Ngôi làng hậu duệ hoàng tộc nhà Thanh, nơi cấm kết hôn với người ngoài

Ngôi làng bí ẩn Trung Quốc, nơi hậu duệ nhà Thanh sống khép kín, gìn giữ huyết thống hoàng tộc, tục lệ 'nội hôn' kỳ lạ vẫn tồn tại đến nay.

Năm 1912, triều đại nhà Thanh sụp đổ, nhưng ở tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc vẫn tồn tại một ngôi làng đặc biệt mang tên Yêu Trạm, nơi thời gian dường như ngừng trôi. Tại ngôi làng này, vào mỗi dịp lễ hội truyền thống, người ta vẫn dễ dàng bắt gặp hình ảnh những người đàn ông khoác lên mình áo bào, áo khoác ngoài kiểu Mãn Thanh, thắt lưng rộng và thậm chí một số người còn giữ kiểu tóc đuôi sam đặc trưng của đàn ông nhà Thanh.

Họ tự nhận mình là hậu duệ của dòng họ Ái Tân Giác La hoàng tộc, tuân thủ nghiêm ngặt các phong tục tập quán của giới quý tộc Mãn Thanh, được truyền từ đời này sang đời khác. Đáng chú ý, tục lệ không kết hôn với người ngoài tộc, nhằm bảo toàn sự thuần khiết của dòng máu hoàng gia vẫn được duy trì cho đến ngày nay, biến Yêu Trạm trở thành một "ốc đảo nhà Thanh" độc đáo giữa lòng Trung Quốc hiện đại.

Nguồn gốc hoàng tộc và vai trò "trạm dừng chân" của hoàng đế

Lịch sử làng Yêu Trạm gắn liền với lăng mộ Vĩnh Lăng của tổ tiên nhà Thanh. Hơn 300 năm trước, hoàng tộc nhà Thanh đã cử A Tháp đến trấn giữ và trông coi Vĩnh Lăng và ông đã chọn vùng đất Yêu Trạm này. Sáu người con trai của A Tháp đã ở lại đây và sáu nhánh lớn này nhanh chóng phát triển về dân số. Từ sáu người đời đầu vào đầu triều Thanh, đến cuối triều Thanh, sau tám thế hệ, số lượng hậu duệ đã lên tới 600 người, dần hình thành nên ngôi làng Yêu Trạm ngày nay. Như vậy, có thể thấy, Yêu Trạm phát triển mạnh mẽ chính là để phục vụ cho việc bảo vệ và trông coi Vĩnh Lăng.

Với vị thế là nơi cư ngụ của hậu duệ hoàng tộc, làng Yêu Trạm được triều đình nhà Thanh chọn làm trạm dừng chân cho các hoàng đế trên đường tuần du về phía đông để tế tổ. Ngôi làng trở thành địa điểm nghỉ ngơi và ăn uống đáng tin cậy và an toàn cho hoàng gia. Sách "Thanh Vĩnh Lăng Chí" ghi lại rằng, ba vị hoàng đế triều Thanh là Càn Long, Gia Khánh và Đạo Quang đã dừng chân tại làng Yêu Trạm tổng cộng 13 lần trên đường đến Vĩnh Lăng tế tổ.

Người dân tại làng Yêu Trạm trong những ngày lễ, tết. (Ảnh Sohu)

Người dân tại làng Yêu Trạm trong những ngày lễ, tết. (Ảnh Sohu)

Làng Mãn Thanh khép kín và những tập tục độc đáo

Trong quá khứ, làng Yêu Trạm là một khu vực khép kín, không cho phép người ngoài tộc đến sinh sống. Mãi đến những năm 1950, một số ít dân tộc khác mới bắt đầu đến định cư. Ngày nay, dân số làng Yêu Trạm đã lên tới hơn 1.100 người, trong đó người Mãn vẫn chiếm đa số với 97% và dòng họ Triệu chiếm khoảng 40%. Trong làng, những người họ Triệu có thứ bậc thế hệ cao nhất thuộc thế hệ Phổ, người lớn tuổi nhất đã 75 tuổi.

Tại Yêu Trạm, những phong tục truyền thống của người Mãn vẫn được bảo tồn và lưu truyền. Khác với tập quán trưởng nam kế vị của người Hán, ở Yêu Trạm, con trai út thường sống cùng cha mẹ khi về già và là người thừa kế tài sản cuối cùng của cha mẹ, đồng thời có trách nhiệm chăm sóc cha mẹ khi tuổi xế chiều.

Ngôi làng Yêu Trạm, nơi duy trì phong tục nội hôn nghiêm khắc. (Ảnh Sohu)

Ngôi làng Yêu Trạm, nơi duy trì phong tục nội hôn nghiêm khắc. (Ảnh Sohu)

Nhiều gia đình trong làng vẫn giữ tục thờ cúng tổ tiên bằng bài vị tổ tiên. Trên bài vị thường có những câu đối như: "Vĩnh kính tổ tiên, thận chung truy viễn; Hiếu tư duy tắc, bách thế kỳ xương" (Kính trọng tổ tiên, cẩn trọng theo đuổi nguồn cội; Hiếu thảo là phép tắc, trăm đời hưng thịnh). Mỗi khi đến đêm giao thừa, cả gia đình đều phải tề tựu tế tổ, đây là một nội dung quan trọng của ngày Tết. Người dân trong làng cho biết, họ cũng giữ tục lệ tảo mộ và cắm "Phật Thác" (một loại cờ nhỏ) tự làm vào dịp Thanh Minh.

Tế trời và tế tổ là những nghi lễ quan trọng trong tín ngưỡng của người Mãn. Người Mãn ở Yêu Trạm sử dụng "Đạt Tử Hương" khi tế tổ. "Đạt Tử Hương" là một loại cây thân gỗ mọc trên núi Yêu Trạm. Người dân thu hái lá và thân cây, phơi khô, nghiền nát rồi dùng để đốt trong các nghi lễ tế tổ.

Trang phục quý tộc và tục lệ "nội hôn" nghiêm ngặt

Mỗi gia đình ở Yêu Trạm đều chuẩn bị sẵn trang phục truyền thống của giới quý tộc Mãn Thanh. Vào các dịp lễ hội, họ sẽ mặc những trang phục này. Nếu có dịp ghé thăm Yêu Trạm vào những ngày lễ, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh những người đàn ông mặc áo bào quý tộc, đội mũ nhỏ, hoặc mặc áo khoác màu vàng, áo lụa, đi ủng ngắn, còn phụ nữ thì mặc các loại sườn xám rực rỡ, đầu đội mũ, cài trâm lộng lẫy.

Người dân làng Yêu Trạm ngày nay vẫn cố gắng duy trì phong tục của tổ tiên. (Ảnh Sohu)

Người dân làng Yêu Trạm ngày nay vẫn cố gắng duy trì phong tục của tổ tiên. (Ảnh Sohu)

Tuy nhiên, tập tục nghiêm ngặt và đặc biệt nhất ở Yêu Trạm chính là tục lệ "nội hôn" - không kết hôn với người ngoài tộc. Người dân nơi đây tin rằng, là hậu duệ hoàng tộc, việc kết hôn với người ngoài tộc sẽ làm "ô uế" dòng máu. Việc không thể bảo đảm dòng máu thuần khiết của dòng họ Ái Tân Giác La bị coi là bất kính với tổ tiên. Trong quá khứ, tục lệ này thậm chí dẫn đến tình trạng kết hôn cận huyết trong làng.

Ngày nay, người dân Yêu Trạm đã nhận thức được những tác hại của việc kết hôn cận huyết và cố gắng tránh những cuộc hôn nhân quá gần về huyết thống. Tuy nhiên, họ vẫn kiên trì tìm kiếm bạn đời trong phạm vi dòng tộc, duy trì tục lệ "nội hôn" như một cách để bảo tồn bản sắc và dòng máu hoàng tộc của mình.

Bích Hậu (Theo Sohu)

Nguồn Vietnamdaily: https://vietnamdaily.kienthuc.net.vn/hitech-xe/ngoi-lang-hau-due-hoang-toc-nha-thanh-noi-cam-ket-hon-voi-nguoi-ngoai-261559.htm
Zalo