Cảnh giác với 'truyền thông bẩn' trên mạng xã hội
Trong những ngày gần đây, vụ việc lùm xùm giữa ViruSs với một số cô gái, bao gồm Ngọc Kem và rapper Pháo, đã thu hút một lượng lớn người theo dõi. Hiện tượng này đã làm dấy lên lo ngại về định hướng giá trị và thị hiếu của giới trẻ Việt Nam trên các nền tảng mạng xã hội hiện nay.

Vụ việc ồn ào của ViruSs và các cá nhân liên quan sẽ được Cục Phát thanh Truyền hình và thông tin điện tử tìm hiểu, xác minh.
Tối 28/3/2025, buổi livestream của streamer ViruSs (tên thật là Đặng Tiến Hoàng) trên TikTok đã thu hút hơn 1 triệu người xem cùng lúc, có thời điểm lên tới hơn 1,5 triệu người. Phiên livestream bao gồm phần đối chất giữa nam streamer này và nữ rapper Pháo liên quan đến lùm xùm tình ái, kéo dài đến 1 giờ sáng và đạt tổng cộng 4,8 triệu lượt xem.
Các tình tiết trong cuộc trò chuyện nhanh chóng gây "bão" trên mạng xã hội, tạo nên nhiều cuộc bàn tán và ý kiến trái chiều. Dù trở thành tâm điểm chỉ trích của cư dân mạng về nội dung thiên về đời tư, nhưng với lượng xem khổng lồ, streamer ViruSs vẫn có thể thu về số tiền lớn.
Như các buổi livestream trước, ViruSs bật tính năng yêu cầu người xem trả phí để có thể bình luận hoặc tham gia thảo luận. Mức phí đăng ký để tham gia bình luận trong livestream trên TikTok dao động từ 135.000-155.000 đồng/tháng.
Trong phiên live, nam streamer nhận được rất nhiều quà ủng hộ từ người xem như sư tử, cá heo, TikTok Universe... Một số món quà có giá lên tới hàng triệu đồng. Để tặng phần thưởng cho nam streamer, người dùng mạng xã hội TikTok phải bỏ ra số tiền lớn để mua những món quà ảo này.
Có thể thấy, người dùng mạng xã hội đã trở thành "công cụ kiếm tiền" cho những nhà sáng tạo nội dung này. Chỉ từ một câu chuyện lùm xùm đời tư, những đoạn tin nhắn được công khai mà không hề có sự xác thực chính thức từ bất kỳ bên liên quan chính thống nào, họ đã có thể thu về một khoản lợi nhuận khổng lồ lên đến cả trăm triệu đồng qua một buổi livestream. Đồng thời, số lượt theo dõi của các bên đều tăng vọt, kéo theo các lợi ích tài chính từ quảng cáo hay hợp đồng thương mại. Hiện tượng này còn có dấu hiệu vi phạm nhiều quy định hiện hành về hoạt động livestream và cung cấp nội dung trên nền tảng mạng xã hội.
Theo Nghị định số 147/2024/NĐ-CP, chỉ các nền tảng đã được cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp phép mới được phép cung cấp tính năng livestream có phát sinh doanh thu. Việc ViruSs và Pháo thực hiện livestream trên nền tảng chưa rõ giấy phép, chưa xác thực danh tính người dùng, nếu có phát sinh lợi ích thương mại mà không công khai hoặc sai quy định, có thể vi phạm pháp luật. Như vậy, chúng ta không chỉ đang bị họ lợi dụng để thu lại lợi nhuận mà còn đang gián tiếp tiếp tay cho hoạt động vi phạm pháp luật.
Về mặt xã hội, nội dung buổi phát sóng còn tiềm ẩn vi phạm thuần phong mỹ tục, xâm phạm quyền riêng tư và có dấu hiệu kích động. Việc công khai đời sống tình cảm để tranh cãi, công kích lẫn nhau trên sóng livestream với hàng triệu người theo dõi không chỉ phản văn hóa mà còn góp phần định hình hành vi ứng xử lệch lạc trên mạng xã hội, cũng như tạo ra tư duy lệch chuẩn về việc làm gì để được quan tâm và nổi tiếng. Thật đáng lo ngại khi một bộ phận không nhỏ giới trẻ lại đang bị dẫn dắt và thậm chí hào hứng với những nội dung giải trí vô bổ, độc hại như vậy.
Bạn Nguyễn Thái Dương (sinh viên Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Đại học Thái Nguyên) cho biết: Em nghĩ livestream gần đây giữa Pháo và ViruSs là một ví dụ điển hình cho việc truyền thông bẩn đang ngày càng lan rộng trên mạng xã hội. Khi những nội dung mang tính công kích cá nhân, bóp méo sự thật hoặc tạo drama được lan truyền mạnh mẽ, nó không chỉ làm lệch lạc nhận thức của người xem mà còn cổ vũ cho văn hóa "ném đá", phán xét thiếu suy nghĩ.
Là người trẻ, em cảm thấy chúng ta cần tỉnh táo hơn khi tiếp nhận thông tin và cũng cần có trách nhiệm hơn khi phát ngôn trên không gian mạng. Sự tự do không đồng nghĩa với việc được phép làm tổn thương người khác để câu view hay nổi tiếng." - bạn Nguyễn Thái Dương
Anh Phạm Bảo Lâm (TP. Thái Nguyên): Điều đáng buồn là nội dung mang tính giật gân, công kích cá nhân hay phô bày đời tư lại thường thu hút sự chú ý nhiều hơn những giá trị thật. Livestream vừa rồi của Pháo và ViruSs là một lời cảnh tỉnh lớn cho người trẻ - cả về việc tiêu thụ nội dung lẫn cách tạo ra nội dung.
Có thể nói, đây không còn là hiện tượng nhất thời mà là biểu hiện của một sự khủng hoảng chuẩn mực xã hội trong thời đại số, khi những nền tảng này bị chi phối bởi những người không đại diện cho bất kỳ giá trị đạo đức hay trí tuệ nào.
Qua vụ việc lần này, chúng ta cần tỉnh táo, chọn lọc nội dung thông tin, tìm hiểu kỹ và có tư duy phản biện khi theo dõi các nội dung trên các nền tảng mạng xã hội. Đã đến lúc cần có sự tham gia của nhiều bên: các nền tảng công nghệ cần có trách nhiệm hơn; các nhà giáo dục và truyền thông cần lên tiếng mạnh mẽ; và đặc biệt, mỗi người dùng mạng xã hội cần biết chọn lọc, từ chối nội dung độc hại, nói không với trò tiêu khiển vô bổ.