Chàng thủ khoa 'toàn năng'
Nguyễn Trọng Hoàng - cử nhân chuyên ngành Hệ thống Mạch - Phần cứng tốt nghiệp thủ khoa Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TPHCM) năm 2024 với điểm trung bình 9,1...

Nguyễn Trọng Hoàng đại diện cho tân cử nhân, kỹ sư Trường Đại học Bách khoa phát biểu trong lễ tốt nghiệp tháng 11/2024. Ảnh: N.Q
Nguyễn Trọng Hoàng - cử nhân chuyên ngành Hệ thống Mạch - Phần cứng chương trình Tiên tiến, tốt nghiệp thủ khoa Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) năm 2024 với điểm trung bình 9,1. Không những thế, Hoàng từng đoạt Huy chương Đồng quần vợt quốc gia, sở hữu 3 bài báo khoa học quốc tế và đạt điểm IELTS 8.0.
Bén duyên với vi mạch từ những lần đi siêu thị
Khi còn là học sinh chuyên Toán của Trường THPT Chuyên Hùng Vương (Gia Lai), Hoàng thường được gọi vui là “chuyên Toán lậu” vì em nằm trong đội tuyển tiếng Anh và đạt thành tích cao ở bộ môn này. Hoàng đoạt giải Nhì học sinh giỏi cấp tỉnh và giải Khuyến khích Học sinh giỏi Quốc gia môn tiếng Anh trong năm học 2019 - 2020, đồng thời sở hữu chứng chỉ IELTS 8.0 và SAT 1410. Nhờ đạt giải Khuyến khích Quốc gia và là học sinh trường chuyên nên Hoàng được tuyển vào Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) bằng phương pháp ưu tiên xét tuyển.
“Tôi thi đại học khối A1 và đạt 29,45 điểm nhưng lại biết điểm thi sau khi có kết quả xét ưu tiên xét tuyển. Vì thế, tôi chọn vào trường bằng đường ưu tiên xét tuyển luôn”, Hoàng kể lại quá trình xét tuyển.
Ban đầu, Hoàng chọn ngành Tự động hóa vì “mê mẩn” với cửa tự động từ những lần đến siêu thị Coopmart ở quê nhà hồi bé. Tuy nhiên, khi vào Trường Đại học Bách khoa và được PGS.TS Hoàng Trang định hướng, Hoàng đã chọn ngành Vi mạch - Phần cứng của bộ môn Điện tử.
“Ban đầu, tôi nghĩ sẽ theo đuổi ngành Tự động hóa vì ấn tượng sâu sắc hồi nhỏ với cánh cửa tự động. Nhưng sau khi được tiếp xúc và tìm hiểu về vi mạch, tôi nhận ra lĩnh vực này phù hợp với bản thân hơn và có nhiều tiềm năng phát triển”, Hoàng cho biết.
Sau khi trở thành sinh viên Bách khoa, Hoàng nhanh chóng tham gia IC Design Lab của trường và nghiên cứu về vi mạch. Năm 2023, Hoàng đã có một bài báo khoa học trên tạp chí SCIE-Q2 Electronics với tư cách là tác giả chính, một thành tích đáng tự hào của sinh viên đại học. Trong bài báo này, Hoàng và nhóm nghiên cứu tập trung vào việc ứng dụng thuật toán để tự động hóa quy trình thiết kế vi mạch, giúp tiết kiệm thời gian và nâng cao hiệu quả.
“Thay vì phải điều chỉnh thủ công các thông số, chúng tôi sử dụng thuật toán để tìm ra thiết kế tối ưu, từ đó giúp cải thiện hiệu suất và tiết kiệm công sức. Ở tầm vĩ mô hơn, nghiên cứu này có thể giúp các kỹ sư cải thiện hiệu suất thiết kế mạch”, Hoàng giải thích.
Ngoài bài báo trên tạp chí SCIE-Q2 Electronics, Hoàng còn tham gia vào hai bài báo khác được đăng trên tạp chí Scopus Q3 và Q4. Chia sẻ về bí quyết đạt nhiều thành tích nghiên cứu, Hoàng cho biết, trước tiên phải nắm vững kiến thức nhập môn vi mạch. Kiến thức nền tảng này mang ý nghĩa mô hình hóa. Khi mô phỏng thực tế sẽ có nhiều sai lệch khác nhau nên cần nhận biết và hiểu được nguyên nhân của những sai lệch đó.

Chân dung tân thủ khoa Nguyễn Trọng Hoàng. Ảnh: N.Q
“Cân” cả học tập lẫn thể thao
Giống như nhiều sinh viên Bách khoa, Hoàng cho biết 4 năm học ở trường khá áp lực. Chàng trai phố Núi Pleiku từng ước một ngày có 48 tiếng để “cân” được hết các công việc. “Nếu mục tiêu chỉ ở mức qua môn thì áp lực không quá lớn. Nhưng để lấy điểm cao để tranh học bổng thì cần dành nhiều thời gian và sự tập trung hơn. Đặc biệt, với những bạn cày học bổng thì áp lực lớn nhất là lúc sắp thi giữa kỳ đến hết học kỳ vì vừa phải làm bài tập lớn vừa phải ôn thi”, Hoàng nói.
Áp lực lớn như vậy nhưng Hoàng luôn giữ vững phong độ học tập để tốt nghiệp với điểm trung bình 9,1 và đạt thành tích thủ khoa toàn khóa. Theo Hoàng, yếu tố then chốt trong việc đạt được kết quả tốt là làm việc chuyên nghiệp và chủ động ngay từ những buổi đầu tiên của từng môn học.
“Mình tự dạy bản thân bài học trước khi lên lớp bằng cách đọc slides, giáo trình và tra cứu Internet. Lên lớp, mình sẽ xem như học lại lần thứ hai. Khi ấy, mình có thể tập trung hơn vào việc đặt câu hỏi cho thầy cô để giải quyết thắc mắc lúc tự đọc”, tân thủ khoa chia sẻ. Phương pháp này giúp quá trình học của Hoàng trở nên hiệu quả hơn và giảm áp lực khi bước vào giai đoạn ôn thi.
Không chỉ xuất sắc trong học tập và nghiên cứu, Hoàng còn có niềm đam mê mãnh liệt với thể thao, đặc biệt là quần vợt. Bắt đầu chơi từ năm 3 - 4 tuổi, Hoàng từng đạt Huy chương Đồng quốc gia nội dung đơn nam U16 và đôi nam U18. Gần đây, cậu còn bén duyên thêm với một môn thể thao mới nổi là Pickleball và đang chơi hai môn song song với nhau.
“Nhà mình có quan niệm ‘một đầu óc minh mẫn trong một thân thể tráng kiện’ nên luôn khuyến khích con cháu trong nhà chơi thể thao. Vì thế, mình thường sắp xếp thời gian chơi thể thao để tăng cường sức khỏe thể chất và xả stress, giúp học tập tốt hơn”, Hoàng chia sẻ.
Phát biểu tại buổi lễ tốt nghiệp tháng 11/2024, tân thủ khoa Nguyễn Trọng Hoàng xúc động nhớ lại khoảnh khắc nhập học cùng bố mẹ. Khoảnh khắc ấy, cậu đã tự nhủ rằng không chỉ muốn bố mẹ tự hào vì đỗ vào ngôi trường danh giá, mà còn quyết tâm để họ tiếp tục hãnh diện khi trở thành sinh viên tốt nghiệp xuất sắc.
“Bốn năm về trước, khi nhập học vào Trường Đại học Bách khoa, tôi từng có chút tự ti vì nghĩ rằng mình chỉ là một học sinh tỉnh lẻ. Nhưng hôm nay, được đứng ở đây - đại diện cho các tân cử nhân chia sẻ cảm xúc - là một niềm vinh dự lớn lao”, tân khủ khoa bồi hồi.
Sau khi tốt nghiệp đại học, Nguyễn Trọng Hoàng dự định sẽ du học với học bổng thạc sĩ ở Trường Memorial University of Newfoundland (Canada) để tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về vi mạch. Cậu để ngỏ khả năng theo học tiến sĩ hoặc làm việc tại các công ty đa quốc gia trong tương lai. “Điều quan trọng nhất là giữ tinh thần học hỏi không ngừng”, Hoàng nói.
PGS.TS Hoàng Trang - Trưởng phòng Đào tạo Sau đại học, Trường Đại học Bách khoa, đồng thời là giảng viên hướng dẫn của Nguyễn Trọng Hoàng chia sẻ: Hoàng là một người rất hay hỏi, luôn đặt ra nhiều thắc mắc đối với bài học.
Những ngày đầu tiếp xúc với Hoàng trong bối cảnh đại dịch Covid-19, khi đó, các tiết học diễn ra hoàn toàn trực tuyến qua màn hình, khá nhàm chán. Tôi chỉ nhớ được tên của Hoàng chứ chưa biết mặt em. Tuy nhiên, nhờ có chung sở thích thể thao, hai thầy trò dần trở nên thân thiết trước khi bước vào các công việc chuyên môn sâu hơn.
Nhận thấy Hoàng là một sinh viên có tinh thần học tập bài bản và nghiêm túc, tôi đã tạo điều kiện trao đổi với em về những vấn đề phức tạp trong lĩnh vực vi mạch. Hoàng cũng chủ động xin gia nhập IC Design Lab của trường.