Năng lượng tái tạo - 'Chìa khóa' cho tăng trưởng xanh
Hỏi: Năng lượng tái tạo là gì, vì sao trở thành xu thế tất yếu trong phát triển bền vững của nhiều quốc gia?

Nhà máy điện gió số 5 ở Ninh Thuận sản xuất năng lượng tái tạo đóng góp vào tăng trưởng xanh của địa phương. (Ảnh: nhandan.vn)
Đáp: Năng lượng tái tạo là nguồn năng lượng được tạo ra từ các nguồn tự nhiên như ánh sáng mặt trời, thủy triều, gió, mưa, thực vật, tảo và địa nhiệt. Các nguồn năng lượng này có thể tự tái tạo và được bổ sung một cách tự nhiên. Năng lượng tái tạo cũng được biết đến với tên gọi năng lượng sạch, năng lượng xanh, năng lượng mới, hay năng lượng bền vững...
Các loại năng lượng tái tạo phổ biến hiện nay bao gồm: Năng lượng mặt trời - sử dụng ánh sáng mặt trời để tạo ra điện năng thông qua những tấm pin mặt trời; năng lượng nước - ứng dụng nước chảy để quay tua-bin và tạo ra điện năng; năng lượng địa nhiệt - sử dụng nhiệt độ từ lòng đất để tạo ra điện năng; năng lượng sinh khối - tận dụng các nguồn năng lượng từ vật liệu hữu cơ như gỗ, bã mía, rác thải để tạo ra điện năng; năng lượng biển - sử dụng sức mạnh của sóng biển hoặc nước biển để tạo ra điện năng; năng lượng gió - khai thác dòng không khí chuyển động trong không gian để đẩy tua-bin tạo ra điện năng…
Năng lượng tái tạo trở thành xu thế tất yếu trong phát triển bền vững của nhiều quốc gia hiện nay, bởi các nguồn năng lượng này ít tác động đến môi trường, khai thác các nguồn nhiên liệu sẵn có trong tự nhiên, giúp việc phát điện tự chủ tại nhiều địa hình khác nhau như nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa mà không cần phụ thuộc vào các công ty dầu khí, than và điện, nhất là ở những khu vực hệ thống điện không thể tiếp cận đến. Trong khi các nhiên liệu hóa thạch tạo ra các nguồn năng lượng không thể tái tạo cần hàng triệu năm để hình thành và sẽ giảm dần, thậm chí cạn kiệt, gây ra khí thải làm ô nhiễm môi trường và góp phần làm biến đổi khí hậu, năng lượng tái tạo có khả năng tự tái tạo, góp phần thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Hỏi: Tại Việt Nam, xu hướng chuyển dịch năng lượng tái tạo được triển khai như thế nào?
Đáp: Năng lượng tái tạo có vai trò đặc biệt quan trọng đối với môi trường vì tính thân thiện. Chúng không thải ra, hoặc thải ra rất ít khí nhà kính, điều này tốt cho hệ sinh thái tự nhiên, có lợi cho sức khỏe con người và động vật.
Việt Nam là quốc gia có tiềm năng lớn để chuyển đổi sang năng lượng xanh như điện mặt trời, với đường bờ biển dài là tài nguyên dồi dào cho điện gió ngoài khơi và điện gió đất liền.
Nền kinh tế Việt Nam đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ làm thúc đẩy nhu cầu năng lượng. Quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa và mở rộng sản xuất càng khiến việc tiêu thụ năng lượng tăng cao.
Việt Nam cũng là quốc gia đang phải đối mặt với nguy cơ chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Xuất phát từ những lý do nêu trên, việc phát triển năng lượng tái tạo đang là “chìa khóa” để đạt mục tiêu tăng trưởng xanh, được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm.
Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam, tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ: “Phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hóa các loại hình năng lượng, ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch”.
Ngày 1/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, trong đó trọng tâm là việc tập trung vào khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng xanh.
Quyết định số 215/QĐ-TTg ngày 1/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đề ra mục tiêu quan trọng trong việc bảo đảm an ninh năng lượng và phát triển bền vững; trong đó tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng hóa thạch một cách hợp lý, ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch hướng đến mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính và đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050.
Theo đánh giá của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), đến năm 2030, Việt Nam sẽ có khả năng nâng công suất lắp đặt các dự án năng lượng tái tạo lên 21% tổng công suất lắp đặt, qua đó giảm tỷ trọng sử dụng điện than từ 52% xuống còn 43%. Sự chuyển dịch sang sử dụng năng lượng tái tạo sẽ góp phần hạn chế sử dụng các nguồn nguyên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ, khí đốt, dẫn đến việc giảm bụi và khí thải ra môi trường; góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc vào năm 2030 (SDGs 2030).
Dù là loại hình năng lượng của tương lai, nhưng với quốc gia đang phát triển như Việt Nam, vẫn còn không ít khó khăn, thách thức trong việc phát triển nguồn năng lượng này theo hướng bền vững.
Một số nguồn năng lượng xanh phụ thuộc vào các điều kiện tự nhiên như thời tiết, khí quyển, nguồn nước nên nguồn điện có thể bị gián đoạn, hiệu suất thấp. Hiện tại, công suất phát điện từ năng lượng xanh chưa đủ lớn để đáp ứng nhu cầu năng lượng của người dân. Việc áp dụng công nghệ mới để cải thiện nguồn năng lượng tái tạo là yêu cầu cấp thiết hiện nay.
Nhiều ý kiến cho rằng cần xây dựng các nhà máy năng lượng tái tạo mới để đáp ứng nhu cầu năng lượng của người dân. Tuy nhiên, hiện nay, việc doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này còn nhiều rào cản.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp muốn đầu tư vào năng lượng tái tạo đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ thủ tục xét duyệt đầu tư, công nghệ, nguồn tài chính đến nhân lực chất lượng cao.
Đáng chú ý, còn nhiều dự án đang vướng mắc trong việc hoàn thiện thủ tục trong giai đoạn được hưởng ưu đãi về giá điện. Không chỉ vướng mắc về chính sách, nguồn tài chính cho các dự án năng lượng tái tạo cũng bị ảnh hưởng theo sự chậm trễ của chính sách. Việc chậm trễ này khiến các ngân hàng khó có thể giải ngân các khoản vay vì thiếu đầu ra cho các dự án năng lượng tái tạo chưa được bảo đảm.
Một trong những nguyên nhân gây khó khăn trong việc phát triển các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam là nguồn nhân lực chất lượng cao còn phụ thuộc vào quốc tế, dẫn đến thiếu chủ động trong đội ngũ nhân lực tại chỗ. Việc giải quyết được những khó khăn từ cơ chế chính sách tới nguồn tài chính và nhân lực sẽ góp phần tháo gỡ nút thắt, giúp phát triển năng lượng xanh, hướng tới một tương lai tăng trưởng bền vững.