Ngành bán dẫn 'nín thở' khi Mỹ xem xét lại Đạo luật CHIPS và Khoa học
Chính quyền mới đang xem xét lại những dự án đã được phê duyệt theo đạo luật được thông qua hồi năm 2022.
![Nhà Trắng tại thủ đô Washington, DC, Mỹ. Ảnh: AFP/ TTXVN](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_324_51475498/528fac709e3e77602e2f.jpg)
Nhà Trắng tại thủ đô Washington, DC, Mỹ. Ảnh: AFP/ TTXVN
Hai nguồn thạo tin mới đây tiết lộ Nhà Trắng đang tìm cách đàm phán lại các khoản tài trợ theo Đạo luật CHIPS và Khoa học của Mỹ, đồng thời phát tín hiệu về sự chậm trễ đối với một số khoản giải ngân cho ngành bán dẫn sắp tới.
Các nguồn tin này, cùng với một nguồn tin thứ ba cho biết chính quyền mới đang xem xét lại những dự án đã được phê duyệt theo đạo luật được thông qua hồi năm 2022. Đạo luật vốn được thiết kế để thúc đẩy sản lượng chất bán dẫn nội địa của Mỹ với khoản trợ cấp trị giá 39 tỷ USD.
Theo các nguồn tin, Washington có kế hoạch đàm phán lại một số thỏa thuận sau khi đánh giá và thay đổi những yêu cầu hiện tại. Phạm vi của những thay đổi tiềm năng và tác động của chúng đến các thỏa thuận đã được hoàn tất vẫn chưa rõ ràng. Hiện chưa rõ liệu đã có bất kỳ hành động nào được thực hiện hay chưa.
Bốn nguồn tin nắm rõ các cuộc thảo luận cho hay Nhà Trắng lo ngại về nhiều điều khoản làm cơ sở cho khoản trợ cấp theo Đạo luật CHIPS và Khoa học. Chúng bao gồm các điều khoản bổ sung như yêu cầu do chính quyền của Tổng thống Joe Biden đưa vào hợp đồng - chẳng hạn như bên nhận tài trợ phải sử dụng lao động tham gia công đoàn để xây dựng nhà máy, hoặc cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ em với giá cả phải chăng cho công nhân nhà máy.
Một trong những nguồn tin cho biết Nhà Trắng tỏ ra thất vọng trước các công ty đã chấp nhận trợ cấp theo Đạo luật CHIPS và Khoa học rồi sau đó công bố kế hoạch mở rộng đáng kể ra nước ngoài, bao gồm cả ở Trung Quốc. Đạo luật hiện hành vẫn cho phép một số khoản đầu tư vào Trung Quốc.
Ví dụ, Intel đã công bố khoản đầu tư 300 triệu USD vào một cơ sở lắp ráp và thử nghiệm của Trung Quốc vào tháng 10/2024, sau khi cho biết vào tháng Ba cùng năm rằng họ đã giành được một khoản hỗ trợ lớn theo Đạo luật CHIPS.
Nhiều công ty nhận tài trợ lớn từ Đạo luật CHIPS - bao gồm Intel, TSMC, Samsung Electronics và SK Hynix - đều có các cơ sở sản xuất lớn ở Trung Quốc.
Intel tiết lộ họ đã nhận được hai khoản tài trợ tổng cộng 2,2 tỷ USD từ Đạo luật CHIPS, nhưng từ chối bình luận thêm.
Một phát ngôn viên của TSMC cho biết công ty đã nhận được 1,5 tỷ USD tiền hỗ trợ theo các điều khoản về cột mốc của thỏa thuận trước khi chính quyền mới nhậm chức. Công ty từ chối bình luận về bất kỳ thay đổi nào có thể xảy ra đối với thỏa thuận của họ dưới thời Tổng thống Trump, nhưng cho biết công ty vẫn tiếp tục hợp tác với Văn phòng Chương trình CHIPS.
Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Mỹ (SIA) đã bắt đầu khảo sát các thành viên cách cải thiện chương trình tài trợ của chính phủ.
Ông David Isaacs, Phó chủ tịch phụ trách các vấn đề chính phủ của SIA, cho biết điều quan trọng là những ưu đãi sản xuất và chương trình nghiên cứu được tiến hành mà không bị gián đoạn. SIA sẵn sàng làm việc với các thành viên trong chính quyền Tổng thống Trump để hợp lý hóa những yêu cầu của chương trình, nhằm đạt được mục tiêu chung là tăng cường vị thế dẫn đầu của Mỹ trong công nghệ chip.