Giải mã lý do Chu Đệ cướp ngôi xong giết sạch cung nữ
Sau khi cướp ngôi, Chu Đệ đã thực hiện vụ thảm sát cung nữ khiến người đời khiếp sợ, hé lộ mặt tối của quyền lực.
Năm 1399, lịch sử Trung Hoa chứng kiến một biến cố chấn động, Yên Vương Chu Đệ, với danh nghĩa "Thanh quân trắc đã phát động "Tĩnh Nan chi biến", lật đổ ngai vàng của cháu trai mình là Chu Doãn Văn, Hoàng đế Kiến Văn nhà Minh. Sau khi chiếm được kinh thành Kim Lăng, Chu Đệ không vội vã đăng cơ mà lại ra lệnh thực hiện một cuộc thảm sát kinh hoàng nhắm vào hàng ngàn cung nữ trong cung. Hành động tàn bạo này không chỉ gây chấn động dư luận đương thời, mà còn đặt ra câu hỏi lớn cho hậu thế: Vì sao Yên Vương Chu Đệ lại ra tay tàn độc đến vậy?
Theo sử sách ghi lại, Chu Đệ là con trai thứ tư của Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương, vốn không được chọn làm người kế vị. Ngai vàng được truyền cho cháu đích tôn là Chu Doãn Văn, điều này đã khiến Chu Đệ ôm hận trong lòng. Khi Chu Doãn Văn lên ngôi, Chu Đệ nhận thấy thời cơ đã đến, bèn lấy cớ dẹp trừ gian thần để phát động binh biến, lật đổ triều đình. Sau khi dẫn quân tiến vào hoàng cung, thay vì nhanh chóng củng cố quyền lực, Chu Đệ lại hạ lệnh tàn sát toàn bộ cung nữ và phi tần. Cuộc tắm máu kéo dài suốt ba ngày, khiến cả hoàng cung nhuốm màu tang tóc.

Ảnh minh họa. (Xiaohongshu)
Động cơ thực sự đằng sau hành động tàn ác này của Chu Đệ là gì? Các nhà sử học đã chỉ ra ba lý do chính:
Thứ nhất, loại bỏ mầm họa tiềm ẩn. Chu Đệ lo sợ rằng trong số các cung nữ có thể có người mang thai long chủng của Chu Doãn Văn. Để tránh hậu họa về sau, ông quyết tâm nhổ cỏ tận gốc, tiêu diệt tận gốc huyết mạch của cháu trai. Hơn nữa, Chu Đệ cũng nghi ngờ rằng Chu Doãn Văn có thể chưa trốn thoát khỏi hoàng cung mà đã cải trang thành cung nữ để ẩn náu. Vì vậy, thà giết nhầm còn hơn bỏ sót, đó là logic tàn nhẫn của kẻ nắm quyền.
Thứ hai, triệt tiêu lực lượng trung thành với Chu Doãn Văn. Chu Doãn Văn đã sống trong cung điện nhiều năm, chắc chắn có những cung nữ thân tín, hết lòng trung thành. Chu Đệ lo ngại rằng những người này có thể trở thành tai mắt của Chu Doãn Văn, thậm chí tìm cách báo thù cho chủ cũ. Để đảm bảo an toàn cho bản thân và củng cố quyền lực, Chu Đệ đã quyết định loại bỏ mọi nguy cơ tiềm ẩn.
Thứ ba, ngăn chặn tin đồn bất lợi. Chu Đệ hiểu rõ sức mạnh của dư luận. Ông lo sợ rằng nếu để cung nữ sống sót, họ có thể lan truyền những tin đồn bất lợi về mình, làm suy yếu uy tín và sự chính danh của triều đại mới. Vì vậy, biện pháp tốt nhất theo Chu Đệ là "diệt khẩu" tất cả bằng cách tước đoạt sinh mạng của họ.
Hành động tàn bạo này hoàn toàn phù hợp với tính cách được sử sách mô tả về Chu Đệ, một người bạo ngược, hiếu sát, không kém cạnh người cha lập quốc Chu Nguyên Chương. Vụ thảm sát cung nữ năm xưa không chỉ là một vết nhơ trong lịch sử, mà còn là lời cảnh tỉnh về bản chất tàn khốc của cuộc đấu tranh quyền lực trong các triều đại phong kiến.