Ngăn chặn thực phẩm 'bẩn' trong tháng cao điểm

Chỉ trong thời gian ngắn, lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện và ngăn chặn kịp thời hàng tấn thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn TP đang tìm cách tuồn ra thị trường.

Liên tiếp phát hiện thực phẩm không rõ xuất xứ

Theo lực lượng chức năng, trong thời gian qua, hoạt động vận chuyển, kinh doanh thực phẩm "bẩn" không rõ nguồn gốc không chỉ phức tạp ở các tỉnh biên giới mà còn xuất hiện ở các địa phương sâu trong nội địa như Thái Nguyên, Hà Nội… Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP Hà Nội cho biết, mới đây, Đội QTT số 17, Chi cục QLTT TP Hà Nội phối hợp với Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an TP Hà Nội kiểm tra Hộ kinh doanh Tuấn Tâm tại địa chỉ số 2 ngách 19, ngõ 328 đường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm phát hiện và tạm giữ trên 800kg xúc xích, lạp xưởng, chả cá, chả mực…. do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp. Lô hàng có tổng trị giá niêm yết trên 54 triệu đồng.

Đặc biệt, ngày 21/4, Đội 7, Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội QLTT số 17 bất ngờ khám xét một kho lạnh chứa khoảng 20 tấn thịt gà đông lạnh, thịt gà ủ muối và nội tạng gia cầm. Số hàng trên được chủ cơ sở mua trôi nổi trên thị trường, đều không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.

Lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện và ngăn chặn kịp thời nhiều vụ thực phẩm “bẩn”.

Lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện và ngăn chặn kịp thời nhiều vụ thực phẩm “bẩn”.

Tại Nghệ An, trong hai ngày liên tiếp 21 và 22/4, Đội QLTT số 3, Chi cục QLTT Nghệ An kiểm tra đột xuất, phát hiện 2 vụ việc trên địa bàn về an toàn thực phẩm, tiêu hủy gần 1 tấn thực phẩm bao gồm các loại như giò me, thịt gà đông lạnh… không rõ nguồn gốc xuất xứ với tổng thu phạt gần 60 triệu đồng. Ngày 23/4, Đoàn kiểm tra của Đội QLTT số 2 thuộc Chi cục QLTT tỉnh Thái Nguyên tiến hành kiểm tra đột xuất một cơ sở kinh doanh online tại tổ 3, phường Hoàng Văn Thụ, TP Thái Nguyên và phát hiện, thu giữ hơn 600 sản phẩm thực phẩm bao gói sẵn không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện nhiều đơn hàng đã được đóng gói hoàn chỉnh, ghi đầy đủ thông tin người nhận, sẵn sàng để vận chuyển đến tay người tiêu dùng. Các sản phẩm vi phạm bao gồm 14 mặt hàng khác nhau, với tổng số lượng hơn 600 sản phẩm. Đáng chú ý, nhiều sản phẩm được quảng cáo là có lợi cho sức khỏe như bột hạt sen, bột quả bơ, bột diếp cá sấy lạnh, bột cần tây, bột tía tô, viên tam thất mật ong, viên trái nhàu, viên hà thủ ô mật ong rừng, cùng sản phẩm giải độc gan thuốc nam Dao Đỏ. Qua kiểm tra, toàn bộ số hàng hóa trên đều không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp. Ước tính tổng trị giá lô hàng vi phạm gần 25 triệu đồng.

Trước đó, ngày 19/4, Đội QLTT số 6, Chi cục QLTT tỉnh Lạng Sơn phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Lạng Sơn phát hiện, tạm giữ 1.380kg chân gà không rõ nguồn gốc xuất xứ. Ước tính trị giá hàng hóa là hơn 40.000.000 đồng. Hay, ngày 10/4, Đội QLTT số 6 đã phối hợp kiểm tra xe ôtô mang biển kiểm soát 12A- 005. 09 do ông N.V.T (địa chỉ huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn) là người điều khiển. Kết quả khám phương tiện đã phát hiện 4.100 đơn vị sản phẩm là xúc xích các loại, trên bao bì hàng hóa có in tiếng nước ngoài.

Qua các vụ việc phát hiện và ngăn chặn kịp thời gần đây cho thấy, cần phải gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc trên môi trường mạng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho người sử dụng.

Tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm

Triển khai "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm" năm 2025 (từ ngày 15/4 đến 15/5), lực lượng QLTT nhiều địa phương đang quyết liệt ra quân kiểm tra, kiểm soát hoạt động vận chuyển, kinh doanh, ngăn thực phẩm "bẩn" tuồn ra ngoài thị trường. Theo Chi Cục QLTT tỉnh An Giang, Chi cục phối hợp với các ngành chức năng trên địa bàn quản lý tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm cũng như tiến hành kiểm tra, đánh giá việc triển khai cao điểm.

Theo đó, đoàn kiểm tra liên ngành sẽ kiểm tra có trọng tâm trọng điểm 2 tuyến: Tuyến huyện sẽ kiểm tra các cơ sở thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý được phân công theo Luật An toàn thực phẩm và tuyến xã sẽ kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thức ăn đường phố trên địa bàn. Thông qua đợt kiểm tra để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những bất cập, yếu kém trong công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm, đồng thời đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.

Để nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát tình hình thị trường trong tháng cao điểm, theo Chi cục trưởng Chi cục QLTT Lạng Sơn Đặng Văn Ngọc, Chi cục đã chủ động triển khai các biện pháp nghiệp vụ, tổ chức kiểm tra đột xuất theo quy trình của cơ quan QLTT, trong đó chú trọng các điểm kinh doanh nguy cơ mất an toàn thực phẩm, ảnh hưởng hậu quả lớn nếu xảy ra ngộ độc thực phẩm, nơi phục vụ người tiêu dùng là tầng lớp yếu thế (như các nhà hàng lớn, điểm phân phối hàng hóa, kinh doanh thực phẩm tại khu vực gần cổng trường học, khu vực bệnh viện...)…

Nhằm tăng cường trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc quản lý, giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả, đặc biệt là sản phẩm sữa, thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Phó trưởng Ban chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.

Nêu cao vai trò của chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và sự giám sát của người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về an toàn thực phẩm đối với các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Kịp thời thông tin các chuỗi cung cấp nông sản thực phẩm an toàn, chất lượng cao cũng như các cơ sở vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, an toàn thực phẩm.

Triển khai Tháng Hành động vì an toàn thực phẩm năm 2025, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm giao các Bộ: Y tế, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Công Thương phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thành lập 5 đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra tại 10 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội; Bắc Giang; Điện Biên; Lai Châu; Quảng Bình; Quảng Trị; Ninh Thuận; Bình Thuận; TP Hồ Chí Minh; Bình Phước.

Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm yêu cầu các đoàn kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vấn đề tồn tại trong quản lý, những vi phạm về bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm. Trong quá trình kiểm tra kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức, pháp luật về an toàn thực phẩm, nâng cao nhận thức và ý thức của cộng đồng trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.

Lưu Hiệp

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doi-song/ngan-chan-thuc-pham-ban-trong-thang-cao-diem-i766567/
Zalo