Cẩn trọng với bẫy lừa du học
Ngày 24/2, trên cổng TTĐT Công an TP.Đà Nẵng, đơn vị này đã có cảnh báo người dân cần cảnh giác bẫy lừa đảo tuyển sinh du học.
Theo Công an TP.Đà Nẵng, nắm được nhu cầu của phụ huynh và nguyện vọng của sinh viên, nhiều đối tượng đã lập ra các trang web giả, thông báo giả để tuyển sinh du học, nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Gần đây, một số trường đại học liên tục phát cảnh báo sinh viên đề cao cảnh giác trước các thông tin giả mạo, lừa đảo yêu cầu chuyển khoản dưới dạng trúng tuyển học bổng, yêu cầu đóng khoản phí để được xét duyệt.
Thời gian qua, không ít sinh viên được mời gọi tham gia chương trình du học dưới dạng trao đổi, liên kết với các trường đại học.
Theo đó, sinh viên muốn tham gia phải nộp hồ sơ gồm đơn xin học bổng; bài luận cá nhân với đầy đủ mã số sinh viên, email, số điện thoại; hồ sơ tài chính.
Một nạn nhân cho biết, những thư mời này giới thiệu mức học bổng khá ưu đãi từ 25-100%. Trong đó có chữ ký của hiệu trưởng trường đại học như thật.
Khi người này bày tỏ sự quan tâm học bổng này thì các đối tượng có yêu cầu nộp một khoản phí và liên tục hối thúc là chương trình đăng ký còn rất ngắn.
Từ đầu năm học đến nay, hàng loạt các trường Đại học như Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), Đại học Công nghiệp TP.Hồ Chí Minh, Đại học Điện lực phát đi cảnh báo về việc đề cao cảnh giác trước các thông tin giả mạo, lừa đảo lên trang thông tin của trường.
Gần đây, sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội nhận được một văn bản văn bản giả mạo chữ ký hiệu trưởng với nội dung về chương trình trao đổi sinh viên với đại học ở Mỹ.
Đối tượng tham gia bao gồm toàn thể sinh viên đại học, cao đẳng hệ chính quy, có học lực khá trở lên, tư cách đạo đức tốt và phải chứng minh tài chính với mức tối thiểu 500 triệu đồng.
Thủ đoạn chung của các đối tượng lừa đảo là giả mạo các trường đại học lớn, sau đó lập các trang quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội nhằm thu hút sự chú ý.
Để từng bước dẫn dụ phụ huynh và sinh viên, chúng thường đưa ra mức học bổng hấp dẫn, điều kiện đơn giản nhưng thời gian đăng ký rất ngắn và phải trả khoản phí xét duyệt hồ sơ hoặc đặt cọc.
Bằng thủ đoạn này, có sinh viên đã bị lừa chuyển khoản tới hàng trăm triệu đồng.
Trước tình trạng trên, Phòng An ninh mạng Công an TP.Đà Nẵng khuyến cáo, nếu muốn tham gia các chương trình du học trao đổi hoặc hoạt động khác, sinh viên cần kiểm tra thông tin trên trang web của trường hoặc liên hệ trực tiếp với phòng Công tác sinh viên và bộ phận tài chính để xác nhận thông tin và hướng dẫn cụ thể.
Khi phát hiện dấu hiệu bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản cần nhanh chóng trình báo cơ quan công an nơi gần nhất.