết không? Đề nghị giải trình rõ hơn về thủ tục này, và cân nhắc theo hướng bỏ đề xuất này để tạo thuận lợi cho thủ tục đăng ký doanh nghiệp", VCCI nêu.

Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng các đề xuất sửa đổi Luật Doanh nghiệp vẫn bảo đảm tinh thần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp gia nhập hoặc rút lui khỏi thị trường.

Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng các đề xuất sửa đổi Luật Doanh nghiệp vẫn bảo đảm tinh thần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp gia nhập hoặc rút lui khỏi thị trường.

Dự thảo đề xuất bổ sung quy định “doanh nghiệp phải công khai trực tuyến thông tin tình trạng hoạt động trên hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp định kỳ vào ngày cuối cùng quý II, quý IV hàng năm”. Đây là quy định mới, bổ sung thêm nghĩa vụ của doanh nghiệp trong việc công khai thông tin. Tuy nhiên, quy định này đang không rõ thông tin doanh nghiệp cần công khai là gì?

Trong khi đó, theo các quy định hiện hành, thông tin về tình trạng hoạt động của doanh nghiệp cơ bản đã được công khai. Do vậy, đề nghị xem xét không bổ sung quy định về công khai thông tin trên để giảm về thủ tục cũng như chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.

Về chia sẻ thông tin giữa các hệ thống dữ liệu thông tin của cơ quan quản lý nhà nước, dự thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định để làm rõ hơn việc kết nối, chia sẻ thông tin của cơ quan chủ quản cơ sở dữ liệu quốc gia và cơ sở dữ liệu chuyên ngành với cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Theo VCCI, đề xuất này là hợp lý, tuy nhiên mới chỉ là một chiều từ cơ quan quản lý chuyên ngành đến cơ quan đăng ký kinh doanh mà chưa có chiều ngược lại, cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp chia sẻ cho các cơ quan quản lý chuyên ngành.

Hiện nay, các thủ tục cấp phép kinh doanh không còn yêu cầu giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cơ quan cấp phép sẽ tra cứu trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp để lấy thông tin. Vì vậy, việc chia sẻ, kết nối thông tin cần từ hai phía.

Từ phân tích này, VCCI đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định rõ hơn về việc kết nối, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan chủ quản của cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành và cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Về việc cấm thành lập doanh nghiệp có thời hạn, dự thảo đề xuất bổ sung quy định về việc cấm thành lập doanh nghiệp có thời hạn với một số đối tượng vi phạm pháp luật về thuế theo hướng: người thành lập hoặc người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp bị cơ quan thuế thông báo không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký thì phải hoàn thành nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp bị cơ quan thuế thông báo không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký trước khi tham gia thành lập hoặc làm người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp mới.

Theo quy định tại khoản 25 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020, “người thành lập doanh nghiệp là cá nhân, tổ chức thành lập hoặc góp vốn để thành lập doanh nghiệp”. Quy định này đang chưa rõ các chủ thể này có bao gồm các thành viên/cổ đông đang sở hữu phần vốn góp/cổ phần trong các doanh nghiệp hay không? Nếu các thành viên hoặc cổ đông sở hữu phần vốn góp/cổ phần được xem là “người thành lập doanh nghiệp” thì phạm vi áp dụng của quy định này quá rộng và bất khả thi, nhất là áp dụng cho công ty đại chúng.

Nếu người thành lập doanh nghiệp là các cổ đông sáng lập, trong trường hợp, sau ba năm đã chuyển nhượng cổ phần cho chủ thể khác, không còn là cổ đông trong công ty cổ phần, nếu chịu sự ràng buộc bởi quy định này là chưa hợp lý.

Việc cấm một số chủ thể thành lập doanh nghiệp là quy định tác động lớn đến gia nhập thị trường của các chủ thể kinh doanh. Do đó, đề nghị rà soát, cân nhắc kỹ càng và thận trọng, tránh đi ngược lại tinh thần khuyến khích khởi nghiệp kinh doanh thông qua việc thành lập doanh nghiệp.

Ngoài ra, VCCI đề nghị cần đánh giá tác động một cách kỹ càng về quản lý đăng ký kinh doanh bởi điều này sẽ tác động lớn đối với việc gia nhập thị trường của doanh nghiệp. Đề nghị bỏ quy định tại điểm e khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp “Trường hợp Cơ quan đăng ký kinh doanh có yêu cầu, người đăng ký thành lập doanh nghiệp phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh”....

Minh Thu

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/chinh-sach/tao-thuan-loi-cho-doanh-nghiep-gia-nhap-hoac-rut-khoi-thi-truong/20250210091821152
Zalo