Từ hiểm họa sữa giả, thuốc giả: Nên hiểu đúng về thực phẩm chức năng

Sau khi cơ quan chức năng liên tục phát hiện những đường dây sản xuất thực phẩm chức năng giả, thuốc giả, sữa giả... rồi việc một số bác sĩ kê thêm vào đơn thuốc các loại thực phẩm chức năng không cần thiết cho bệnh nhân, người tiêu dùng dần trở nên thận trọng, thậm chí có người quay lưng với loại sản phẩm này. Trên thực tế, thực phẩm chức năng vẫn có tác dụng tốt đối với sức khỏe nếu được dùng đúng cách, hợp lý và sản phẩm đạt chất lượng tiêu chuẩn.

Nhân viên một cửa hàng thuốc tư vấn về thực phẩm chức năng cho người mua. (Ảnh: Thúy Quỳnh)

Nhân viên một cửa hàng thuốc tư vấn về thực phẩm chức năng cho người mua. (Ảnh: Thúy Quỳnh)

Mất lòng tin, thực phẩm chức năng đang giảm sức mua

Vụ việc các sản phẩm chăm sóc sức khỏe bị làm giả thời gian qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của người tiêu dùng, nhất là đối với thực phẩm chức năng. Ngoài việc bác sĩ kê thêm vào đơn thuốc khi không thật sự cần thiết thì vấn đề các bác sĩ có danh tiếng nhận lời quảng cáo, thổi phồng công dụng của thực phẩm chức năng cũng đang dần đánh mất lòng tin của người tiêu dùng.

Chị Minh Hà, chủ hàng thuốc trên đường Bạch Đằng, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết, thời gian gần đây, lượng khách mua thực phẩm chức năng đã giảm đi đáng kể. Một số khách quen mặc dù đã dùng thực phẩm chức năng từ lâu, nhưng nay cũng từ bỏ. Sau hàng loạt vụ việc quảng cáo sai sự thật, họ không còn tin tưởng vào các sản phẩm bổ trợ sức khỏe. Ghi nhận tại nhiều cửa hàng thuốc tây khác, việc buôn bán thực phẩm chức năng cũng trong tình trạng tương tự.

Nhiều loại thực phẩm chức năng bị sụt giảm sức mua. (Ảnh: Thúy Quỳnh)

Nhiều loại thực phẩm chức năng bị sụt giảm sức mua. (Ảnh: Thúy Quỳnh)

Bà Phạm Thị Minh Khoa ở quận Hoàn Kiếm (TP Hà Nội), một bệnh nhân bị viêm phế quản, sau khi thăm khám tại khoa khám bệnh của một bệnh viện lớn, đã mang đơn thuốc bác sĩ kê đi mua tại cửa hàng thuốc. Bà hỏi người bán về các loại thuốc được kê trong đơn và kiên quyết không mua nếu có thực phẩm chức năng. Mặc dù được nhân viên cửa hàng trả lời là chỉ có thuốc trị bệnh đặc hiệu, không có thực phẩm chức năng, nhưng bà vẫn rất thận trọng soi xét kỹ.

Một doanh nghiệp chuyên sản xuất thực phẩm chức năng lâu năm ở huyện Chương Mỹ (Hà Nội) cho biết, mặc dù sản phẩm của họ được đầu tư, sản xuất chất lượng, ít nhiều cũng tạo được uy tín với người tiêu dùng, nhưng với việc liên tục phát hiện hàng giả, hàng kém chất lượng ngoài thị trường cùng vấn đề quảng cáo thổi phồng công dụng thời gian gần đây đã khiến việc kinh doanh thực phẩm chức năng trở nên rất khó khăn, sức mua sụt giảm.

Trước tình trạng một số bác sĩ, dược sĩ và nhân viên y tế tham gia quảng cáo thực phẩm gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng, Bộ Y tế đã ban hành Công văn số 2310/BYT-ATTP ngày 17/4, khẳng định rõ hành vi này là vi phạm pháp luật và yêu cầu các đơn vị trực thuộc khẩn trương chấn chỉnh, xử lý nghiêm theo thẩm quyền.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đã có động thái cứng rắn khi yêu cầu các cơ sở y tế rà soát, kiểm tra, nghiêm cấm việc bác sĩ kê đơn, tư vấn và bán thực phẩm chức năng trong bệnh viện.

Cần hiểu đúng về thực phẩm chức năng

Việc người tiêu dùng mất lòng tin với thực phẩm chức năng ở thời điểm hiện tại cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, cũng cần có cái nhìn khách quan, đa chiều. Trên thực tế, thực phẩm chức năng là sản phẩm chăm sóc sức khỏe khá tốt nếu được dùng đúng mục đích, dùng sản phẩm chất lượng, không phải hàng giả.

Nếu hoàn toàn quay lưng, nói không với thực phẩm chức năng cũng chưa hẳn là điều tốt. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, thực phẩm chức năng có vai trò hỗ trợ điều trị, tăng cường sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật và là một phần trong xu hướng y học dự phòng. Nếu được kiểm soát đúng, thực phẩm chức năng sẽ là trợ thủ đắc lực cho việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Nhưng, nếu thả nổi, đây sẽ là "con dao hai lưỡi".

Nhiều bác sĩ, chuyên gia y tế cũng nhận định, không thể phủ nhận công dụng, lợi ích của thực phẩm chức năng. Với một số bệnh thì việc kết hợp thuốc điều trị và thực phẩm chức năng sẽ mang lại hiệu quả điều trị khá cao cho bệnh nhân. Tuy nhiên, vấn đề là sản phẩm này phải được dùng đúng lúc, đúng bệnh và thật sự cần thiết với bệnh nhân. Người dùng phải hiểu rõ về công dụng từng loại, sử dụng phù hợp với sức khỏe thì mới mang lại lợi ích.

Vấn đề kiểm soát hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng sẽ phải còn phụ thuộc nhiều vào các cơ quan chức năng, nhưng người tiêu dùng cũng cần khách quan, thông thái trong việc lựa chọn sản phẩm phù hợp cho bản thân.

THÚY QUỲNH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tu-hiem-hoa-sua-gia-thuoc-gia-nen-hieu-dung-ve-thuc-pham-chuc-nang-post875656.html
Zalo