Sốt tour hành hương Yên Tử, Nepal đầu năm

Hoạt động du lịch tâm linh, hành hương đang nóng dần lên sau Tết Nguyên đán. Các điểm đến trong nước như Yên Tử, núi Bà Đen hay quốc tế như Ấn Độ, Nepal được quan tâm.

180.000 lượt khách tham quan núi Bà Đen (Tây Ninh) vào mùng 4 Tết (ngày 1/2) tô đậm mùa du xuân, trẩy hội đầu năm. Chứng kiến khung cảnh đông đúc, chật kín khách, tín đồ Phật giáo vẫn lũ lượt đổ về địa danh trải bạt dưới chân núi Bà ngày đầu diễn ra Hội Xuân.

Không riêng ngôi chùa nằm trên "Đệ nhất thiên sơn", nhiều điểm đến tâm linh khác của Việt Nam cũng chứng kiến lượt khách "khủng" 5-6 con số. Chùa Yên Tử thuộc ngọn núi cùng tên ở Quảng Ninh đón 42.000 lượt khách ngày mùng 4 Tết hay chùa Minh Đức (Quãng Ngãi), nơi có tượng Phật Quan Âm cao nhất Đông Nam Á, cũng đón hơn 32.000 lượt khách dịp Tết.

Trong khi đó, đại diện một số công ty lữ hành cho biết nhu cầu mua tour hành hương tại địa danh tâm linh trong và ngoài nước năm nay cũng tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái.

Đắt khách

Tính đến ngày 4/2, số liệu từ phòng kinh doanh công ty Du lịch Vietravel cho thấy đơn vị dự kiến đã phục vụ 88% lượng khách trong mùa cao điểm du lịch hành hương tháng 1-3.

Trong đó, các tuyến hành hương về vùng đất Phật trong nước được du khách lựa chọn nhiều bao gồm chùa Hương (Hà Nội), chùa Tam Chúc, Địa Tạng Phi Lai (tỉnh Hà Nam), Bái Đính - Tràng An (Ninh Bình).

Bên cạnh đó, núi Bà Đen (Tây Ninh), Samten Hills Dalat (Lâm Đồng) và các cụm chùa nổi tiếng miền Tây như Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam (Cần Thơ), chùa Xiêm Cán (Sóc Trăng), chùa Bà Chúa Xứ (An Giang)... cũng là một số điểm đến nhận về sự yêu thích từ khách thập phương.

 Hàng nghìn khách trải bạt dưới chân núi Bà Đen (Tây Ninh) mùng 4 Tết (ngày 1/2). Ảnh: Nguyễn Minh Tú.

Hàng nghìn khách trải bạt dưới chân núi Bà Đen (Tây Ninh) mùng 4 Tết (ngày 1/2). Ảnh: Nguyễn Minh Tú.

Chia sẻ với Tri Thức - Znews, bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh, Giám đốc Ban Tiếp thị - Công ty Du lịch Vietravel, cho biết nhu cầu du lịch hành hương năm nay của du khách tại đơn vị tăng 15-20% so với cùng kỳ năm ngoái, đặc biệt là ở các tuyến quốc tế.

Đây là dòng sản phẩm được đông đảo du khách quan tâm, đặc biệt là vào mùa cao điểm đầu năm, thời điểm người dân có nhu cầu hành hương cầu an, tìm về những giá trị văn hóa - tín ngưỡng.

Hiện mức giá cho một tour hành hương tại đây rơi vào khoảng 499.000 đồng đến 4,5 triệu đồng, tùy thuộc vào thời gian tour và ngân sách của số đông du khách.

Tương tự, ông Phạm Anh Vũ, Phó tổng Giám đốc Du Lịch Việt, cũng cho biết lượng khách đặt tour du xuân năm nay tăng khoảng gần 15% so với Tết 2024.

Các điểm đến được đặt tour nhiều nhất gồm chùa Bái Đính, núi Yên Tử, núi Bà Đen và chùa Bà Châu Đốc (An Giang).

"Du khách miền Nam đang có xu hướng đổ xô đi miền Trung với điểm đến là Đà Nẵng, Huế và miền Bắc như Quảng Ninh, Ninh Bình, Hà Giang, Sa Pa để thưởng thức điểm nhấn văn hóa, lễ hội lớn của 2 khu vực này, thay vì lựa chọn nội vùng như trước", ông Vũ nói.

Hoạt động náo nhiệt, đông đúc tại lễ hội Tết Nguyên Tiêu tại TP.HCM, chùa Hà (Hà Nội) và lễ rước kiệu Bà (Bình Dương). Ảnh: Khương Nguyễn, Việt Hà, Y Kiện.

Hoạt động náo nhiệt, đông đúc tại lễ hội Tết Nguyên Tiêu tại TP.HCM, chùa Hà (Hà Nội) và lễ rước kiệu Bà (Bình Dương). Ảnh: Khương Nguyễn, Việt Hà, Y Kiện.

Trong khi đó, bà Trần Bảo Thu, Giám đốc Tiếp thị - Truyền thông Vietluxtour, lại cho rằng nhu cầu du lịch hành hương của du khách diễn ra hầu như quanh năm, cao điểm rơi vào Tết Nguyên đán và sau Tết khoảng 1-2 tháng hoặc vào các dịp lễ hội, cúng bái ở các thắng cảnh tôn giáo nổi tiếng trong và ngoài nước.

Ngoài tour trọn gói, nhiều khách chọn dịch vụ linh hoạt hoặc tour "Free & Easy" (vé máy bay và khách sạn) kết hợp nghỉ dưỡng, tham quan, mua sắm sau chương trình hành hương.

Bên cạnh viếng chùa, tham gia lễ hội và tham quan thắng cảnh tại địa phương, lữ hành Vietluxtour còn ghi nhận ngày càng nhiều du khách có nhu cầu kết hợp nghỉ dưỡng, tham gia các chương trình thiền tịnh, yoga hoặc trải nghiệm các hoạt động ẩm thực chay...

 Lễ hội Đúc Bụt được tổ chức thường niên tại miếu Bà thờ công chúa Ngọc Kinh, thôn Phù Liễn (xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc), hút khách thập phương sáng 4/2 (mùng 8 tháng Giêng. Ảnh: Việt Hà.

Lễ hội Đúc Bụt được tổ chức thường niên tại miếu Bà thờ công chúa Ngọc Kinh, thôn Phù Liễn (xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc), hút khách thập phương sáng 4/2 (mùng 8 tháng Giêng. Ảnh: Việt Hà.

Bên cạnh đó, thị trường du lịch Việt Nam đầu năm cũng chứng kiến dòng khách đổ ra nước ngoài hành hương. Trong đó, Ấn Độ vẫn là điểm đến hàng đầu đối với khách hành hương châu Á và Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Bà Khanh từ Vietravel nhận định du khách Việt thường lựa chọn các điểm đến phù hợp với đức tin.

Đơn cử, các tín đồ Phật giáo sẽ ưu tiên hành trình Ấn Độ - Nepal viếng thăm 4 thánh tích quan trọng của Phật giáo (Lâm Tỳ Ni, Bồ Đề Đạo Tràng, Vườn Lộc Uyển, Câu Thi Na), Bhutan - Tây Tạng hay Phật Quang Sơn Tự và Văn Võ Miếu (Đài Loan, Trung Quốc), Trân Bảo Phật Sơn (Khao Chee Chan), đền thờ Bốn Mặt, chùa Cẩm Thạch Wat Benchamabophit... ở Thái Lan.

Ngoài ra, năm nay, sự kiện đặc biệt của giáo hội Công giáo "Năm thánh 2025" cũng thúc đẩy nhu cầu xuất ngoại hành hương của các du khách là tín đồ Thiên Chúa, bà Trần Phương Linh, Giám đốc Tiếp thị - Công nghệ Thông tin của BenThanh Tourist, cho hay.

Khách hành hương ngày càng trẻ hóa

Từ trước đến nay, khách hàng mua tour hành hương phần lớn đều nằm ở độ tuổi trung-cao niên (từ 45 tuổi trở lên). Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, thị trường ghi nhận tệp khách hàng trẻ tuổi hơn đăng ký mua tour hành hương, theo một số đại diện đơn vị lữ hành.

Cụ thể, bà Đặng Thị Lan Anh, Giám đốc Công ty du lịch Người Sài Gòn, nhận định đối tượng hành hương thời điểm hiện tại là doanh nhân, nhóm khách 25-40 tuổi, mong muốn tìm về sự tĩnh lặng, chiêm nghiệm, lắng đọng ở bản thân sau công việc đầy áp lực, nhịp sống quá náo nhiệt hàng ngày thông qua các tour "wellness" (hướng đến sức khỏe, tinh thần, thiền định).

Du khách Việt hành hương núi thiêng Kailash (Tây Tạng) bằng ngựa. Ảnh: Kamala.

Du khách Việt hành hương núi thiêng Kailash (Tây Tạng) bằng ngựa. Ảnh: Kamala.

Lý giải xu hướng trẻ hóa tệp khách trên, theo bà Châu Thanh Hồng Loan, Giám đốc Công ty Kamala (đơn vị chuyên cung cấp tour hành hương), nguyên nhân khách quan từ tình hình kinh tế ảm đạm hậu Covid-19 ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý bên trong của du khách mọi lứa tuổi. Do đó, nhu cầu du lịch hành hương, du lịch tâm linh trở nên ngày càng quan trọng.

"Một số gia đình có thể không sắm sửa, chuẩn bị gì nhiều cho Tết nhưng sẵn sàng dành kinh phí cho đời sống tinh thần của cả gia đình bằng cách thực hiện những chuyến hành hương đầu năm cùng nhau”, bà Loan chia sẻ.

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất khi tổ chức các tour hành hương xuất ngoại chính là:

Hành trình dài ngày, di chuyển liên tục
Thời tiết thay đổi,
Khá nhiều hoạt động vất vả như đi bộ, leo núi
Chất lượng cơ sở lưu trú hạn chế tại một số vùng núi thiêng, chùa cổ nơi đồi núi hoang sơ hẻo lánh

Đối với tour du lịch, các yếu tố trên có thể là khó khăn, nhưng đối với tour hành hương, mọi thử thách đều trở thành cơ hội tạo ra những trải nghiệm tâm linh sâu sắc với những bài học về khả năng thích nghi và khả năng chấp nhận những điều không như ý của cuộc sống…

“Chẳng hạn, với tour đi Tây Tạng về núi thiêng Kailash với hành trình hơn 10 ngày, liên tục ngồi xe di chuyển đường dài (3 ngày đi, 3 ngày về) và 3 ngày đi Kora (đi bộ) vòng quanh chân núi thiêng Kailash ở độ cao hơn 5.000 m khiến du khách gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng phần lớn khách hành hương của chúng tôi vẫn vượt qua những thử thách khắc nghiệt ấy”, đại diện Kamala chia sẻ.

Tường Vi - Linh Huỳnh

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/sot-tour-hanh-huong-yen-tu-nepal-dau-nam-post1529532.html
Zalo