Nên học Công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng hay Kỹ thuật công trình xây dựng?
Ngoài đào tạo chính quy, ngành Công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng tại Trường ĐH Mở TPHCM còn có đào tạo từ xa, trực tuyến với số sinh viên tương đối lớn.
Với sự phát triển của các ngành nghề đang ngày càng đa dạng, phong phú hiện nay, trước mỗi mùa tuyển sinh, nhiều thí sinh không khỏi bối rối trong việc lựa chọn ngành học nào sao cho phù hợp với mục tiêu, mong muốn của bản thân. Đơn cử, việc lựa chọn giữa ngành Công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng hay ngành Kỹ thuật công trình xây dựng cũng khiến không ít thí sinh băn khoăn, phân vân.
Bề dày kinh nghiệm cùng nhiều hình thức đào tạo đa dạng
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phước - Trưởng khoa Khoa Xây dựng, Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ, về cơ bản, kiến thức của hai ngành Công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng và Kỹ thuật công trình xây dựng tại Việt Nam không có sự khác nhau đáng kể, khung kiến thức chung là gần như nhau.
Sự khác nhau chủ yếu là chi tiết từng nội dung bên trong. Đơn cử, ngành “công nghệ” thiên về hướng quy trình công tác trong ngành nghề hơn, trong khi ngành “kỹ thuật” thiên về nền tảng kiến thức cơ bản hơn.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phước - Trưởng khoa Khoa Xây dựng, Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Website Nhà trường.
Trong lĩnh vực công trình xây dựng, người học cả 02 ngành này từ các trường đại học ở Việt Nam, trong đó có Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh đều đào tạo những khối kiến thức cơ bản, cơ sở, chuyên ngành với khối lượng đủ đáp ứng vị trí việc làm thực tế của người học khi tốt nghiệp là kỹ sư xây dựng.
Đầu ra của người học tốt nghiệp ngành “Công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng” và “Kỹ thuật công trình xây dựng” do đều là kỹ sư xây dựng nên cả 2 ngành học này đều có vị trí việc làm trong thực tiễn khá đa dạng. Trong một công trình hoặc dự án xây dựng, có nhiều nội dung công việc liên quan như thiết kế sơ bộ, thiết kế kỹ thuật, thiết kế biện pháp thi công; Thi công: giám sát, chỉ huy, chất lượng, nhân lực, tài chính; Quản lý: vận hành, bảo trì, đấu thầu, hợp đồng. Thu nhập của kỹ sư xây dựng có phạm vi biến thiên rất rộng, tùy vào kiến thức chuyên môn và năng lực của bản thân.
Chia sẻ rõ hơn về ngành “Công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng”, thầy Phước cho hay, sau khi tốt nghiệp, người học ngành này có khả năng thực hành nghề xây dựng chuyên nghiệp, với kiến thức khá dày dặn về thiết kế, thi công và quản lý dự án xây dựng.
Có thể nói, Công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng là ngành học nền tảng góp phần cho sự thịnh vượng và hình thành bộ mặt về kinh tế xã hội, gắn liền với sự phát triển của khu vực, quốc gia.
Hiện nay, sự phát triển của một vùng, một quốc gia là tất yếu. Do vậy, việc đào tạo ngành Xây dựng nói chung và ngành Công nghệ Kỹ thuật công trình xây dựng nói riêng tại Việt Nam là rất quan trọng. Nhu cầu xây dựng các công trình dân dụng, công nghiệp, hạ tầng giao thông, du lịch, dịch vụ… là vô hạn nên việc đào tạo ngành này chắc chắn góp phần quan trọng vào sự phát triển trên.
Thầy Phước thông tin thêm, nước ta đang bắt đầu kỷ nguyên phát triển mới, thời đại rất chú trọng về khoa học công nghệ… Vậy nên, ngành học Công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng là ngành liên quan đến khoa học công nghệ sẽ thu hút nhiều người học.
Với bề dày trong đào tạo ngành Công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng từ lâu (khóa đầu tiên từ năm 1992 liên tục cho đến nay), mỗi năm, Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh có hàng trăm kỹ sư tốt nghiệp ngành học này. Ngoài hình thức đào tạo chính qui, ngành học này tại Trường cũng có các hình thức đào tạo khác như từ xa, trực tuyến với quy mô sinh viên tương đối lớn.
Hơn nữa, chương trình đào tạo cũng được cập nhật liên tục theo luật và nhu cầu thay đổi của ngành. Cụ thể, chương trình đào tạo ngành Công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng đã được chứng nhận kiểm định đạt kết quả rất tốt với 92% tiêu chí đạt yêu cầu theo chuẩn kiểm định. Trường cũng có đầy đủ chương trình đào tạo ngành học này cho bậc thạc sĩ (bắt đầu đào tạo từ năm 2011) với khoảng 200 học viên tốt nghiệp và bậc tiến sĩ (từ năm 2019) với hơn 20 nghiên cứu sinh đang theo học.
Không những vậy, lực lượng giảng viên ngành Công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng của nhà trường có nhiều người trình độ chuyên môn cao với thành tích giảng dạy tốt và công bố khoa học quốc tế xuất sắc. Nhiều sinh viên đạt thành tích cao trong các kỳ thi về học thuật, chuyên môn cấp quốc gia.
Vấn đề tương tác thực tiễn với doanh nghiệp thông qua cựu sinh viên được đẩy mạnh hàng tuần tại tất cả các môn học. Khoa Xây dựng cũng có rất nhiều dạng học bổng từ Câu lạc bộ cựu sinh viên và doanh nghiệp hỗ trợ kịp thời cho sinh viên.
Có thể nói, với những thế mạnh trên, gần như 100% sinh viên tốt nghiệp ngành Công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng từ nhà trường đều có việc làm. Công tác tuyển sinh ngành học này của Nhà trường nhìn chung là ổn định, chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm được duy trì.
Tuy nhiên, do đặc thù khối ngành Xây dựng kinh điển cùng yêu cầu về nền tảng khoa học công nghệ… nên ít có sự tăng trưởng, đặc biệt là trong giai đoạn gần đây.
Sinh viên và cựu sinh viên nghĩ gì về ngành Công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng?
Theo chia sẻ từ em Nguyễn Văn Nhí (sinh viên khóa 2021), em lựa chọn học ngành Công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng tại Khoa Xây dựng, Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh do tìm hiểu thấy chương trình đào tạo phù hợp.
Được biết, sau khoảng thời gian tìm hiểu khá lâu cũng như được giới thiệu từ những cựu sinh viên trước đó, nam sinh thấy rằng, chương trình đào tạo ngành Công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng của Nhà trường bám sát với thực tiễn, giúp sinh viên có kỹ năng thực hành tốt. Hơn nữa, môi trường học tập lại linh hoạt, có thể vừa học vừa làm để tích lũy kinh nghiệm; học phí hợp lý, phù hợp với nhiều đối tượng sinh viên.
Sau gần 4 năm học tập tại nhà trường, Nhí càng thấy lựa chọn của mình đúng đắn khi Khoa Xây dựng có chương trình đào tạo hiện đại, có nhiều buổi thực hành, thực tập tại công trường. Nhờ vậy, giúp em có cái nhìn thực tế, có kiến thức vững chắc và kỹ năng thực hành tốt về ngành.

Em Nguyễn Văn Nhí, sinh viên khóa 2021, ngành Công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng, Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NTCC.
Bên cạnh đó, các thầy cô giảng viên của ngành còn có chuyên môn cao, sẵn sàng hỗ trợ và tạo điều kiện cho sinh viên phát triển. Môi trường học tập tạo điều kiện thuận lợi để kết nối với bạn bè, thầy cô và các cựu sinh, giúp ích cho học tập và công việc sau này. Phòng thí nghiệm, thư viện và các tài liệu chuyên ngành hỗ trợ tốt cho quá trình học. Hơn nữa, Khoa cũng như Nhà trường còn có các câu lạc bộ, hội thảo chuyên ngành giúp sinh viên mở rộng kiến thức và kỹ năng mềm.
Tuy nhiên, giống với nhiều sinh viên khác, Nhí cũng không tránh khỏi áp lực học tập và thực hành bởi ngành Công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng yêu cầu nhiều kỹ năng tính toán, thực hành đòi hỏi sinh viên phải đầu tư nhiều thời gian để học tập, chủ động tìm tòi, nghiên cứu, không thể chỉ dựa vào bài giảng trên lớp. Không những vậy, ngành Xây dựng đòi hỏi kỹ năng thực tế cao, nếu không có trải nghiệm thực tế sớm, sinh viên dễ bị hạn chế cơ hội việc làm.
Nam sinh cũng đưa ra lời khuyên gì đối với những bạn thí sinh đang phân vân lựa chọn vào học ngành Công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng.
Trước hết, cần xác định đam mê và định hướng cá nhân. Theo Nhí, ngành học này phù hợp với những ai thích tạo ra công trình, có tư duy logic, yêu thích kỹ thuật và công nghệ.
Bên cạnh đó, cần tìm hiểu kỹ lượng về cơ hội nghề nghiệp. Ngành Công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng có nhu cầu nhân lực cao, cơ hội việc làm rộng mở từ kỹ sư thiết kế, thi công, giám sát đến quản lý dự án. Nếu có chuyên môn tốt, người làm nghề này có cơ hội làm việc không chỉ trong nước mà ở nước ngoài với mức thu nhập trong ngành tương đối cao.
Không những vậy, cần chuẩn bị tinh thần cho những thử thách, khó khăn bởi ngành học này đòi hỏi sự kiên trì, chịu khó do chương trình học khá nặng, đòi hỏi kiến thức chuyên sâu về toán, vật lý, cơ học. Môi trường làm việc có thể không cố định (công trình, văn phòng, giám sát hiện trường, …) nên cần khả năng thích nghi linh hoạt.
Ngoài ra, cần chủ động học tập và phát triển kỹ năng mềm. Bên cạnh kiến thức chuyên môn, cần rèn luyện kỹ năng giao tiếp, quản lý thời gian, làm việc nhóm để thích nghi với môi trường thực tế. Đồng thời, người học nên tham gia thực tập, làm thêm trong ngành từ sớm để tích lũy kinh nghiệm thực tế.
Còn theo anh Hồ Văn Minh - cựu sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng của Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh, chương trình học tại trường đã mang lại cho anh nhiều cơ hội nghề nghiệp quý báu.
Anh Minh chia sẻ, quá trình học tập và rèn luyện tại Khoa Xây dựng của Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh là một trải nghiệm đáng quý đối với ông.
Khi tham gia học tập, anh Minh nhận thấy rằng, các môn học của ngành Công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng được thiết kế một cách khoa học, có sự kết hợp giữa lý thuyết và thực hành. Từ đó, giúp sinh viên chúng tôi có thể tiếp cận nhanh với thực tế công việc.
Không những vậy, Khoa Xây dựng cũng tạo điều kiện cho sinh viên tham gia các hoạt động ngoại khóa, dự án thực tế, giúp anh và các bạn cùng lớp được rèn luyện được kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp và giải quyết vấn đề.
Hơn nữa, sự đầu tư của Nhà trường vào cơ sở vật chất và các thiết bị thực hành đã giúp sinh viên có được trải nghiệm học tập thực tế phong phú. Các hoạt động ngoại khóa và hội thảo chuyên đề cũng giúp người học được mở rộng tầm nhìn và cập nhật xu hướng mới trong ngành.
Đặc biệt, ngành học này không chỉ cung cấp cho người học nền tảng vững chắc về kỹ thuật xây dựng mà còn trang bị những kỹ năng mềm cần thiết, giúp sinh viên sau khi tốt nghiệp thích ứng nhanh với yêu cầu của nhà tuyển dụng.
Với những yếu tố thuận lợi này, nhiều cựu sinh viên như anh đã có cơ hội làm việc trong các dự án lớn, dễ dàng mở rộng mối quan hệ và phát triển sự nghiệp một cách nhanh chóng. Những kiến thức chuyên môn vững chắc cùng các kỹ năng thực hành được trang bị đã giúp ông tự tin hơn khi tham gia vào công tác xây dựng thực tế, tự tin bước vào môi trường làm việc chuyên nghiệp.
Hiện, anh Minh đang làm chủ một công ty tư vấn xây dựng tại Thành phố Hồ Chí Minh. Có thể nói, việc tham gia học tập và tốt nghiệp ngành ngành Công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng của Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh đã là một bước đệm quan trọng để ông đạt được thành công như ngày hôm nay.
“Trong khi ngành Kỹ thuật công trình xây dựng thường tập trung hơn vào thiết kế, quy hoạch và quản lý dự án từ góc độ kỹ thuật thì ngành Công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng lại thiên về ứng dụng công nghệ và kỹ thuật vào quá trình thiết kế, thi công, vận hành và giám sát, quản lý dự án.
Chính vì vậy, nếu đam mê công nghệ mới, muốn trực tiếp tham gia vào quá trình thực hiện dự án một cách tổng quát, hoặc mong muốn có được kỹ năng thực hành cao, thí sinh nên lựa chọn vào học ngành Công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng sẽ phù hợp hơn”, anh Minh đưa ra lời khuyên.