Thái Nguyên: Quyết liệt đấu tranh phòng, chống thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả

Những ngày gần đây, dư luận nóng lên bởi nhiều vụ sản xuất, tiêu thụ sữa, thuốc chữa bệnh và thực phẩm bảo vệ sức khỏe bị làm giả. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng và làm xói mòn niềm tin của người tiêu dùng. Trước thực trạng trên, tỉnh Thái Nguyên đã tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống sản xuất, buôn bán hàng giả là sữa, thuốc chữa bệnh và thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên toàn địa bàn.

Đoàn kiểm tra công tác đảm bảo an toàn thực phẩm của Sở Y tế Thái Nguyên kiểm tra tại dây chuyền sản xuất sản phẩm dưới dạng thực phẩm bổ sung - thức uống dinh dưỡng pha sẵn của Công ty CP Morinaga Nutritional Foods Việt Nam (TP. Phổ Yên). Ảnh: T.L

Đoàn kiểm tra công tác đảm bảo an toàn thực phẩm của Sở Y tế Thái Nguyên kiểm tra tại dây chuyền sản xuất sản phẩm dưới dạng thực phẩm bổ sung - thức uống dinh dưỡng pha sẵn của Công ty CP Morinaga Nutritional Foods Việt Nam (TP. Phổ Yên). Ảnh: T.L

Theo đánh giá của cơ quan Quản lý thị trường - Bộ Công Thương, tình trạng vi phạm hàng giả, hàng kém chất lượng đối với sữa, thuốc chữa bệnh và thực phẩm bảo vệ sức khỏe không phải chỉ nóng lên những ngày qua mà đã âm ỉ từ nhiều năm nay.

Minh chứng rõ nét nhất là trong năm 2024, lực lượng chức năng trên cả nước đã phát hiện và xử lý tới trên 6.000 vụ vi phạm liên quan đến sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, mỹ phẩm và sữa giả, tăng 15% so với năm 2023. Trong đó, riêng các mặt hàng thực phẩm bảo vệ sức khỏe chiếm tới 38% tổng số vụ vi phạm.

Còn tại Thái Nguyên, năm 2024, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh cũng đã kiểm tra hơn 350 cơ sở kinh doanh dược phẩm và thực phẩm chức năng, xử lý 58 vụ vi phạm, thu giữ gần 4.200 đơn vị sản phẩm không rõ nguồn gốc, kém chất lượng. Đấy là chưa kể, nhiều vụ việc liên quan đến kinh doanh thuốc không có giấy đăng ký lưu hành, sữa bột trẻ em giả thương hiệu trên địa bàn đã bị xử lý.

Có thể lấy một vài ví dụ mới xảy ra trong quý 1 năm nay. Tại TP. Phổ Yên, lực lượng chức năng phát hiện và xử lý một cơ sở kinh doanh thuốc tây bán hơn 500 hộp thực phẩm chức năng giả mạo nhãn hiệu nước ngoài. Sản phẩm được quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội, nhưng không hề có giấy chứng nhận lưu hành hay chứng từ hợp lệ.

Tại TP. Thái Nguyên, lực lượng quản lý thị trường đã tịch thu gần 200 lon sữa bột trẻ em giả thương hiệu nổi tiếng, được bán qua các gian hàng không chính thức trên nền tảng thương mại điện tử.

Những con số này chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Với tốc độ phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử, nếu không có biện pháp kiểm soát kịp thời, hậu quả sẽ rất khó lường. Các chuyên gia chia sẻ, sản phẩm giả, kém chất lượng thường được trà trộn vào các kênh phân phối nhỏ lẻ, trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, gây khó khăn cho công tác kiểm soát và tiềm ẩn rủi ro lớn đối với sức khỏe người tiêu dùng. Điều đáng lo ngại là người tiêu dùng, vì thiếu thông tin, dễ dàng mua phải sản phẩm giả mà không biết.

Nhằm kịp thời ngăn chặn, xử lý tình trạng này, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã đưa ra nhiều nhiệm vụ, yêu cầu các ngành, địa phương chú trọng triển khai. Ngành Y tế phối hợp chặt chẽ với các ngành Công Thương, Công an và UBND các huyện, thành phố tổ chức rà soát, thanh tra chuyên ngành đối với các sản phẩm sữa, thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe lưu thông trên thị trường. Đồng thời mở đợt cao điểm kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng này, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định.

Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh tăng cường công tác quản lý địa bàn, giám sát chặt chẽ hoạt động thương mại điện tử, phối hợp với các cơ quan chức năng kịp thời phát hiện và xử lý tổ chức, cá nhân lợi dụng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả.

Công an tỉnh được giao chủ động nắm tình hình, phối hợp tổ chức các đợt kiểm tra liên ngành, tập trung vào các điểm nóng về sản xuất, buôn bán sữa giả, thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương khác đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của việc sử dụng sản phẩm giả, không rõ nguồn gốc; khuyến khích thói quen sử dụng thuốc theo đơn, mua sắm qua các kênh uy tín. Kiểm tra thường xuyên và đột xuất các cơ sở kinh doanh tại địa phương, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, thu hồi sản phẩm giả đã phát hiện.

Ngoài ra, tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đưa mã QR truy xuất nguồn gốc, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đồng bộ về sản phẩm lưu hành, kết nối trực tiếp với các sàn thương mại điện tử chính thống.

Tăng cường hậu kiểm, không chỉ kiểm soát tại đầu vào, mà cần đẩy mạnh kiểm tra đột xuất, lấy mẫu ngẫu nhiên sản phẩm đang lưu thông, đặc biệt là tại các chợ dân sinh, nhà thuốc nhỏ lẻ...

Hình thành các tổ công tác liên ngành giữa Y tế, Công Thương, Công an, cơ quan truyền thông để chia sẻ thông tin, tổ chức kiểm tra đồng bộ, xử lý dứt điểm các đường dây buôn bán hàng giả. Thông qua truyền thông, giáo dục cộng đồng để mỗi người dân, mỗi hộ kinh doanh trở thành một “mắt xích” trong mạng lưới phòng, chống hàng giả.

Như vậy có thể thấy, Thái Nguyên, với tinh thần chủ động, đã và đang triển khai quyết liệt chỉ đạo của Chính phủ, thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người dân. Đây không chỉ là cuộc chiến với hàng giả, mà còn là bước đi cần thiết để xây dựng một thị trường lành mạnh, phát triển bền vững trong thời kỳ kinh tế số.

Son Trường

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/thoi-su-thai-nguyen/202504/thai-nguyen-quyet-liet-dau-tranh-phong-chong-thuoc-thuc-pham-bao-ve-suc-khoe-gia-2a3165e/
Zalo