NATO có cách 'giảm căng thẳng' khi ông Trump muốn thâu tóm Greenland
NATO đồng tình với các mối quan ngại của Tổng thống Donald Trump về đảo Greenland, và liên minh quân sự có cách để 'giảm căng thẳng' giữa Mỹ và Đan Mạch.
Theo hãng tin DPA của Đức, NATO cũng đang thảo luận về việc tăng cường sự hiện diện quân sự ở Bắc Cực để đối phó với Nga và Trung Quốc.
Các nguồn tin giấu tên chia sẻ với DPA hôm 31/1 rằng "các cuộc thảo luận không chính thức" đang diễn ra tại NATO để chuẩn bị một đề xuất cho ông Trump liên quan đến việc triển khai quân "quy mô lớn" ở Bắc Cực. Mục tiêu là "giảm bớt căng thẳng" giữa Mỹ và Đan Mạch về đảo Greenland bằng cách giải quyết những mối quan ngại của Washington.
Cũng theo DPA, mối quan ngại về vấn đề an ninh của ông Trump đối với các hoạt động của Nga và Trung Quốc ở Bắc Cực "được coi là hợp lệ" tại NATO.
Trước lễ nhậm chức, ông Trump từng có cuộc điện đàm căng thẳng với Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen về về mong muốn mua đảo Greenland ở Bắc Cực. Ông Trump đã đưa ra ý tưởng mua lại đảo Greenland ngay trong nhiệm kỳ đầu làm tổng thống Mỹ vào năm 2019. Vào tháng 12/2024, ông nhấn mạnh, "quyền sở hữu và kiểm soát Greenland là điều hoàn toàn cần thiết" đối với an ninh quốc gia Mỹ.
Greenland, nơi sinh sống của khoảng 60.000 người, là vùng lãnh thổ tự trị của Đan Mạch và được trao quyền tự quản vào năm 1979. Trong khi đó, Đan Mạch là thành viên NATO, liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu.
Một cuộc thăm dò gần đây cho thấy, gần 1/2 người Đan Mạch coi Mỹ là "mối đe dọa". Ngoài ra, 78% người Đan Mạch phản đối việc bán Greenland, và 72% tin rằng cư dân trên hòn đảo nên tự quyết định số phận của mình.
Một cuộc thăm dò riêng ở đảo Greenland cũng cho thấy, chỉ có 6% người dân địa phương muốn sáp nhập vào Mỹ, trong khi 85% phản đối.
DPA nhấn mạnh vấn đề Greenland "đặc biệt tế nhị" với NATO, bởi việc một thành viên đe dọa chiếm lãnh thổ của thành viên khác có nguy cơ làm tổn hại đến uy tín của khối quân sự.
Trên thực tế, cả Washington và Copenhagen đều có sự hiện diện quân sự tại Greenland. Đan Mạch điều hành Bộ Tư lệnh Bắc Cực tại thủ phủ Nuuk, trong khi Mỹ đặt căn cứ Pituffik, nơi tập trung vào phòng thủ tên lửa, cảnh báo sớm, và giám sát không gian.
Cũng theo DPA, các nhà ngoại giao NATO tin rằng sự thành công của sáng kiến Bắc Cực sẽ phụ thuộc vào việc liệu mối quan tâm của Tổng thống Mỹ Trump đối với Greenland xuất phát từ lo ngại an ninh, hay nguồn tài nguyên thiên nhiên khổng lồ chưa được khai thác bên dưới lớp băng.