Nga phản ứng mạnh với kế hoạch triển khai quân đội phương Tây tại Ukraine

Người phát ngôn Điện Kremlin tuyên bố, việc triển khai quân đội từ các nước NATO đến Ukraine là điều không thể chấp nhận được.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov. Ảnh: Tass

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov. Ảnh: Tass

Phía Moscow bày tỏ lo ngại trước báo cáo cho biết các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang xem xét triển khai quân đội tới Ukraine.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định Nga phản đối đề xuất này.

Phát biểu tại buổi họp báo hôm 21/2, ông Peskov cho biết, Moscow đang theo dõi sát sao thông tin liên quan đến kế hoạch triển khai quân đội NATO tại Ukraine vì vấn đề này có thể ảnh hưởng đến an ninh của Nga.

Ông Peskov cũng lưu ý rằng Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã khẳng định hôm thứ Ba rằng “sự hiện diện của lực lượng vũ trang từ các nước NATO tại Ukraine là hoàn toàn không thể chấp nhận được đối với Moscow.

Tuyên bố trên được người phát ngôn Điện Kremlin đưa ra sau khi tờ The Telegraph và Bloomberg hôm 19/2 dẫn lời các quan chức phương Tây giấu tên cho biết Anh và Pháp chuẩn bị đề xuất với Tổng thống Mỹ Donald Trump kế hoạch thành lập một “lực lượng bảo đảm an ninh” cho Ukraine, nếu Kiev và Moscow đạt được thỏa thuận hòa bình.

Trong cuộc phỏng vấn với Fox News cùng ngày, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Mike Waltz xác nhận rằng Thủ tướng Anh Keir Starmer và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ đến Washington vào tuần tới.

Theo The Telegraph và Bloomberg, kế hoạch do Anh-Pháp đề xuất có thể bao gồm khoảng 30.000 quân được triển khai tại các thành phố và cảng quan trọng của Ukraine, cũng như tại các nhà máy điện hạt nhân.

Kế hoạch này còn đề xuất trang bị cho lực lượng này các máy bay giám sát và trinh sát, cũng như tàu tuần tra để giám sát một thỏa thuận hòa bình tiềm năng giữa Kiev và Moscow, với Mỹ cung cấp sự yểm trợ trên không trong trường hợp xảy ra leo thang xung đột.

Trong một bài viết đăng trên tờ The Telegraph hôm Chủ Nhật, Thủ tướng Starmer tuyên bố rằng “Anh sẵn sàng đóng vai trò dẫn đầu trong việc đẩy nhanh công tác đảm bảo an ninh cho Ukraine, bao gồm cả việc triển khai quân đội nếu cần thiết.

Một số nhà lãnh đạo EU, đặc biệt là Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, đã đề xuất ý tưởng gửi quân đội tới Ukraine từ tháng 2/2024. Các cuộc thảo luận về vấn đề này được đẩy mạnh trong những tháng gần đây. Tuy nhiên, kể từ khi nhậm chức vào ngày 20/1 vừa qua, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bày tỏ mong muốn giảm bớt sự can dự của Mỹ tại chiến trường Ukraine.

Nga đã nhiều lần lên tiếng phản đối việc có binh sĩ NATO tại Ukraine.

Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vassily Nebenzia hồi đầu tháng này cảnh báo rằng bất kỳ lực lượng phương Tây nào hoạt động tại Ukraine mà không có sự đồng ý của Moscow sẽ bị xem là mục tiêu hợp pháp.

Quốc gia châu Âu nào có thể tham gia 'lực lượng gìn giữ hòa bình' tại Ukraine?

Một số lãnh đạo các nước châu Âu cũng như chuyên gia nói rằng sự hiện diện của quân đội châu Âu tại Ukraine sẽ khả thi nếu Moscow và Kiev đạt được thỏa thuận hòa bình.

“Việc cử binh sĩ NATO đến Ukraine thời điểm hiện tại vẫn còn quá sớm. Sẽ không thể có lực lượng như vậy nếu Nga và Ukraine không có thỏa thuận hòa bình bền vững" – chiến lược gia Lawrence Freedman nhận định với tờ DW của Đức.

Cùng chung quan điểm với Pháp và Anh, Thụy Điển cũng bày tỏ mong muốn gửi quân đến Ukraine sau khi hòa bình được thiết lập.

Các chuyên gia cho biết một liên minh gồm các quốc gia châu Âu sẵn sàng có thể được thành lập để gửi quân đến Ukraine, nhưng nằm ngoài phạm vi bảo vệ của NATO.

Tuy nhiên, một số quốc gia châu Âu chủ chốt khác vẫn tỏ ra thận trọng. Thủ tướng Đức Olaf Scholz vẫn chưa đưa ra cam kết trước cuộc bầu cử quốc gia vào cuối tuần này.

Ba Lan - quốc gia vốn ủng hộ mạnh mẽ nhất cho Ukraine kể từ khi bùng phát chiến sự, song gần đây tuyên bố sẽ không triển khai lực lượng quân đội tham gia bất kỳ thỏa thuận quân sự đa quốc gia nào.

"Chúng tôi không có kế hoạch gửi binh lính Ba Lan đến lãnh thổ Ukraine", Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk khẳng định.

Trong khi đó, Thủ tướng Italia Giorgia Meloni nói rằng đề xuất triển khai quân đội NATO tại Ukraine là “lựa chọn phức tạp nhất và kém hiệu quả nhất”.

Nguyễn Phương

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nga-phan-ung-manh-voi-ke-hoach-trien-khai-quan-doi-phuong-tay-tai-ukraine.html
Zalo