Nên xử lý thức ăn thừa sau Tết thế nào?
Dân gian ta có câu 'Đói ngày giỗ cha, no ba ngày Tết'. Mâm cỗ Tết truyền thống luôn luôn phải đầy đặn, ngon lành với những món ăn giàu đạm, giàu chất béo. Tuy thế, vấn đề xử lý thức ăn thừa sau Tết lại khiến không ít người đau đầu.
Tại sao nhiều gia đình bị thừa thức ăn sau Tết?
Cứ vào mỗi dịp Tết Nguyên Đán, cô Thanh (Hải Hậu, Nam Định) lại tất bật chuẩn bị các loại thực phẩm để dự trữ. Gia đình cô là nhà trưởng nam, mỗi dịp Tết đến chắc chắn phải làm vài mâm cỗ cúng cáo gia tiên. Đồ ăn trong mâm nhất thiết phải có những món đặc trưng của ngày Tết như: gà, giò, bánh chưng, chả nem rán, canh miến măng mọc, cá, tôm,…
Lượng thực phẩm mỗi mâm rất nhiều, nhưng nấu xong để thắp hương là chính. Hiện tượng này không chỉ xảy ra ở gia đình cô Thanh mà tồn tại phổ biến ở nhiều gia đình Việt khác. Cô chia sẻ: “Vài ba bữa đầu ăn bánh chưng thì ngon, chứ ngày nào cũng phải rán bánh chưng ăn thì rất ngán. Mà mấy ngày Tết phải có mâm cơm mới để cúng chứ không thể cúng các cụ đồ ăn thừa được. Thành ra bao nhiêu đồ ăn thừa dồn hết vào tủ lạnh, bữa trước chưa ăn hết đã đến bữa sau. Có năm gia đình tôi để bánh chưng trong tủ đá đến hơn hai tháng, rồi cuối cùng bỏ ra cũng vứt đi chứ có ăn được đâu".
Cùng chung tâm trạng đó, cô Mến (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Sau Tết, nhà tôi được biếu đến chục cân giò và 5 chiếc bánh chưng. Tôi đã cho, biếu tặng nhà hàng xóm và nhà người thân rất nhiều rồi nhưng tủ lạnh vẫn đầy ắp đồ thừa. Mấy ngày hôm nay, ngày nào cũng phải rán bánh chưng lên ăn thay cơm, trẻ con và người lớn trong nhà ăn mà khổ sở ngao ngán. Nhưng bỏ thì thấy tiếc nên vẫn cỗ gắng ăn cho hết".
Những món ngon ngày Tết vốn là để mừng vui cho một cái Tết ấm no và mong cho năm tới an lành lại trở thành “nỗi sợ” cho nhiều bà nội trợ mỗi khi Tết đi qua. Vậy nên xử lý thức ăn thừa này như thế nào để biến chúng thành những món ăn mới thơm ngon?
Nên chế biến đồ ăn thừa ngày Tết như thế nào?
Bánh chưng, bánh tét là món ăn phổ biến không thể thiếu trong mọi gia đình ngày Tết. Nhiều gia đình áp dụng biện pháp chiên rán bánh chưng thừa ngày Tết để ăn bữa sáng thay cơm. Tuy nhiên, bánh chưng rán rất hút dầu nên ăn liên tục sẽ rất ngấy và nhanh chán.
Nhiều mẹ đảm đã truyền nhau cách biến bánh chưng thành món “pizza bánh chưng”. Nghe có vẻ lạ, nhưng việc biến tấu như vậy lại được lòng nhiều bạn nhỏ trong gia đình.
Bạn có thể đè bẹp bánh chưng ra cho giống với đế bánh pizza và áp chảo thật giòn hai mặt, sau đó cho thêm phô mai và các loại rau củ hay topping yêu thích của bé. Pizza bánh chưng có thể ăn kèm hành muối, củ kiện hay kimchi để đỡ ngán và thêm hương vị cho món ăn.
Với giò lụa còn thừa, ngoài cách hấp nóng hoặc chiên giòn lên ăn, nhiều gia đình tận dụng để làm món nộm hoặc bỏ vào bún, miến, phở sau Tết. Cách làm cũng không có gì cầu kỳ, chỉ đơn giản là thái nhỏ giò theo mức độ mong muốn và trộn cùng các loại rau, thường là rau xà lách, hoặc đu đủ xanh, cà rốt thái réo. Bạn có thể bỏ thêm đỗ lạc giã, rau răm và các loại rau thơm khác để dậy vị món ăn. Với bún, miến, phở, bạn có thể thái nhỏ giò và bỏ lên trên cùng của bát, rất tiện lợi mà đảm bảo món ăn giàu dinh dưỡng, thơm ngon cho gia đình.
Một trong những món thừa nhiều sau Tết nữa phải kể đến thịt gà luộc. Thông thường, thịt gà đã luộc mà hấp lại để ăn sẽ rất khô, nhạt vị và không còn hấp dẫn nữa. Để tránh lãng phí, nhiều gia đình lọc thịt gà ra khỏi xương, sau đó hầm xương gà lấy nước dùng ngọt thanh làm bún, miến. Thịt gà luộc sẽ được xé nhỏ, ăn kèm dưa hành còn thừa cũng là một món ăn thú vị và giải ngán sau những bữa cỗ Tết. Bạn cũng có thể tận dụng phần ức gà hay má đùi nhiều thịt làm nộm gà xé phay, nộm gà chua ngọt. Phần thịt gà sẽ được bóp cùng các loại rau củ như đu đủ xanh, su hào, cà rốt, hành tây, rau thơm và thêm nước sốt chua ngọt vừa miệng, tạo thành món ăn vừa mới mẻ vừa thanh mát.
Với các loại hoa quả thừa sau Tết, các gia đình nên xử lý càng nhanh càng tốt vì hoa quả là loại thực phẩm nhanh hỏng. Ngoài việc bỏ vào tủ lạnh để bảo quản, bạn có thể chế biến hoa quả thành sữa chua hoa quả để dễ ăn. Các loại hoa quả phù hợp để trộn cùng sữa chua khá đa dạng: táo, lê, roi, thanh long, dưa hấu, xoài, chuối,… Món ăn này không chỉ thơm ngon mà còn rất tốt cho sức khỏe. Các bạn cũng có thể xay các loại hoa quả làm món sinh tố hoặc tận dụng làm mứt, ô mai để tủ lạnh ăn dần.
Ngoài các loại đồ ăn trên mâm cỗ thì nhiều gia đình cũng còn thừa các loại đồ ăn đóng hộp và đồ uống đóng lon. Các loại đồ hộp này có thời gian bảo quản khá lâu nên không cần lo lắng phải ăn nhanh hoặc để lâu sẽ hỏng. Tuy thế, các gia đình cũng nên lưu ý phải kiểm tra và sử dụng các loại thực phẩm theo đúng hạn sử dụng in trên bao bì, để nơi khô ráo thoáng mát, tránh ánh sáng trực tiếp để thực phẩm, đồ uống giữ chất lượng tốt nhất.