Đằng sau việc ông Trump sa thải hàng loạt quan chức trong đêm

Quyết định sa thải hàng loạt quan chức liên bang của ông Trump nhiều khả năng sẽ bị đưa ra tòa án. Nếu tòa đồng thuận với Nhà Trắng, quyền lực của tổng thống sẽ được mở rộng.

 Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters.

Chỉ trong chưa đầy hai tuần đầu nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump đa sa thải hàng chục quan chức chính quyền liên bang - từ các chánh thanh tra bộ ngành, thành viên các ủy ban độc lập tới công tố viên Bộ Tư pháp.

Đáng chú ý, một số quyết định bị coi vi phạm luật pháp liên bang và có nhiều khả năng bị kiện ra tòa.

Tuy nhiên, dường như đây cũng là điều các luật sư của ông Trump mong chờ. Có nguy cơ các thẩm phán sẽ đảo ngược quyết định của ông chủ Nhà Trắng. Tuy nhiên, nếu họ đồng tình, quyền kiểm soát nhánh hành pháp của tổng thống sẽ được mở rộng.

“Một mặt, các động thái này dường như ‘chào mời’ sự phản đối của tòa án vì nhiều nội dung trong đó vi phạm luật pháp với thông điệp chính là quyền lực hành pháp không hạn chế”, giáo sư Jack Goldsmith tại Đại học Harvard, người từng lãnh đạo Văn phòng Cố vấn Pháp lý Bộ Tư pháp dưới thời chính quyền George W. Bush, nói với New York Times.

“Tuy nhiên, rõ ràng là họ đang đặt ra các án lệ để thử nghiệm”, ông Goldsmith nói thêm.

Quyền lực của tổng thống

Trong những ngày đầu nhiệm kỳ, ông Trump đã thi hành hàng loạt biện pháp thể hiện quyền lực, đặc biệt là sa thải các quan chức chính phủ.

Một số quy trình sa thải dường như không hoàn toàn phù hợp với luật pháp Mỹ. Ví dụ, theo quy định, ông Trump phải thông báo bằng văn bản tới Quốc hội trước 30 ngày kèm theo “giải thích cụ thể, bao gồm những lập luận chi tiết và dẫn chứng rõ ràng” trước khi sa thải các chánh thanh tra bộ ngành. Đêm 24/1, ông Trump đã sa thải 17 chánh thanh tra dù không thông báo trước.

Một số chánh thanh tra bị sa thải đã thảo luận về khả năng khởi kiện quyết định của ông Trump. Tuy nhiên, vụ kiện này có thể trở thành “vũ đài” để chính quyền Trump lập luận rằng quy định buộc tổng thống thông báo trước cho Quốc hội là vi hiến.

Bên cạnh các chánh thanh tra bộ ngành, ông Trump cũng sa thải quan chức tại một số cơ quan khác. Một trong số đó là bà Gwynne Wilcox, thành viên Hội đồng Quan hệ Lao động Quốc gia (NLRB). Bà Wilcox cũng có ý định kiện ông Trump ra tòa.

 Bà Gwynne Wilcox có dự định khởi kiện ông Trump. Ảnh: NLRB.

Bà Gwynne Wilcox có dự định khởi kiện ông Trump. Ảnh: NLRB.

Đạo luật thành lập NLRB quy định tổ chức này độc lập với Nhà Trắng và tổng thống không thể tự ý sa thải các thành viên của hội đồng.

“Các thành viên hội đồng có thể bị tổng thống sa thải, sau khi thông báo và điều trần, vì xao lãng trách nhiệm và hành vi sai trái khi thực hiện nhiệm vụ, nhưng không thể bởi các lý do khác”, đạo luật viết.

Bà Wilcox không có cơ hội điều trần và cũng không bị cáo buộc có hành vi sai trái nào. Do đó, nếu bà khởi kiện, vụ án sẽ tập trung vào tính hợp hiến của quy định kể trên.

Khác với NLRB, đạo luật thành lập Hội đồng Giám sát Quyền riêng tư và Tự do dân sự Mỹ (PCLOB) và Ủy ban Cơ hội việc làm công bằng (EEOC) - hai cơ quan cũng có quan chức bị ông Trump sa thải - không có điều khoản hạn chế quyền sa thải của tổng thống. Do đó, các vụ kiện sẽ phức tạp hơn.

Tuy nhiên, tại Washington có “đồng thuận ngầm” rằng các quan chức này cũng được bảo vệ và chỉ bị sa thải nếu có lý do chính đáng. Hồi năm 2010, Tòa án Tối cao Mỹ giả định các quan chức Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) được bảo vệ, dù không đưa ra quyết định chính thức.

Đất diễn của Tòa án Tối cao

Trong số 9 thẩm phán tại Tòa án Tối cao Mỹ hiện nay, 5 người từng là luật sư của nhánh hành pháp dưới thời các cựu tổng thống Ronald Reagan và George W. Bush.

Đội ngũ pháp lý của cả hai tổng thống Cộng hòa này đều có quan điểm mở rộng quyền lực của nhánh hành pháp, bao gồm phát triển các lý thuyết hạn chế sự kiểm soát của Quốc hội với Nhà Trắng.

Ví dụ, các cố vấn luật pháp của ông Reagan đã đề ra lý thuyết cho rằng tổng thống nên độc quyền kiểm soát nhánh hành pháp. Theo đó, nếu Quốc hội ban hành luật cho phép các quan chức khác hành động độc lập, họ sẽ vi phạm Hiến pháp Mỹ. Hệ quả là tổng thống có quyền sa thải bất cứ quan chức nào trong nhánh hành pháp.

Trong những năm gần đây, phe bảo thủ chiếm đa số trong Tòa án Tối cao Mỹ - với lãnh đạo là Chánh án John Roberts, người từng làm việc trong Văn phòng Cố vấn Pháp lý Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Reagan - đã thúc đẩy lập luận này.

 Chánh án John Roberts trong lễ nhậm chức của ông Trump hôm 20/1. Ảnh: New York Times.

Chánh án John Roberts trong lễ nhậm chức của ông Trump hôm 20/1. Ảnh: New York Times.

Với lập luận đó, Tòa án Tối cao Mỹ từng ra phán quyết hủy bỏ quy định ngăn tổng thống sa thải Giám đốc Cục Bảo vệ Tài chính Người tiêu dùng Mỹ (CFPB) hồi năm 2020.

Ông Trump dường như cũng đang thử nghiệm phạm vi quyền lực trong việc sa thải các công chức trong chính quyền. Theo một sắc lệnh hành pháp mới được ông Trump ký, các công chức cấp cao dễ bị sa thải hơn, khiến họ dễ bị thay thế bằng những người với tổng thống hơn.

Chính quyền Trump cũng đã sa thải hàng loạt công tố viên Bộ Tư pháp Mỹ có tham gia điều tra ông Trump với cáo buộc kích động vụ bạo loạn ngày 6/1/2021 và vi phạm quy định về tài liệu mật.

Giải thích về động thái này, quyền Bộ trưởng Tư pháp Mỹ James McHenry viện dẫn quyền lực của ông Trump theo hiến pháp và “luật pháp Mỹ”, cũng như khẳng định các thẩm phán bị sa thải có quyền kháng nghị.

Nếu các công tố viên kháng nghị, quyền kiểm soát tổng thống của Quốc hội Mỹ sẽ đứng trước thử nghiệm mới.

“Chúng ta sẽ hiểu rõ Chánh án Roberts thực sự cam kết với điều gì”, giáo sư Goldsmith nói.

Hà Thủy

Nguồn Znews: https://znews.vn/dang-sau-viec-ong-trump-sa-thai-hang-loat-quan-chuc-trong-dem-post1528358.html
Zalo