Nga và Mỹ đàm phán về xung đột ở Ukraine
Tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia, các quan chức Nga và Mỹ đàm phán về việc khôi phục quan hệ song phương và vấn đề Ukraine. Phái đoàn Nga do Bộ trưởng Ngoại giao Sergey Lavrov dẫn đầu. Phái đoàn Mỹ gồm Bộ trưởng Ngoại giao Marco Rubio, Cố vấn an ninh quốc gia Mike Waltz và Ðặc phái viên của Tổng thống Mỹ về Trung Ðông Steve Witkoff.

Các nhà ngoại giao Nga và Mỹ đàm phán tại Saudi Arabia. (Ảnh BỘ NGOẠI GIAO NGA)
Cuộc đàm phán đánh dấu bước đi quan trọng của chính quyền Tổng thống Donald Trump trong việc đảo ngược chính sách cô lập Nga. Trợ lý Tổng thống Nga Yuri Ushakov nhấn mạnh, phái đoàn Nga đến Saudi Arabia với thái độ rất nghiêm túc và bày tỏ kỳ vọng vào việc khởi động thành công chu kỳ bình thường hóa quan hệ giữa Moskva và Washington.
Ngày 18/2, trong tuyên bố đưa ra sau cuộc đàm phán, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo nước này và Nga đã nhất trí giải quyết các vấn đề gây cản trở trong quan hệ song phương và bắt đầu xây dựng lộ trình chấm dứt xung đột Nga-Ukraine. Theo đó, hai bên nhất trí lập một cơ chế tham vấn để giải quyết những vướng mắc trong quan hệ Mỹ-Nga, hợp tác để bảo đảm các phái bộ ngoại giao hai nước có thể hoạt động. Hai bên cũng đạt đồng thuận về việc lập một đội ngũ cấp cao hành động nhằm chấm dứt xung đột ở Ukraine càng sớm càng tốt.
Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết Kiev không được thông báo về cuộc đàm phán giữa Nga và Mỹ, đồng thời nhấn mạnh sẽ không công nhận bất kỳ thỏa thuận nào được đưa ra mà không có sự tham gia của Ukraine.
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhóm họp về tình hình Ukraine, trong bối cảnh cuộc xung đột tại nước này có những diễn biến mới. Phát biểu tại phiên họp, trợ lý của Tổng Thư ký Liên hợp quốc, ông Miroslav Jenca, tái khẳng định bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào ở Ukraine cũng phải tôn trọng chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của nước này, phù hợp Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Các nỗ lực ngoại giao cần tập trung vào việc đạt được một nền hòa bình công bằng và lâu dài tại Ukraine. Liên hợp quốc hoan nghênh mọi nỗ lực và sáng kiến với sự tham gia đầy đủ của Ukraine và Nga để hướng tới mục tiêu hạ nhiệt xung đột và giảm tác động của xung đột đối với dân thường.
Ủy ban châu Âu (EC) thông báo đoàn quan chức cấp cao EC sẽ thăm Ukraine vào tuần tới, nhân dịp ba năm xảy ra cuộc xung đột ở Ukraine. Thông báo được đưa ra trong bối cảnh các nước châu Âu đang nỗ lực thống nhất một chiến lược chung trước việc Tổng thống Mỹ Donald Trump khởi xướng các cuộc đàm phán nhằm đem lại hòa bình cho cuộc xung đột ở Ukraine.